Từ nhà văn hóa xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương), ông Triệu Nguyên Báo, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm giơ tay vẽ vào không trung thành một vòng tròn, bảo: Trên lưng những dải núi đá, núi đất bao bọc lấy vùng đất này có rất nhiều mạch nước nguồn, chỉ tiếc là nước cứ chảy đi, mà mùa vụ thiếu nước tưới.
Đã có rất nhiều đoàn cán bộ về vùng đất lắm núi, nhiều khe này để nghiên cứu, khảo sát, tìm cách đưa những mạch nước nguồn từ lưng núi về phục vụ cho đời sống, sản xuất của cư dân trong vùng. Nhưng đến bây giờ, những mạch nước trên lưng non vẫn lặng lẽ ngấm hết vào lòng đất. Để ngay dưới chân núi, cư dân bao thế hệ phải chống chọi với cơn khát nhờ nguồn nước từ hồ chứa Khe Cuồng và suối Bằng Ninh.
Xóm vừa có hồ chứa nước, lại có suối chảy qua, nhưng 40% diện tích đất ruộng chỉ cấy được 1 vụ lúa do thiếu nước. Ông Đặng Quý Ngân, Trưởng xóm đưa chúng tôi đi thăm đồng. Đang tháng Năm, lúa nghén đòng, ngô phun dâu, trạm bơm nước Vàng Pè khoá kín cửa, các cánh đồng Xưởng Giấy và Đồng Đình xanh mướt báo hiệu một mùa vụ thuận nước trời. Ông Ngân cho biết: Xóm Suối Bốc có 98 hộ, 278 nhân khẩu, 95% là người dân tộc Dao. Nguồn thu nhập chính của người dân từ sản xuất nông nghiệp, do hằng năm, người dân của xóm được cán bộ chuyên môn trên huyện về chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhờ đó người dân được nâng cao trình độ sản xuất. Đến nay, hầu hết các khu đồng đều được người dân sử dụng giống lúa lai TH3-3, An Dân, VL2; giống ngô lai mới NK 4300, CP 888, CP 999. Do được gieo cấy, chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, năng suất lúa đạt trung bình 50 tạ/ha; năng suất ngô đạt 30 tạ/ha.
Từ Trạm bơm Khe Cuồng, nhìn lên các khu đồng thấy từng thửa ruộng xếp lớp, chạy ngược dốc về rìa xóm thì dừng lại. Bà Đặng Thị Hoa, Chi hội trưởng Phụ nữ xóm cho biết: Việc sản xuất của bà con phải “Trông trời, trông đất, trông mây”, năm mưa nhiều, thuận nước tưới thi dành đất cấy lúa; năm trời hạn, ít mưa, bà con dành đất trồng cây ngô, màu. Việc trồng cấy khó khăn, nhưng bà con chòm xóm luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Vào mùa vụ, các chi hội, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh thường tổ chức giúp đỡ nhau xuống giống kịp thời vụ. Ngoài giúp đỡ ngày công lao động, bà con còn tự giúp đỡ nhau bằng cách cho vay tiền vốn phát triển sản xuất không lấy lãi.
Về chuyện giúp nhau, bà Triệu Thị Thanh nói như tâm sự: Biết gia đình tôi nghèo khó, bà con chòm xóm không xa lánh, mà luôn gần gũi, giúp đỡ. Mới đây, gia đình tôi được bà con đóng góp, giúp đỡ 1 triệu đồng để mua phân bón, Chi hội Phụ nữ cho vay thêm 1 triệu đồng không lấy lãi và giúp 14 ngày công lao động làm đồng. Còn bà Hà Thị Thịnh kể: Chồng tôi đau ốm triền miên, nhà thiếu lao động, nên vào vụ cấy, gặt, bà con chòm xóm thường qua lại giúp đỡ. Mỗi lần như vậy, lòng tôi thấy ấm áp hơn bởi tình làng, nghĩa xóm.
Đồng chí Đặng Phúc Lợi, Bí thư Chi bộ cho biết: Người Dao xóm Suối Bốc chưa giàu, nhưng có lòng yêu thương nhau như ruột thịt. Bà con luôn sẵn lòng chia sẻ với nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Chính vì thế mà các hộ nghèo của xóm (8 hộ nghèo do bị bệnh tật, đau yếu), đã thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của bà con chóm xóm. Để giúp đỡ bà con thoát nghèo, Chi bộ Đảng phân công, giao nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo kinh nghiệm sản xuất, tìm việc làm cho người thân trong gia đình họ, động viên họ vượt lên khó khăn để phát triển sản xuất có hiệu quả, dần ổn định cuộc sống. Ông Triệu Văn Quý, Chi hội trưởng Cựu chiến binh bảo: Dù chưa phải là hộ giàu của xóm, nhưng tôi có cuộc sống ổn định, tôi thường xuyên giúp bà con kinh nghiệm sản xuất, vốn đầu tư cho chăn nuôi, trồng rừng không lấy lãi.
Chúng tôi biết ở xóm, gia đình ông Quý được coi là một trong những hộ biết làm ăn, mỗi năm từ 2 sào ruộng, cấy 2 vụ, thu được hơn 7 tạ thóc; chăn nuôi lợn xuất chuồng được hơn 4 tấn thịt hơi/năm; gà thả đồi xuất bán được hơn 5 tạ/năm. Ông Quý thở phào, khoe: Gia đình tôi còn hơn 5 ha rừng sản xuất, đã khai thác 1 lứa, giá bán 85 triệu đồng/ha.
Xóm Suối Bốc chưa có mô hình chăn nuôi trang trại, hầu hết các hộ chăn nuôi ở quy mô trên, dưới 10 con lợn, như gia đình ông Đặng Tài Lai, nấu rượu nuôi 10 lợn. Còn gia đình ông Đặng Tài Quang, năm nay mạnh dạn đầu tư làm lán chăn 100 gà thả núi, còn hầu hết các hộ đầu tư nuôi vài chục gà chạy núi. Ông Quang nói: Gà chạy núi quê tôi có bao nhiêu cũng bán hết, nhưng sợ nuôi nhiều, gặp dịch, mất vốn, nên chỉ nuôi cầm chừng… Có lẽ vì nghĩ suy “đủng đỉnh” nên các hộ không dám đầu tư trang trại chăn nuôi. Hằng ngày, hơn 40 lao động là con em xóm Suối Bốc đi phụ hồ cho các nhóm thợ xây, hoặc đến các xưởng chế biến gỗ làm thuê lấy tiền công.
Từ một đoạn đường vắng, chúng tôi gặp nhóm thanh niên người Dao trên lưng núi xuống. Một người trong số họ phủi tay vào chiếc áo vải chàm làm bụi bay như phấn hồng, bảo: Chúng tôi vào thăm rừng sản xuất trong Khe Nhe về. Từ đây vào mất 7 cây số, đi qua 3 xóm: Đồng Đình, Bằng Ninh và Đồng Phủ 2, ở đó có 12 hộ người Dao của xóm Suối Bốc sinh sống.
Chia tay chúng tôi, Trưởng xóm Đặng Quý Ngân trăn trở: Khó khăn nhất của người dân xóm Suối Bốc là giao thông. 2 cụm dân cư là Suối Bốc và Khe Nhe cách nhau tới 7 cây số, mỗi lần xóm có việc, chúng tôi phải đi qua địa bàn 3 xóm mới đến được các hộ dân bên Suối Bốc hoặc bên Khe Nhe để báo họp. Ông dừng lời thở dài ... tiếp: Địa bàn xóm Suối Bốc chúng tôi, cũng giống như dòng suối Bốc, đang chảy chợt mất dòng, rồi lại xuất hiện ở một nơi nào đó, gian khổ lắm, mong Nhà nước phân lại khu dân cư như thế nào cho hợp lý thôi.