Chủ động ứng phó với thiên tai

13:30, 28/05/2016

Hiện đang bước vào mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, bảo vệ các công trình công cộng, huyện Phú Bình đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra ngập úng do mưa lớn.

 Huyện Phú Bình hiện có 106 hồ chứa, đập dâng, trong đó có 4 hồ, đập lớn gồm: Kim Đĩnh (xã Tân Kim), Trại Gạo (xã Tân Hòa), Hố Cóc (xã Tân Khánh) và hồ Quẫn (xã Tân Đức) cùng nhiều công trình thủy lợi khác… Hiện nay, nhiều công trình được xây dựng từ lâu đã xuống cấp và không đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ về. Đối với 2 công trình phòng chống lũ lụt của huyện (đê Hà Châu và đê Gang Thép) thì tuyến đê Gang Thép đoạn đi qua địa phận xã Đồng Liên từ K4+480 đến K8+210 đã được đầu tư kiên cố hóa mặt đê, tuy nhiên, tại vị trí tràn bên K6+900 mặc dù đã được sửa chữa nhưng do chênh lệch độ cao cột nước giữa thượng và hạ tràn nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Tuyến đê Hà Châu từ K0+00 đến K5+540, mặt đê đã được kiên cố hóa, đảm bảo an toàn và đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lũ. Với một số công trình kè chống xói lở bờ sông Cầu tại xã: Nga My, Hà Châu, Thượng Đình được kiên cố hóa, cơ bản đảm bảo ổn định phát huy hiệu quả, bảo vệ dân cư và đất đai…

 

Trong các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thì Nga My được xác định là một trong những xã trọng điểm nằm trong vùng mưa lũ, bởi thường xảy ra ngập úng, mức độ ngập tùy thuộc vào lượng mưa lớn hay nhỏ. Thực tế cơn bão năm 2013, đỉnh lũ sông Cầu tại kè Hà Châu lên mức báo động 1 là 0,55m gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, giao thông bị chia cắt hoàn toàn tại 8 xóm ven sông Cầu thuộc xã Nga My, gồm: xóm Dinh A, Dinh B, Dinh C, Trại, Nghể, Đò, Điếm và một phần diện tích của xóm Diệm Dương. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My thông tin: Vùng ngập tại 8 xóm của Nga My có tổng diện tích đất tự nhiên là 320ha với 647 hộ dân và hơn 3.000 nhân khẩu. Đây là khu vực dân cư sinh sống đã lâu, đất canh tác nông nghiệp nằm xen kẽ với khu dân cư. Năm 2013, mưa lớn làm ngập lụt gần 65% diện tích đất tự nhiên của 8 xóm, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của bà con nhân dân.

 

Để chủ động ứng phó khi có mưa lớn xảy ra, ngay từ đầu năm UBND xã Nga My đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Trong đó, chuẩn bị lực lượng thường trực sẵn sàng gần 700 người cùng các phương tiện và vật tư tại chỗ (tre, bao tải, thuyền bè…), sẵn sàng ứng cứu khi có hiệu lệnh. Nếu xảy ra ngập lụt nghiêm trọng, vị trí được chuẩn bị tập kết (khi có người và tài sản cần sơ tán, di rời) tại xóm Kén, khu vực Núi Chùa (diện tích hơn 3ha) địa hình cao, khô ráo. Đồng thời chủ động, huy động và bố trí lực lượng Quản lý đê nhân dân, lực lượng thủ kè, lực lượng xung kích tại các khu vực xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, dụng cụ, phương tiện để thực hiện gia cố, ứng cứu kịp thời...

 

Trong năm 2015, từ nhiều nguồn vốn, UBND huyện Phú Bình đã đầu tư, sữa chữa, cải tạo và nâng cấp 12 công trình thủy lợi với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cùng Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi đã thực hiện nâng cấp, kiên cố hóa 8 công trình thủy lợi trên địa bàn các xã: Nga My, Lương Phú, Hà Châu, Điềm Thụy với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Ông Dương Văn Chúc, thủ kè xóm Mới, xã Thượng Đình thông tin: Kè xóm Mới (chiều dài hơn 1.800m) được đầu tư xây dựng chống xói lở năm 2010 với kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Kể từ khi kè được kiên cố hóa, tình trạng xói lở bờ sông Cầu đoạn chạy qua địa bàn xóm Mới giảm rõ rệt, đường giao thông của 387 hộ dân ven bờ sông Cầu cơ bản được đảm bảo an toàn. Hằng năm, lực lượng thủ kè thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra hiện trạng, phát quang cây cỏ bờ kè;  tập huấn kỹ năng PCTT và TKCN (bảo vệ kè, xác định mực nước sông Cầu dâng, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn…). Tuy nhiên, một số đoạn kè xóm Mới chưa được kiên cố hóa, đang có hiện tượng xói lở (đặc biết là đoạn cuối kè) khi có mưa…

 

Hiện nay, cùng với việc kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, huyện Phú Bình đã giao cho các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra kho vật tư (đặt tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện và xã Hà Châu) để kịp thời bổ sung các công cụ cứu hộ, cứu nạn (phao cứu sinh, thuốc men…); chuẩn bị lực lượng thường trực sẵn sàng ứng cứu hơn 5.000 người và huy động vật tư từ trong nhân dân (hơn 10.000 chiếc bao tải, 324 thuyền nan, hơn 2.000 chiếc cuốc…). Phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện, Trường Quân sự Quân khu I cùng UBND và các xã có đê tổ chức thị sát tuyến đê Hà Châu và Gang Thép; kiểm tra các bãi đất vật liệu cũng như phương án PCTT và TKCN của các xã có đê. Chỉ đạo lực lượng đê nhân dân, lực lượng thủ kè thường trực, theo dõi và báo cáo các sự cố, tình huống xấu xảy ra tại các đê, kè để có phương án ứng phó kịp thời nhằm giúp nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất…