Người biết giữ chữ tín

08:01, 20/04/2016

Nhiệt tình, năng động, sống gương mẫu, biết giữ chữ tín và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Nhiều nông dân ở vùng chè Tân Cương đã có nhận xét như vậy về chị Đào Thị Hảo, xóm Nam Tân, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên).

Là người con sinh ra ở vùng chè, chị Hảo sớm quen với tảo tần, mưa nắng và thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. 19 tuổi, chị lên xe hoa, về làm dâu nhà chồng ở Nam Thái. Chồng chị, anh Phạm Tiến Đạt, một nông dân chân chỉ, chí thú làm ăn, hết mực yêu thương vợ. Sau gần 2 năm, vợ chồng chị ra ở riêng cùng một bé trai bụ bẫm. Vốn liếng lập nghiệp của vợ chồng chị ngoài 3 sào đất bố mẹ chồng cho, là sự cần cù, chịu khó và tình yêu thương gia đình.

 

Trong ngôi nhà trình tường đất dựng lên vội vã, vợ chồng chị động viên nhau: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”. Trong những năm đầu mới lập nghiệp, vợ chồng chị bạt đồi trồng sắn, trồng chè. Ngày rảnh rỗi, chị đạp xe vào các xóm mua rau mang ra chợ bán. Đắp đổi, lần hồi trong khó nhọc càng khiến vợ chồng chị yêu thương, cảm thông và biết chia sẻ với nhau. Khi có lưng vốn, chị theo bạn vào xóm mua chè, mang ra chợ Đồng Quang, chợ Trung tâm (nay là chợ Thái) bán lấy tiền lãi đong gạo ăn cho cả nhà. Chị kể: Những ngày đầu đi chợ, vì chưa có kinh nghiệm, nên tôi hay bị kẻ gian lấy mất hàng. Song không vì thế tôi nản lòng, mà vẫn cứ tranh thủ mua đầu chợ, bán cuối chợ để lo cho chồng, con có bữa ăn tươm tất.

 

Khi ngoài đồi cây chè bắt đầu cho búp, chị cùng chồng cặm cụi thu hái, xao sấy. Vốn khéo tay, lam làm, chè của vợ chồng chị làm ra được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và độ an toàn. Chị kể: Từ nhỏ tôi đã biết giúp bố, mẹ xao sấy chè, nên chẳng nề nan vất vả. Vui nhất là mình làm ra được bao nhiêu, người tiêu dùng vào tận nhà mua hết. Hơn thế, chè của vợ chồng tôi làm còn được người mua trả giá cao hơn.

 

Nhận thấy khâu dịch vụ chế biến mang lại một phần chênh lệch đáng kể, vợ chồng chị bỏ việc chạy chợ, dành tiền vốn mua thêm máy móc, thiết bị phục vụ cho chế biến chè. Đó là vào vụ chè năm 1996, vì ít vốn, nên vợ chồng chị hằng ngày tranh thủ vào rừng cắt guột làm chất đốt; đi mua gom chè tươi về chế biến. Chồng chị, anh Phạm Tiến Đạt kể: Vất vả lắm, phải làm liên tục từ đầu tối hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau mới được nghỉ.

 

Chè của chị được người tiêu dùng ưa chuộng, vì ngay từ khâu mua gom chè tươi được thực hiện nghiêm túc, phân chè thành các loại A, B, C. Từng loại chè được chị và người trồng chè cùng phân loại, định giá hợp lý theo giá cả thị trường. Quan điểm của chị là thoải mái, không o ép giá đối với người trồng chè. Vì hầu hết bà con vùng chè đều là chòm xóm quen biết, tối lửa tắt đèn có nhau.

 

Chúng tôi biết, ở vùng chè Tân Cương có nhiều người dân địa phương và người nơi khác vào thu mua chè tươi, bbỏ ra một khoản tiền mua luôn cả lô chè. Nhưng những người này chỉ mua vào thời điểm giá chè thành phẩm trên thị trường đang lên cao, khi chè mất giá, liền quay lưng với nông dân. Còn chị không suy tính hơn thiệt, luôn là người đồng hành cùng nông dân. Thấy ai khó khăn, thiếu tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chị cho vay không lấy lãi. Hằng ngày đi mua gom chè, chị còn giúp bà con kinh nghiệm chăm sóc, kỹ thuật thu hái và chế biến chè. Bằng cách này, người nông dân có sản phẩm chè búp tươi an toàn, giá bán cao, còn chị có sản phẩm đạt chất lượng.

 

Do cần, kiệm, cuộc sống gia đình chị Hảo ngày càng ổn định, khá giả. Hằng năm, chị dành số tiền tích luỹ được mua thêm đất đai để mở rộng nhà xưởng sản xuất và khu giới thiệu sản phẩm chè. Trong thời gian từ năm 2007 đến hết năm 2015, vợ chồng chị mua thêm được hơn 5.000m2 đất để trồng chè và xây dựng nhà xưởng sản xuất, với quy mô chế biến đạt 300 tấn chè búp khô/năm, đạt tổng doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư và nhân công (15 người với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng), gia đình chị còn lãi hơn 700 triệu đồng/năm. 

 

Để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đầu năm 2016, gia đình chị đầu tư gần 700 triệu đồng mua mới hệ thống thiết bị máy xao sấy chè sử dụng chất đốt bằng khí gas, thay thế lò tôn quay đốt củi, nâng sản lượng sản xuất, chế biến chè tươi từ 2 tấn/ngày trước đây, lên 3 tấn/ngày hiện nay. Theo đó, xưởng chế biến chè của chị tạo được việc làm cho 20 người (tăng 5 người), với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Nhờ biết giữ chữ tín trong sản xuất, kinh doanh, biết chia sẻ với người nghèo, người gặp khó khăn hoạn nạn, nên chị Hảo được cán bộ, nhân dân trong vùng quý mến, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2010-2015.