Năm 2009, lần đầu tiên tỉnh ta có gần 20ha chè ở xã Minh Lập và Hòa Bình (Đồng Hỷ) được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Từ đó đến nay, diện tích chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn này không ngừng nâng lên. Đến năm 2015, toàn tỉnh đã có 640ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP.
VietGAPlà cụm từ viết tắt của:Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. VietGAPlà những nguyên tắc, trình tự, thủtục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất. |
Từ sản xuất chè VietGAP, nhận thức của người sản xuất chè đã được nâng lên. Bà Nguyễn Thị Hạnh, xóm Trung Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) cho biết: Chúng tôi đã hiểu sản xuất chè theo quy trình VietGAP là không sử dụng bừa bãi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; đảm bảo thời gian cách ly từ khi phun thuốc BVTV, bón phân đến khi thu hái chè; không sử dụng các chế phẩm độc hại bón cho cây chè...
Đặc biệt, tại nhiều vùng sản xuất chè lớn của tỉnh, người dân đã nắm được 12 nội dung trong sản xuất chè VietGAP, đó là luôn có đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất; giống và gốc ghép; quản lý đất và giá thể; phân bón và chất phụ gia; nước tưới; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; thu hoạch, bảo quản và vận chuyển sản phẩm; quản lý và xử lý nước thải; người lao động; ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm; kiểm tra nội bộ; khiếu nại và giải quyết khiếu nại.
Cũng từ sản xuất chè theo quy trình VietGAP, giá bán chè của người dân đã được nâng lên, kéo theo hiệu quả sản xuất đạt cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích. Đặc biệt, việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Dù năng suất chè búp tươi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn so với diện tích chè sản xuất theo phương pháp truyền thống nhưng sản phẩm chè búp khô không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đạt tiêu chuẩn theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
Có thể thấy, những kết quả đạt được như vừa nêu trên là thành công lớn đối với một tỉnh mà trình độ thâm canh cây chè của người dân ở các vùng chè chưa đồng đều. Không dừng lại ở đó, năm 2016, tỉnh ta tiếp tục phấn đấu có thêm 500ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một chỉ tiêu khá “nặng ký” bởi từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi năm, tỉnh ta chỉ có trên dưới 100ha chè được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêu này hoàn thành, Thái Nguyên sẽ trở thành một trong những tỉnh có diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP lớn nhất cả nước. Hơn thế nữa, có thêm 500ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP đồng nghĩa với việc tỉnh ta triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 52/KH-BCĐ TWVSATP ngày 22-01-2016 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm năm 2016.
Thực hiện chỉ tiêu “năng ký” này, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi khi sản xuất chè theo quy trình VietGAP đang là mục tiêu các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, các làng nghề sản xuất, chế biến chè ở một số vùng chè lớn, vùng chè đặc sản trên địa bàn tỉnh như Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, T.P Thái Nguyên… hướng tới. Ông Nguyễn Tá, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Với kinh nghiệm sản xuất chè lâu năm, tôi tin rằng các cá nhân, tập thể ở các vùng chè này sẽ nhanh nhạy trong nắm bắt kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả quy trình VietGAP vào sản xuất, chế biến chè. Dù vậy, để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngoài sự nỗ lực của những người sản xuất chè đòi hỏi sự vào cuộc rất tích cực của các cấp, ngành liên quan.
Về phía tỉnh, cũng sẽ hỗ trợ 3 tỷ đồng cho các mô hình được cấp chứng nhận sản xuất chè theo quy trình VietGAP (theo Phương án sản xuất nông nghiệp năm 2016). Các đối tượng được ưu tiên hỗ trợ là những trang trại, tổ hợp tác có quy mô diện tích sản xuất chè từ 5 ha trở lên; hợp tác xã hoặc làng nghề sản xuất, chế biến chè có quy mô diện tích sản xuất từ 10 ha trở lên. Đặc biệt, đối tượng được hỗ trợ phải có đăng ký đề nghị hỗ trợ chứng nhận VietGAP (hoặc GAP khác tương đương). Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ một lần, mức hỗ trợ 100 % tiền thuê tổ chức chứng nhận đánh giá, cấp mới giấy chứng nhận và tập huấn quy trình VietGAP (6 triệu đồng/ha).
Lâu nay, bằng cách đánh giá cảm quan, Thái Nguyên vẫn được xem là vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Sau gần 1 thế kỷ gắn bó với cây chè đã chứng minh chất đất của vùng quê nửa đồng, nửa núi này rất hợp với cây chè nên sản lượng và chất lượng chè đạt cao. Người làm chè cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến chè. Tuy nhiên, nếu Thái Nguyên chưa có những diện tích chè được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP thì sẽ không thể đánh giá được chất lượng chè có an toàn hay không. Đẩy mạnh và nhân ra đại trà việc sản xuất chè theo quy trình VietGAP sẽ giúp chúng ta phân tích mẫu đất, mẫu nước, đánh giá chất lượng sản phẩm bằng máy móc, thiết bị... Từ đó sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên cũng như tạo thêm niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng và đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.