Liên kết cùng làm việc lớn

08:51, 04/04/2016

Luôn hướng tới mục tiêu đem lại lợi ích cho các thành viên, trở thành bệ đỡ của kinh tế hộ là một ưu điểm nổi bật của mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, đang được minh chứng bởi các HTX điển hình trên địa bàn tỉnh. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập đến 2 mô hình HTX tiêu biểu thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ở đó có những nông dân đã nhìn nhận đúng xu thế phát triển của thị trường để liên kết lại cùng làm việc lớn.

Đưa gà đồi thâm nhập Big C

 

Xã Tân Khánh nằm trong vùng trọng điểm chăn nuôi gà đồi của huyện Phú Bình, nhưng người dân vẫn thường lo ngại đầu ra sản phẩm không ổn định. Giá cả bấp bênh khiến họ luôn có cảm giác như “đánh bạc” với đàn gà, không ít hộ do phải chịu lỗ nặng mà nhụt chí. Trước nỗi lo về đầu ra, một số người chăn nuôi gà quy mô lớn ở xã (từ 1.000 con gà/lứa) đã họp bàn và thống nhất sẽ liên kết chặt chẽ với nhau để xây dựng thương hiệu sản phẩm. HTX Chăn nuôi - Trồng trọt và Dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh gồm 15 thành viên, ra đời tháng 10-2014 trong bối cảnh đó.

 

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX phân tích: Đòi hỏi của thị trường ngày càng cao, sản phẩm nông nghiệp phải sạch và có chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Nếu người nông dân cứ mạnh ai nấy làm, không liên kết lại thì luôn chịu thua thiệt và khó làm ăn lớn. Việc liên kết trong một HTX là điều kiện để chúng tôi hỗ trợ lẫn nhau về vốn, cùng đầu vào, đầu ra giúp giảm giá thành và xây dựng thương hiệu. Những ràng buộc khi vào HTX khiến các hộ có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình, hướng tới phát triển sản xuất bền vững.

 

Để đảm bảo sản phẩm chăn nuôi sạch, chất lượng cao và đồng đều, HTX đã xây dựng quy định chi tiết như: Chỉ nuôi 1 giống gà ri, thống nhất về mật độ nuôi, chế độ chăn, thức ăn, thuốc thú y, thời gian nuôi gà là 120 ngày… HTX ký hợp đồng thường xuyên với những cơ sở cung cấp giống gà, đại lý thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y nhằm ổn định đầu vào. Các hộ thành viên đều có sổ để ghi chép “nhật ký” đàn gà và phải chịu sự giám sát thường xuyên của Ban Kiểm soát. Những hộ chấp hành đầy đủ các quy định đều được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá ổn định trong 1 năm (hiện là 60 nghìn đồng/kg gà), đảm bảo có lãi xấp xỉ 20 triệu đồng mỗi lứa gà 1.000 con. Về đầu ra, sau nhiều nỗ lực và sự năng động của Ban Giám đốc, HTX đã ký được hợp đồng cung cấp 9.000 con/tháng cho Siêu thị Big C Hà Nội, đồng thời liên tục mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Không những yên tâm về đầu ra, các thành viên HTX Chăn nuôi - Trồng trọt và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thịnh còn bớt được mối lo thiếu vốn sản xuất. Khi thu mua gà, HTX giữ lại 70% giá trị trong 1 tháng để cho những hộ đang thiếu vốn vay không lấy lãi, hoặc tạm “khỏa lấp” những trường hợp khách hàng chậm thanh toán. Cứ xoay vòng như vậy, tất cả các thành viên đều bình đẳng trong việc đóng góp và được giúp đỡ về vốn. Ông Hà Văn Đông, Phó Giám đốc HTX bày tỏ lạc quan: Dù quy mô còn nhỏ nhưng chúng tôi luôn có niềm tin vào triển vọng phát triển vì đang đi đúng hướng, các thành viên đều biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, chấp hành tốt những quy định chung. HTX dự kiến trong năm nay sẽ đầu tư khoảng 700 triệu đồng để xây dựng 1 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung nhằm khép kín quy trình sản xuất, đồng thời tích cực làm thủ tục để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và xin cấp chứng nhận sản phẩm sạch…

 

Đồng lòng làm chè đạt chuẩn quốc tế

 

Vài năm trở lại đây, sản phẩm chè của HTX chè Tân Hương (trụ sở tại xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) nổi lên trở thành thương hiệu có uy tín trong và ngoài tỉnh. Điều đó không phải ngẫu nhiên, bởi 15 năm qua, tập thể HTX đã không quản gian truân để đồng lòng, kiên trì xây dựng thương hiệu. Năm 2011, HTX là cơ sở sản xuất đầu tiên trong cả nước được cấp chứng nhận quốc tế UTZ Certified trên sản phẩm chè, sau đó được vinh danh là 1 trong 100 HTX nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc.

 

Sống chủ yếu bằng nghề chè trong vùng chè đặc sản Tân Cương, những người gây dựng HTX chè Tân Hương như các bà Đỗ Thị Hiệp, Nguyễn Thị Nhài, Tống Thị Thoa, Hoàng Thị Thủy… luôn trăn trở vì đầu ra sản phẩm. Làm sao để không bị tư thương ép giá, để sản phẩm chè sạch đặc sản có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường? Vậy là mọi người tập hợp lại để thành lập nhóm sở thích làm chè (thực chất là một tổ hợp tác), đến năm 2000 thì “khai sinh” HTX chè Tân Hương với 32 thành viên. Vượt qua mọi khó khăn, lúng túng ban đầu, với phương châm kiên trì xây dựng thương hiệu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, HTX đã có những bước tiến vững chắc.

 

Ngay từ đầu, HTX chè Tân Hương đã xác định phải làm chè sạch đảm bảo chất lượng nhằm từng bước xây dựng uy tín với khách hàng. Để làm được điều đó, HTX đã thống nhất xây dựng quy chế cụ thể, có hợp đồng thỏa thuận với thành viên gồm những điều khoản cam kết rõ ràng giữa 2 bên. Hàng năm, HTX liên kết với các cơ quan, tổ chức và mời chuyên gia đến tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè cho bà con từ 4 đến 5 lần. Đồng thời trích lợi nhuận, vay ngân hàng và huy động sự đóng góp của thành viên để nâng cấp trụ sở, quảng bá sản phẩm và đầu tư những loại máy móc thiết yếu như: Máy hút chân không, máy vò chè, cân định lượng…

 

Bà Đỗ Thị Hiệp, Giám đốc HTX chè Tân Hương cho biết: Chúng tôi đã ký hợp đồng với các đại lý để cung cấp vật tư đầu vào theo hình thức trả chậm cho những hộ có nhu cầu, hợp đồng với 1 doanh nghiệp tiêu thụ. Sản phẩm chè của các hộ thành viên đảm bảo chất lượng, đúng quy trình sản xuất được HTX thu mua với giá cao hơn thị trường cùng thời điểm 5%. Đó là những yếu tố quan trọng nhất để họ gắn bó và cùng giữ gìn thương hiệu chung. Từ khi HTX làm chè UTZ, quy định về sản xuất, chế biến càng nghiêm ngặt hơn nhưng các hộ đều có ý thức tự giác chấp hành tốt.

 

Ông Nghiêm Ngọc Anh, một thành viên HTX chia sẻ: Tôi nhận thấy việc tham gia HTX có rất nhiều lợi ích, vì như vậy mới xây dựng được thương hiệu, việc sản xuất, tiêu thụ chè cũng thuận lợi và chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều. Gia đình tôi luôn tự giác ghi đầy đủ vào sổ nhật ký nông hộ, đảm bảo chất lượng sản phẩm với quy trình sản xuất sạch.

 

Hiện nay, HTX chè Tân Hương đã phát triển lên 45 thành viên, 12 lao động được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định; diện tích chè đạt 25ha với sản lượng ước tính trên 65 tấn búp khô mỗi năm; doanh thu luôn tăng trưởng khá (năm 2015 đạt 7,4 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước); nộp ngân sách hàng trăm triệu đồng/năm. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, HTX đã ủng hộ các hoạt động xã hội từ thiện 119 triệu đồng…

 

“Mẫu số” chung

 

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục HTX kiểu mới tiêu biểu của tỉnh. Mỗi đơn vị có đặc thù riêng nhưng “mẫu số” chung là đều xây dựng được mối liên kết chặt chẽ trên cơ sở xác định đúng hướng phát triển phù hợp với kinh tế thị trường. Tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, tự chủ và luôn biết phát huy nội lực. Điểm mấu chốt là mọi hoạt động của HTX đều nhằm mang lại lợi ích cho các thành viên, trở thành bệ đỡ cho kinh tế hộ. Đội ngũ lãnh đạo HTX là những người có năng lực, luôn thể hiện sự nhạy bén và tinh thần nhiệt huyết, hết lòng vì việc chung. Ông Nguyễn Văn Thịnh và ông Hà Văn Đông đã bỏ tiền túi để đi học tập nhiều nơi, “bay” cả vào Nam đề học hỏi kinh nghiệm quản lý. Bà Đỗ Thị Hiệp, bà Nguyễn Thị Nhài đã từng gác việc nhà “khăn gói quả mướp” xuống Hà Nội hàng tháng trời để học về HTX, tự nguyện mang “sổ đỏ” của gia đình đi thế chấp vay vốn cho tập thể… Những mô hình này đã và đang có sức lan tỏa mạnh, góp phần thay đổi quan niệm của nhiều người về kinh tế tập thể. Nhưng để phát triển hơn nữa, các HTX cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, định hướng từ các cấp, ngành.