Vụ mùa là vụ sản xuất có diện tích lớn nhất, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng của cả năm, hơn nữa lại có thời gian chuyển vụ nhanh. Sau khi gặt xong lúa xuân bà con thường làm đất gieo cấy lúa mùa luôn để đảm bảo khung thời vụ cho sản xuất vụ đông. Vì vậy, mặc dù bà con chưa thu hoạch lúa xuân nhưng công tác cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ mùa đã được các ngành chức năng tích cực triển khai thực hiện.
Thời điểm này, Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên đã chuẩn bị đầy đủ nguồn giống bảo đảm chất lượng, sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng các giống lúa lai, lúa chất lượng cao của nông dân trong tỉnh. Các giống lúa chủ yếu được lựa chọn trong bộ cơ cấu giống đã được UBND tỉnh phê duyệt như: SYN6, SL8H-GS9, PHB71, 27P31, TH3-3, HKT99, TH3-4, HT1, HT6, HT9, Hoa khôi 4, Hoa ưu 109, Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7, QR1... Do điều kiện lúa xuân thu hoạch muộn, thời gian chuyển vụ ngắn nên Công ty đã chủ động chuẩn bị sớm, đồng thời tăng lượng giống để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nông dân. Tại 6 Tổng kho của Công ty ở các địa phương trong tỉnh đã xuất bán 150 tấn giống lúa lai, lúa thuần chất lượng đến tay bà con nông dân. Anh Đỗ Xuân Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Tại mỗi điểm bán hàng, chúng tôi đều có cán bộ, nhân viên kỹ thuật hướng dẫn người dân quy trình ngâm ủ, cách gieo và chăm sóc mạ đối với từng loại giống khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất. Thời điểm này, cơ bản người dân đã mua giống về nhà ngâm ủ và chuẩn bị gieo mạ để gieo cấy lúa mùa sớm.
Bà Lưu Thị Sửu, ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: Trước đây, bà con chúng tôi hay mua giống lúa trôi nổi ngoài thị trường với giá thành rẻ nhưng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và năng suất cây trồng. Rút kinh nghiệm, giờ đây, chúng tôi thường đến các đại lý của Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp huyện để mua, trong đó có một số giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao còn được tỉnh hỗ trợ giá giống nên cũng giảm phần nào chi phí sản xuất.
Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 39.500ha lúa; trong đó, 50% là diện tích lúa mùa sớm, 30% diện tích trà mùa trung, còn lại 20% diện tích lúa mùa muộn. Ngoài đảm bảo cung ứng nguồn giống chất lượng, Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên cũng đã chủ động dự trữ và nhập về kho 12.000 tấn phân bón các loại của các nhà máy sản xuất phân bón có uy tín trong nước; trong đó có 7.000 tấn NPK Lâm Thao, 3.500 tấn Đạm Hà Bắc, trên 1.000 tấn Kaly, còn lại là NPK Văn Điển để cung ứng cho người dân. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp T.P Thái Nguyên cho biết: Trong quá trình bán hàng, chúng tôi còn tư vấn, hướng dẫn cho người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có chất lượng tốt và các giống lúa phù hợp với đồng đất và cơ cấu bộ giống của địa phương đã đề ra. Qua đó giúp người dân tiếp cận với nguồn vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng tốt, giá thành sản phẩm hợp lý, đảm bảo năng suất và sản lượng cây trồng cả vụ.
Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ mùa có thuận lợi là nền nhiệt độ cao, số giờ nắng nhiều, cây lúa sinh trưởng phát triển nhanh nhưng cũng có nhiều sâu bệnh phát sinh gây hại làm giảm năng suất và sản lượng lúa. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh cần lựa chọn cơ cấu giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất và khung thời vụ, đồng thời, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu về lương thực cho con người, phục vụ ngành chăn nuôi, chế biến, dễ tiêu thụ, gạo có chất lượng, có giá bán cao. Mặt khác, cần quan tâm đưa các giống lúa ngắn ngày, có năng suất khá, tính chống chịu sâu bệnh cao, nhất là tính kháng bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ khô vằn, chịu nóng khá…
Ngoài ra, để vụ mùa đạt kết quả cao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về lịch thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, bước vào sản xuất vụ mùa năm nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh giống, phân bón kém chất lượng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị trực thuộc và UBND các huyện, thành, thị tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Từ đó, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không đúng quy định, sản phẩm kém chất lượng, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để các cơ sở làm ăn chính đáng đưa giống tốt có chất lượng cao phục vụ nhu cần sản xuất của nông dân.
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý của ngành chức năng thì bà con nông dân cũng cần có sự lựa chọn đúng để tránh bị thiệt hại vì vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng. Người dân nên mua vật tư nông nghiệp tại những cơ sở có uy tín, hàng hóa có tem, nhãn bảo đảm, còn hạn sử dụng và thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn.