Năm 2015 Công ty Than Khánh Hoà (Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV - CTCP) tiếp tục thu lỗ trên 70 tỷ đồng và quý I-2016 mặc dù chưa quyết toán những chắc chắn vẫn thua lỗ vì hiệu quả sản xuất chưa bù đắp được chi phí nên đời sống người lao động bấp bênh. Nguyên nhân dẫn tới hệ luỵ này vẫn là do khâu đền bù, thu hồi đất thực hiện không suôn sẻ nên doanh nghiệp này thiếu mặt bằng thi công, đổ thải. Doanh nghiệp đã lập nên cả một bộ phận chuyên trách, ký kết hợp đồng với các đơn vị chức năng của tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ đền bù, thu hồi đất theo các quyết định phê duyệt của UBND tỉnh nhưng hiệu quả rất khiêm tốn…
Khoảng 400 tỷ đồng đã được Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt bắc TKV – CTCP vay từ các ngân hàng thương mại để cấp vốn cho Công ty Than Khánh Hòa phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện công tác đền bù, thu hồi đất theo quy định của pháp luật để phục vụ sản xuất, tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng Dự án nâng công suất khai thác lên 800 nghìn tấn than sạch/năm. Đây là Dự án “sống còn” với Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV - CTCP vì các đơn vị thành viên và một số doanh nghiệp lớn trong tỉnh đều phải sử dụng nguồn than do Công ty Than Khánh Hoà sản xuất. Yêu cầu mặt bằng lớn nên từ năm 2013 đến nay, Công ty Than Khánh Hoà đã triển khai thực hiện 4 Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc địa bàn T.P Thái Nguyên và 2 huyện: Phú Lương, Đại Từ. Trong đó, nhu cầu mặt bằng chính là phục vụ sản xuất, đổ thải và xây dựng 2 khu tái định cư cho những hộ dân thuộc diện phải di dời.
Đến hết tháng 3-2016 (sau hơn 3 năm thực hiện 4 dự án GPMB), công tác GPMB của Công ty Than Khánh Hoà đã đồng loạt được triển khai nhưng ở tất cả địa bàn nói trên đều còn có vướng mắc. Tình trạng một số hộ dân nằm trong vùng Dự án không chấp thuận và thực hiện theo nội dung các văn bản của UBND tỉnh về giá đền bù tài sản, đòi hỏi chủ đầu tư phải trả thêm một khoản tiền mới bàn giao mặt bằng. Đơn cử như: Địa bàn xã Sơn Cẩm (Phú Lương) hiện chỉ còn 4 hộ dân và địa bàn xã Phúc Hà, phường Tân Long (T.P Thái Nguyên) còn 8 hộ dân xây dựng công trình sau khi cấp có thẩm quyền đã công bố Dự án; xây dựng công trình trên đất nông nghiệp nên theo quy định của pháp luật chỉ được hỗ trợ từ 25% đến 80% giá trị công trình nhưng người dân nhất quyết đòi đền bù 100% giá trị.
240 hộ dân ở 2 xóm: Ngò và Cầu Sắt của xã An Khánh (Đại Từ) lại yêu cầu chủ đầu tư Dự án phải đền bù cả phần đất mà người dân đã tự nguyện hiến để làm đường trước khi thực Dự án mở rộng bãi đổ thải phía Tây và UBND đã có quyết định thu hồi đất trước đó; yêu cầu chủ đầu tư phải chi trả thêm 30 triệu đồng/sào đất nông nghiệp so với quyết định phê duyệt giá đền bù của UBND tỉnh là 78,3 triệu đồng/sào. Một số hộ dân ở xã An Khánh có phần mộ nằm trong vùng Dự án đưa ra yêu cầu ngoài định mức đền bù mà UBND tỉnh phê duyệt còn đòi chủ đầu tư phải trả thêm 10 triệu đồng/mộ mới di dời, bàn giao mặt bằng…
Phần lớn số hộ dân trong diện di dời ở Đại Từ, Phú Lương và T.P Thái Nguyên đề nghị chủ đầu tư Dự án phải xây dựng khu tái định phục vụ nhu cầu chỗ ở mới nhưng khi chủ đầu tư đã bỏ ra khoản tiền 80 tỷ đồng để xây dựng có 2 khu tái định cư tập trung có đủ các công trình hạ tầng phục vụ sinh hoạt (tại xã Phúc Hà và phường Tân Long) với tổng số trên 200 lô đất. Nhưng khi có quỹ đất tái định cư, một số hộ dân lại đề nghị được nhận tiền hỗ trợ với 100 triệu đồng/thửa đất để tự tìm nơi tái định cư bằng cách dịch chuyển khoảng vài chục mét so với nơi ở cũ!? Do vậy, 120 lô đất ở 2 khu tái định cư mà Công ty Than Khánh Hoà được cấp trên giao làm chủ đầu tư vẫn còn ở dạng “dự phòng” chờ người dân đến ở…trong khi nguồn lực tài chính để đầu tư cho sản xuất của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Vì này cũng dự báo vài năm nữa những hộ mới di dời lại tiếp tục phải di dời vì vẫn nằm trong vùng quy hoạch mở rộng khai trường, bãi đổ thải của Công ty Than Khánh Hoà đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Chủ đầu tư Dự án và các cơ quan chức năng của tỉnh thì áp dụng các văn bản pháp lý trong lĩnh vực đền bù, thu hồi đất, còn một phận nhỏ người dân lại đưa ra những lý do riêng để đòi hỏi được giải quyết những điều mà pháp luật hiện hành chưa cho phép. Chính vì điều này mà công tác đền bù, thu hồi đất để tạo mặt thi công sản xuất, đổ thải của Công ty Than Khánh Hoà vẫn dai dẳng, khó khăn, chắp vá theo kiểu: Có mặt bằng thì sản xuất sôi động, ngược lại mặt bằng thiếu chuyển sang sản xuất cầm chừng. Ông Đỗ Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty Than Khánh Hoà cho biết: Vận động, thuyết phục, giải thích để người dân hiểu pháp luật đã được chúng tôi thực hiện liên tục nhiều năm nay. Hộ có ý thức đã hợp tác còn những trường hợp có dấu hiệu trục lợi thì tìm đủ mọi cách để cơi nới công trình, xây dựng tạm để đón đền bù. Những việc làm trái pháp luật đó chúng tôi không thể giải quyết. Chúng tôi hy vọng qua tháng 5-2016, các sự kiện chính trị đã hoàn thành, cấp uỷ, chính quyền các địa phương liên quan trong tỉnh sẽ vào cuộc có trách nhiệm để cùng chúng tôi giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác đền bù, thu hồi đất…
Bãi đổ thải cách khu dân cư không xa nên ỗ nhiễm tiếng ồn, tiềm ẩn tai nạn; đường sản xuất, đổ thải đi vòng qua khu vực nhà dân dẫn tới bụi khi nắng, bẩn khi mưa… đang là thực trạng tại vùng Dự án của Công ty Than Khánh Hoà. Nhưng nguyên nhân dẫn tới điều này không phải doanh nghiệp thờ ơ, thiếu trách nhiệm mà là sự dai dẳng đeo bám của một số ít hộ dân với mục đích trục lợi từ hoạt động đền bù, thu hồi đất.