Dù chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang dần chuyển đổi sang chăn nuôi trang trại tập trung, sản xuất hàng hoá có hiệu quả kinh tế cao, số lượng đầu con, quy mô đàn tăng nhưng tỷ lệ chăn nuôi nông hộ hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao (77,2%); chăn nuôi trang trại, gia trại mới chiếm 22,8%. Thực tế này đòi hỏi tỉnh phải có những giải pháp hữu hiệu để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2020 đàn lợn ngoại, lai năng suất, chất lượng đạt 70% tổng đàn (năm 2015 đạt 40%); đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 60% trở lên (năm 2015 đạt 38%); đàn gà lông màu có chất lượng, giá trị kinh tế đạt 80% tổng đàn, tăng 45% so với năm 2015; 100% thịt gia súc, gia cầm bán tại các chợ trung tâm huyện, thành phố, thị xã được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ, tăng 40% so với năm 2015; xây dựng mới từ 10-15 cơ sở và điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh (năm 2015 có 1 cơ sở). |
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và PTNT, khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ về giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi được chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất chăn nuôi. Do đó, nhiều giống gia súc, gia cầm mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất góp phần đưa tổng số đàn gia súc, gia cầm tăng lên theo từng năm. Riêng năm 2015, toàn tỉnh có gần 70 nghìn con trâu, trên 40 nghìn con bò, gần 600 nghìn con lợn và hơn 10 triệu con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt xấp xỉ 103 nghìn tấn, tăng khoảng 5 nghìn tấn so với năm 2014.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh cũng đang vấp phải không ít khó khăn khi các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, sơ chế, chế biến chưa được hình thành đủ để đáp ứng yêu cầu sản xuất của các hộ chăn nuôi nên sức cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao. Hơn nữa, thời gian qua, đầu tư cho phát triển giống vật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Đặc biệt, tỉnh ta chưa thiết lập được mô hình liên kết sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Bà Lê Thị Hường, một hộ chăn nuôi lợn lâu năm ở xóm Cổ Rùa, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) cho hay: Tôi biết trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở sản xuất con giống gia súc, gia cầm lớn, có uy tín nhưng phần vì ở xa, phần vì số lượng con giống đơn vị sản xuất ra có hạn nên họ chỉ cung cấp đủ cho những trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Do đó, các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ như gia đình tôi khó tiếp cận với nguồn con giống có chất lượng này. Gia đình tôi thường phải mua con giống ngoài chợ nên nhiều khi mua phải đàn lợn giống bị dịch bệnh, còi cọc, chậm lớn...
Làm gì để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững trong 5 năm tiếp theo đang là mục tiêu mà tỉnh ta hướng tới. Ông Ngô Văn Ban, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Trước hết, Thái Nguyên sẽ tăng nhóm vật nuôi có giá trị kinh tế cao, trong đó tập trung phát triển đàn lợn ngoại, lợn lai; tăng tỷ lệ các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, là lợi thế của địa phương, có thị trường tiêu thụ tốt; phát triển đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao; tăng tỷ lệ sử dụng các giống gà lông màu, gà bản địa có chất lượng và giá trị kinh tế; khuyến khích nuôi gia cầm hướng chuyên trứng và nâng dần tỷ lệ các giống vật nuôi khác (dê, ngựa, thỏ)…
Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại; tăng sản lượng sản phẩm chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp chiếm trên 40-50% tổng sản lượng thịt hơi sản xuất trong tỉnh (năm 2015, chăn nuôi trang trại và gia trại chiếm 20%); đưa khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại về giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, môi trường vào sản xuất... Bên cạnh đó là phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và hệ thống kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu tối đa giết mổ và buôn bán thịt nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển hình thức sản xuất liên kết “chuỗi” từ khâu chăn nuôi - giết mổ - chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.
Một những nhiệm vụ trọng tâm nữa là trong 5 năm tới, tỉnh sẽ chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao, đô thị đến những vùng có mật độ dân số thấp, các xã, huyện miền núi có điều kiện bố trí đất đai để phát triển chăn nuôi, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung xa đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; xác định các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch nhằm khai thác hiệu quả lợi thế phát triển vùng của địa phương. Đồng thời, tỉnh ta sẽ quy hoạch, bố trí đất đai để thu hút đầu tư xây dựng các khu (trại) chăn nuôi tập trung quy mô lớn, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.ơ=