Từ thực tế cho thấy, những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Mặc dù diện tích, sản lượng tương đối lớn nhưng chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn khiêm tốn… Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian gần đây, tỉnh ta đã xây dựng nhiều chương trình và đề ra các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp với mục tiêu xuyên suốt là: Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng nội ngành.
Từ thực tế khiêm tốn
Nhỏ lẻ, manh mún, quy mô nông hộ là những gì mà các chuyên gia kinh tế thường nói về tính chất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta những năm qua. Thực tế tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quả đúng như vậy. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp - PTNT, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh mới dừng ở việc ứng dụng đối với các khâu làm đất, gieo sạ, gặt lúa, đốn tỉa và thu hái chè… (nhưng cũng chỉ chiếm chưa đầy 40%). Tỷ lệ sử dụng giống mới trong sản xuất lúa cũng chiếm không quá 25%. Việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến mang lại hiệu quả cao như canh tác lúa cải tiến (SRI), quy trình phòng, chống dịch hại tổng hợp IPM, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Nhìn chung các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ở mức thấp, chỉ dừng lại ở những mô hình trình diễn, quy mô nhỏ; chưa hình thành được các khu, vùng hoặc trang trại chăn nuôi công nghệ cao. Hình thức tiêu thụ vẫn rất nhỏ lẻ thông qua việc bán sản phẩm cho tư thương hoặc tại các chợ nhỏ lẻ chứ chưa có đầu mối tiêu thụ lớn, ổn định…
Chỉ qua một vài nét phác thảo như trên đã cho thấy ngành Nông nghiệp đang rất cần một “cú hích” mạnh mẽ để tạo đà tăng trưởng và phát triển theo kịp xu thế chung. Vậy, “cú hích” đó là gì và hiệu quả bước đầu của nó ra sao?
Đến những chuyển biến tích cực
“Cú hích” ở đây chính là cơ chế, chính sách, là mục tiêu phát triển đúng hướng, là sự huy động nguồn lực toàn xã hội đầu tư phát triển nông nghiệp. Nhận thực rõ điều đó, thời gian gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp - PTNT cùng các ngành chức năng xây dựng các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn với các mô hình sản xuất công nghệ cao. Và kết quả bước đầu mang lại rất khả quan, tạo đà nhân rộng và phát triển toàn tỉnh.
Để chứng minh, chúng tôi chỉ đưa ra một vài ví dụ cụ thể về xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao. Bởi tính hiệu quả của các mô hình này rất rõ và có tác động lớn đến phát triển nông nghiệp của tỉnh cả trước mắt và lâu dài. Đó là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao được triển khai thành công như: mô hình trồng Lan Vũ Nữ, Lan Hồ Điệp, Hoa Cúc các loại, hoa Đồng tiền, chuối, cây dược liệu... (cây giống mới) được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô; mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình xây dựng trang trại chăn nuôi phát triển bò sinh sản và bò thịt cao sản chất lượng cao, quy mô 2.500 con ứng dụng công nghệ quản lý đàn và dinh dưỡng của Châu Âu và Isarel (tại Định Hóa)...
Xin nêu một ví dụ cụ thể về mô hình ứng dụng công nghệ cao đang phát huy hiệu quả. Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Phú Gia ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) là một trong những đơn vị đi tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh. Đơn vị này đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để áp dụng quy trình sản xuất hiện đại. Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Hiện nay, bình quân mỗi tháng Công ty bán ra thị trường khoảng 35 tấn nấm khô, 15 tấn nấm tươi các loại như: nấm hương, mộc nhĩ, Linh Chi, Bào Ngư… Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm nấm của Công ty đã được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc.
Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã giúp bà con nông dân giảm chi phí trong sản xuất, giữ được cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu sự độc hại cho môi trường và con người; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Bùi Đức Dũng, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở tiểu khu Cây Châm, thị trấn Đu (Phú Lương) cho biết: Nhà tôi nuôi 500 con lợn thịt và 60 con lợn nái. Chúng tôi đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ và tuân thủ đúng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGap với mong muốn cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt lợn sạch. Còn chị Tạ Thị Hoàn, ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), thành viên Hợp tác xã Chè Minh Thu cho biết: Hiện nay, ngoài sản xuất những mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, chúng tôi còn đặc biệt chú ý các khâu như quản lý đất đai, phân bón, nước tưới, ứng dụng các biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây chè, nhằm đảm bảo sản phẩm chè an toàn, giữ gìn uy tín, thương hiệu cho hợp tác xã.
Mục tiêu lớn
Quan điểm của tỉnh ta là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn liền với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và quy hoạch tổng thể phát triển ngành và địa phương của tỉnh. Tỉnh chủ trương khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành lập hợp tác xã; liên kết nông hộ, hợp tác xã với doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp là đầu tàu, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao.
Theo đồng chí Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần có quy hoạch chi tiết khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đổi mới hình thức quản lý tổ chức sản xuất, phát triển mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu sản xuất quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, tập quán sản xuất lạc hậu, hiệu quả thấp.
Hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là hạt nhân về công nghệ và tổ chức sản xuất, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của người sản xuất, tạo sự dịch chuyển mạnh từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng, đem lại sản phẩm chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.