Vì sao WB hạ dự báo tăng trưởng 2016 của Việt Nam?

10:48, 19/04/2016

Trước thông tin Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2016 chỉ còn 6,2%, PGS-TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia T.P Hồ Chí Minh) đã trao đổi xung quanh vấn đề này và giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa nền kinh tế phát triển bền vững.

Nợ xấu: cần xử lý rốt ráo!

 

Thưa Tiến sĩ, với nhận định của WB không mấy khả quan về kinh tế Việt Nam trong năm nay, theo ông, tình hình có đáng lo ngại?

 

PGS-TS Nguyễn Chí Hải

PGS-TS NGUYỄN CHÍ HẢI: Chỉ số tăng trưởng của Việt Nam trong quý 1 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn mức 6,12% cùng kỳ năm ngoái đã cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm. Đồng thời, Việt Nam đang gặp phải những khó khăn do thiên tai, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông nghiệp nên tăng trưởng năm 2016 có thể thấp hơn mức 6,68% của năm 2015. Tuy nhiên, không nên có cái nhìn quá bi quan, bởi chúng ta còn có những điểm sáng như thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, xuất khẩu tăng trưởng khá ổn định, ngành xây dựng khởi sắc (tăng gần 10% trong quý 1/2016), lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) mới tiếp tục tăng (quý 1/2016, tăng 24,8% về số lượng và tăng 67% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).

 

Do vậy, theo tôi, mục tiêu số một của kinh tế Việt Nam 2016 vẫn là kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế. Có nghĩa là mục tiêu tăng trưởng phải phục tùng yêu cầu phát triển bền vững.

 

Trong ngắn hạn, những khó khăn đang vấp phải của nền kinh tế vẫn là nợ công gia tăng, nợ xấu ngân hàng vẫn còn là nguy cơ tiềm ẩn, bội chi ngân sách gia tăng, năng lực cạnh tranh của DN còn thấp, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống… Trong dài hạn, khó khăn lớn nhất vẫn là mô hình tăng trưởng, cấu trúc nền kinh tế, năng suất lao động xã hội ở mức thấp và nguy cơ tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực. Phần lớn những khó khăn này là sự tiếp nối và có nguyên nhân sâu xa từ nhiều năm trước. Do vậy những nỗ lực cải cách của Chính phủ từ các năm trước, nay cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả.

 

Tập trung cải cách nền kinh tế, hỗ trợ DN “nội”

 

- Hoạt động xuất khẩu góp phần quan trọng trong tăng trưởng, tuy nhiên, theo thống kê thì kim ngạch xuất khẩu có sự đóng góp lớn của khối DN FDI, trong khi muốn phát triển bền vững phải dựa vào nội lực (DN trong nước), liệu điều đó có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước không, thưa Tiến sĩ?

 

Trong hoạt động xuất khẩu, khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực. Theo tôi, nên nhìn nhận vấn đề này theo chiều hướng tích cực, thể hiện ưu thế của các DN FDI về khả năng vốn, kỹ thuật, năng lực cạnh tranh, nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Phải thừa nhận, các DN trong nước hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần có sự gắn kết giữa các DN FDI và DN trong nước, đồng thời cần sự hỗ trợ cho DN trong nước từng bước vươn lên nhằm đảm đương vai trò động lực trong hoạt động xuất nhập khẩu.

 

- Theo Tiến sĩ, giải pháp nào hỗ trợ DN trong nước tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế?
 

 

Để DN Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường, trước hết từng DN phải nâng cao năng lực quản trị. Trong nền kinh tế cạnh tranh thì khả năng quản trị, nắm bắt thị trường quốc tế, có chiến lược và phương án kinh doanh phù hợp, sẽ là nhân tố quyết định cho sự thành bại của DN. Trong sản xuất kinh doanh, yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh đó chính là năng suất lao động, giá thành sản xuất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. DN Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản này.

 

Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường quốc tế không thể tách rời vai trò thông tin, hỗ trợ của Chính phủ. Trên thực tế, nhiều DN đang phải tự “bơi” để tìm kiếm thị trường, tìm kiếm thông tin, tìm kiếm nguồn vốn, mà thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng tại địa phương. Do vậy phải coi việc hỗ trợ DN là một trong những chức năng chủ yếu của các cơ quan nhà nước.

 

- Như vậy, để phát triển nền kinh tế Việt Nam bền vững, Việt Nam cần có những giải pháp gì, thưa Tiến sĩ?

 

Theo tôi, cần một số giải pháp sau: Thứ nhất, tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể, trong nhiệm kỳ mới, Chính phủ cần có quan điểm và tuyên ngôn cụ thể về định hướng, quan điểm điều hành vĩ mô đối với nền kinh tế và đảm bảo tính ổn định, liên tục của các quy định.

 

Thứ hai, cần tiếp tục và triệt để cải cách khu vực DN nhà nước và hệ thống ngân hàng. Theo chúng tôi, đã đến lúc cần chuyển giao toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường cho khu vực tư nhân, đồng thời các hoạt động dịch vụ công ích cũng cần có sự tham gia ngày càng tích cực của khu vực tư nhân.

 

Thứ ba, cần siết chặt kỷ luật chi tiêu ngân sách. Năm 2016 phải là năm khởi động cho việc tái cấu trúc chi ngân sách nhà nước, theo hướng gia tăng chi cho đầu tư phát triển và giảm chi tiêu thường xuyên cho bộ máy, sự nghiệp. Điểm mấu chốt để giảm chi tiêu này là đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính, giảm bớt biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, công quyền. Mô hình cải cách, sắp xếp bộ máy của tỉnh Quảng Ninh, theo chúng tôi, là mô hình cần nghiên cứu, học tập và áp dụng phù hợp cho các địa phương khác.

 

Thứ tư, nông nghiệp hiện đang gặp thiên tai, Nhà nước cần có những hỗ trợ kịp thời cho người dân và DN. Đồng thời, tăng đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn; tái cấu trúc sản phẩm cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường đầu ra, thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản xuất, mới chính là các giải pháp có tính quyết định cho sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.

 

Thứ năm, về chính sách tiền tệ, cần tiếp tục góp phần ổn định giá trị đồng tiền, duy trì lạm phát vừa phải, kích thích xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho các DN.

Thứ sáu, giải pháp quan trọng và có tính đột phá, vẫn là những cải cách về thể chế kinh tế theo hướng chuyển mô hình Nhà nước điều hành nền kinh tế sang mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển. Thể chế phù hợp, môi trường thuận lợi, lành mạnh, thông tin kịp thời chính xác, phân bổ nguồn lực hiệu quả… chính là các điều kiện cần thiết để các DN và người dân tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động trong nền kinh tế.

 Xin cảm ơn Tiến sĩ!

 

HÀN NI (thực hiện)