Thời gian gần đây, hàng ngoại có xu hướng xâm nhập mạnh vào thị trường trong nước và tạo ra sức ép cạnh tranh lớn đối với hàng nội địa. Trên địa bàn tỉnh ta, hàng ngoại nhập cũng đang xuất hiện khá phổ biến, đặc biệt là ở phân khúc hàng tiêu dùng. Trước thực trạng đó đòi hỏi nhà sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng cần có những phản ứng kịp thời, phù hợp để hàng Việt không bị “thua ngay trên sân nhà”. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin lấy 2 địa bàn trọng điểm của tỉnh về cung ứng hàng tiêu dùng là T.P Thái Nguyên và T.X Phổ Yên làm ví dụ minh chứng.
Hàng ngoại có xu hướng “lấn át”
Tìm hiểu tại một số siêu thị ở trung tâm T.P Thái Nguyên thời điểm này, chúng tôi nhận thấy không khó để bắt gặp các mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia, Đức, Ý, Nhật… xen lẫn với hàng tiêu dùng Việt. Người tiêu dùng cũng quan tâm, lựa chọn khá nhiều hàng ngoại nhập khi đi mua sắm. Khi được hỏi về lý do lựa chọn hàng có xuất xứ Thái Lan, chị Lê Thị Lập, ở tổ 11, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), chia sẻ: Gần 1 năm nay, các sản phẩm, hàng tiêu dùng của Thái Lan luôn được tôi ưu tiên lựa chọn vì đạt chất lượng, mẫu mã và giá cả cũng không quá cao. Nhìn chung, sản phẩm nào tốt, giá hợp lý thì tôi sẽ lựa chọn.
Không chỉ có mặt ở các siêu thị lớn, hàng ngoại còn len lỏi vào các cửa hàng bán lẻ. Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ cửa hàng bánh kẹo Hùng Hằng trên đường Cách mạng Tháng Tám (T.P Thái Nguyên), cho biết: Ngoài một số loại bánh kẹo sản xuất trong nước đã khá quen thuộc như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị thì hiện nay, các loại bánh Danisa của Anh, bánh trứng của Thái Lan, bánh Mochi của Nhật Bản… thu hút một lượng lớn khách hàng bởi mẫu mã đẹp, hương vị lạ.
Mặc dù xuất hiện không nhiều như ở T.P Thái Nguyên, song các cửa hàng bán đồ ngoại nhập cũng đã có mặt tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở khu vực trung tâm T.X Phổ Yên. Trong đó, đáng chú ý là khu vực cầu vượt Đồng Tiến trên đường Lý Nam Đế với hàng loạt các cửa hàng tiêu dùng Hàn Quốc, siêu thị tiện ích Việt - Hàn phục vụ nhu cầu mua sắm của đại đa số khách hàng thuộc Khu công nghiệp Yên Bình. Gặp chúng tôi khi đang tất bật ra về sau giờ tan ca, anh Phạm Ngọc Hà, nhân viên kiểm tra chất lượng tại Nhà máy Điện tử Samsung, cho biết: Quanh khu vực Nhà máy có rất nhiều cửa hàng tiện ích, thỉnh thoảng tôi cũng ghé vào một số cửa hàng bán đồ Hàn để mua sắm.
Làm gì để giữ chỗ đứng?
Có thể thấy, trước xu hướng nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế cộng với các chính sách thu hút đầu tư mạnh của các địa phương, việc một số tập đoàn nước ngoài “thâu tóm” các hệ thống bán lẻ trong nước thời gian qua đã khiến hàng ngoại có cơ hội tràn vào thị trường trong nước nhiều hơn. Mặt khác, thu nhập của người dân ngày càng tăng kéo theo nhu cầu mua sắm các sản phẩm chất lượng cao gia tăng, trong đó có hàng ngoại nhập. Đấy là chưa kể, một bộ phận người tiêu dùng Việt vẫn còn tâm lý “sính ngoại”, chuộng hàng ngoại hơn hàng nội. Bởi những lý do đó mà hàng ngoại nhập ngày càng có điều kiện thuận lợi xâm nhập vào thị trường. Vậy, làm gì để hàng Việt không bị “lép vế” trước hàng ngoại nhập?
Theo các chuyên gia kinh tế thì có lẽ không có phương án nào tối ưu hơn là chất lượng hàng Việt phải được nâng cao, giá cả hợp lý và có sức cạnh tranh lớn. Quan trọng hơn, ý thức lựa chọn sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng cũng cần được nâng lên. Thực tế thì những sản phẩm “Made in Viet Nam” đang có chỗ đứng rất tốt không chỉ trong nước mà còn ở thị trường xuất khẩu. Chẳng nói đâu xa, ngay như ở tỉnh ta, thương hiệu TNG là một trường hợp điển hình. Được biết, những năm qua phần lớn doanh thu của đơn vị này là từ xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, TNG đã hướng tới thị trường nội địa bằng việc mở thêm các đại lý, trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Thái Nguyên và một số tỉnh, thành trong cả nước. Hơn nữa, Công ty còn đầu tư xây dựng Trung tâm thiết kế thời trang nhằm gia tăng thị phần nội tiêu. Trao đổi với chúng tôi, chị Lưu Thị Hương, nhân viên thu ngân tại cửa hàng thời trang TNG, số 260, đường Minh Cầu, T.P Thái Nguyên, cho biết: TNG liên tục cho ra nhiều thiết kế mới, đa dạng về kiểu dáng với giá thành hợp lý. Hàng tháng, chúng tôi đều áp dụng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn tri ân tới khách hàng. Vì thế, ngày càng có nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng nhãn hàng TNG, trung bình cửa hàng đạt doanh thu 20 triệu đồng/ngày.
Như vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo sức mạnh trong cạnh tranh hàng hóa của nhà sản xuất là rất quan trọng. Dù là hàng nội, nhưng nếu chất lượng đảm bảo chắc chắn sẽ được người tiêu dùng chấp nhận và tất nhiên sản phẩm đó sẽ không bị “lép vế” trên thị trường.
Để hàng Việt duy trì được chỗ đứng, ngoài vai trò quan trọng của các nhà sản xuất rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các đơn vị cung ứng sản phẩm. Trong đó, cần thiết phải có chiến lược quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ, định hướng thói quen sử dụng hàng Việt cho người tiêu dùng. Đơn cử như tại siêu thị T’Mart (tầng 1, chợ Thái, T.P Thái Nguyên) đã xây dựng các “Điểm bán hàng Việt Nam”, phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng Việt của người dân trong tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, chị Dương Thị Thoa, quản lý siêu thị cho biết: Hiện có đến 90% khách hàng mua các sản phẩm Việt tại siêu thị. Toàn bộ hàng Việt ở đây đều có nguồn gốc xuất xứ, có bảng công bố chất lượng của nhà sản xuất kèm theo, giá bán niêm yết công khai theo đúng quy định. Là nhà cung ứng sản phẩm, siêu thị mong muốn góp phần khuyến khích và hình thành thói quen tiêu thụ hàng Việt cho khách hàng.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, nhà phân phối cần thiết thực hiện mô hình liên kết chặt chẽ với nhà sản xuất. Siêu thị Thành Đô (số 2, đường Minh Cầu, T.P Thái Nguyên) là một ví dụ cho mô hình này. Chị Nguyễn Thu Hà, nhân viên thu mua của Siêu thị Thành Đô cho biết: Siêu thị đang có kế hoạch thu mua nông sản đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP ngay trên địa bàn tỉnh nhằm rút ngắn chi phí vận chuyển, đồng thời tạo đầu ra thuận lợi cho nông sản địa phương. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát mô hình rau sạch tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) và một số địa chỉ khác nhằm tìm ra nhà phân phối uy tín, có khả năng cung cấp các sản phẩm sạch, tươi ngon và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Như vậy, cùng với việc tuyên truyền ưu tiên hàng Việt thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu tất yếu. Dùng hàng nội không chỉ đơn thuần là thể hiện lòng yêu nước mà còn là hành động tiêu dùng, người dân mong muốn đồng tiền mình bỏ ra phải được đền đáp xứng đáng bằng giá trị sử dụng của hàng hóa. Vì thế, để hàng Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường nội địa, thiết nghĩ cần có sự chung sức của nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.