Thăng hạng chỉ số PCI: Phản ánh đúng chất lượng điều hành kinh tế

09:05, 04/04/2016

Việc tỉnh ta thăng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 lên một bậc so với năm trước (từ vị trí thứ 8 năm 2014 lên vị trí thứ 7 năm 2015) dù xét về lượng không đáng kể nhưng lại là sự thay đổi thực sự về chất. Thực tế, càng ở vị trí cao, việc duy trì và thăng hạng chỉ số PCI lại càng khó, đòi hỏi chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền phải ngày càng nâng cao.

Tại Lễ công bố chỉ số PCI năm 2015 được tổ chức tại Hà Nội mới đây, một lần nữa cái tên Thái Nguyên lại được xướng lên trong báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những thành tích đáng nể trong điều hành kinh tế. Đây là lần thứ hai liên tiếp tỉnh ta đứng trong tốp 10 tỉnh có chỉ số PCI cao nhất, chỉ sau Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai và T.P Hồ Chí Minh. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế của VCCI đánh giá: Thái Nguyên là tỉnh có sức bật mạnh và nhanh đáng nể. Chỉ mấy năm trước thôi, tỉnh này còn đứng ở tốp cuối bảng xếp hạng PCI cả nước, nhưng mấy năm gần đây, Thái Nguyên đã trở thành hiện tượng của PCI khi nhảy vọt từ thứ 57 lên thứ 8 rồi thứ 7 trong 63 tỉnh, thành. Điều đó khẳng định chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh Thái Nguyên khá tốt.

 

Chất lượng điều hành kinh tế ở địa phương được đo trên cơ sở 10 chỉ số thành phần của PCI gồm: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Với Thái Nguyên chúng ta, trong 10 chỉ số đó, năm 2015 sau khi được các doanh nghiệp (DN) “chấm điểm”, có 5 chỉ số tăng điểm so với năm trước, trong đó đáng chú ý là chỉ số về tính năng động, sáng tạo của chính quyền các cấp. Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ: PCI phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh. Do vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức quyết định tốc độ phát triển của địa phương.

 

Tính năng động của chính quyền ở tỉnh ta được dư luận nhân dân, DN đánh giá cao khi đã có nhiều cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án quy mô lớn. Sự năng động còn được thể hiện thông qua mối quan hệ tương tác giữa chính quyền và DN, sẵn sàng sẻ chia khó khăn với DN. Trao đổi với chúng tôi bên lề Lễ công bố chỉ số PCI năm 2015, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần (CP) Đầu tư và Thương mại TNG, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, dưới con mắt của cộng đồng các DN thì chính quyền các cấp ở Thái Nguyên đã và đang tạo ra môi trường thông thoáng để người dân, DN tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính tốt nhất; tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Lãnh đạo các cấp của tỉnh luôn đồng hành, lắng nghe ý kiến của DN nên đã tạo được sự đồng thuận và hỗ trợ rất lớn cho DN. Ví dụ, trước thực tế các DN, nhất là DN nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn, tỉnh đã ngay lập tức thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ vốn cho DN hoạt động.

 

Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thương mại vận tải và du lịch Khánh Thịnh, Phó Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa tỉnh, ông Lương Văn Thưởng cũng khẳng định: Khối các DN nhỏ và vừa của tỉnh - đối tượng chủ yếu được VCCI phát phiếu thăm dò ý kiến đánh giá chất lượng điều hành của chính quyền địa phương - đánh giá cao sự năng động của các cấp chính quyền thời gian qua. Từ sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của tỉnh mà môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên thông thoáng hơn, thủ tục hành chính đỡ rườm rà, nhiêu khê hơn. Theo chúng tôi được biết, tỉnh đã tích cực nghiên cứu, rà soát và bãi bỏ nhiều thủ tục, quy định không còn phù hợp với các quy định hiện hành, đồng thời cắt giảm tới 40% thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục được rút ngắn gần một nửa thời gian giải quyết so với trước.

 

Chính sự mạnh mẽ, năng động trong điều hành của chính quyền các cấp đã tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương. Bằng chứng là năm vừa qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta đã đạt trên 25%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 30% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục với mức 17,5 tỷ USD; vốn đầu tư toàn xã hội vào tỉnh đã đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Điều đáng nói là cùng với nhà đầu tư Samsung, tỉnh ta đã thu hút được thêm trên 80 dự án phụ trợ khác đăng ký đầu tư, nâng tổng vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh lên trên 7,1 tỷ USD. Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh cho rằng, kết quả PCI năm 2015 đã phản ánh đúng chất lượng điều hành cũng như mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa chính quyền và DN. Để có được kết quả này, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc. UBND tỉnh đã có Quyết định về việc ban hành Chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Trong đó, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, bảo hiểm, cấp phép xây dựng, đất đai, thủ tục đầu tư… Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đề án nâng cao chỉ số PCI, triển khai chương trình hành động đến các cấp xã, phường vì đây là khu vực trực tiếp phục vụ DN, nhân dân hàng ngày.

 

Cũng theo đồng chí Nhữ Văn Tâm, trong năm 2016, tỉnh sẽ quyết tâm khắc phục và nâng mức những chỉ số thành phần còn thấp điểm, trong đó đáng chú ý là chỉ số về thiết chế pháp lý, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí không chính thức. Đồng thời, tiếp tục duy trì, phát huy các chỉ số cao điểm, phấn đấu không chỉ giữ mà tiếp tục thăng hạng PCI. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ trực tiếp liên quan đến các tổ chức, DN và người dân; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, với các DN nhỏ và vừa, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ hợp lý, kịp thời..