Đường mở từ lòng dân

14:47, 18/05/2016

Bao năm nay, người dân xóm Huống, xã Thượng Đình (Phú Bình) luôn mong mỏi có được một con đường phẳng phiu, rộng rãi để việc đi lại bớt khó khăn, kinh tế có điều kiện phát triển hơn. Thế nên khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ xi măng để làm đường bê tông, bà con đã không ngần ngại góp công, góp của để hiện thực hóa ước mơ ấy.

Chúng tôi đến xóm Huống khi tuyến đường trục xóm có chiều dài hơn 1200m, xây dựng với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng vừa được đưa vào sử dụng. Công trình có chiều rộng 5m, được xây kè đá hai bên chắc chắn. Đây là tuyến đường giao thông nông thôn đầu tiên ở địa phương được xây kè kiên cố như vậy, có những nơi bờ kè cao đến hơn 1m. Kinh phí xây đều do bà con nhân dân trong xóm tự đóng góp.

 

Gặp gỡ, trò chuyện với người dân xóm Huống, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào của họ. Không vui sao được khi đây là lần đầu tiên xóm có đường kiên cố, từ nay bà con không phải đi trên đoạn đường lầy lội lúc mưa, bụi bặm lúc nắng nữa, còn tự hào là bởi tuyến đường này được hoàn thành từ sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của người dân nơi đây. Ông Dương Đình Lợi, Trưởng xóm Huống cho biết: Xóm có 118 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu. Bà con chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước năm 2016, toàn xóm chưa có một mét đường nào được cứng hóa, toàn bộ các tuyến đường đều nhỏ hẹp, lỗ trỗ “ổ trâu, ổ gà”, việc đi lại của người dân vô cùng vất vả. Nông sản muốn vận chuyển từ ngoài đồng về nhà hoặc đem từ nhà ra chợ bán thì đa số đều phải dùng xe cải tiến để chở, ô tô không đi được vào đến xóm. Giao thông khó khăn cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cản trở việc phát triển kinh tế ở địa phương, nhiều hộ muốn đầu tư xây dựng các mô hình chăn nuôi nhưng vì đường nhỏ hẹp, thương lái ngại vào xóm thu mua hoặc có vào cũng trả giá thấp nên đến nay toàn xóm mới chỉ có 2 mô hình chăn nuôi tập trung, còn lại phần lớn các hộ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ để cải thiện bữa ăn gia đình.

 

Khao khát có được con đường bằng phẳng, dễ đi nhưng do đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nên việc làm đường bê tông  nhiều năm trôi qua vẫn chưa thể thực hiện được. Đến năm 2013, nhân lúc phong trào xây dựng nông thôn mới đang phát triển mạnh mẽ, xóm đã tổ chức họp dân để bàn việc làm đường. Nhằm giảm bớt khó khăn về vấn đề đóng góp kinh phí cho các hộ, xóm đã thống nhất thực hiện theo từng giai đoạn. Cụ thể, năm 2013, xóm đã vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường và đóng góp mỗi khẩu 180 nghìn đồng để san lấp mặt bằng. Năm 2014, xóm vận động nhân dân tiếp tục đóng góp 200 nghìn đồng/khẩu để mua sỏi về rải cấp phối. Năm 2015, mỗi người dân trong xóm lại đóng thêm 270 nghìn đồng để xây bờ kè ở những đoạn đường chạy qua ruộng, ao của các gia đình. Sau khi đã có mặt bằng, xóm làm đơn đề nghị gửi xã xin được cấp xi măng làm đường bê tông và đến đầu tháng 4 năm 2016, xóm huy động đóng góp tiếp 620 nghìn đồng/người để đối ứng làm đường. Trải qua 3 năm chuẩn bị mặt bằng, đến nay con đường trục xóm Huống đã được đổ bê tông rộng rãi, ô tô giờ có thể đi vào tận cuối xóm để thu mua nông sản. Để đường được mở rộng từ 2m ra thành 5m, người dân trong xóm đã hiến hơn 2.000m2 đất các loại.

 

Tìm hiểu thêm về sự đồng lòng của người dân nơi đây, chúng tôi đã đến thăm gia đình bà Dương Thị Thọ. Tuy là hộ nghèo, được xóm miễn giảm 50% kinh phí đóng góp nhưng bà đã tự nguyện hiến hơn 100m2 đất ao, ruộng để mở rộng đường trục xóm và luôn tiên phong đóng góp đầy đủ như những hộ bình thường khác trong những lần được xóm vận động. Có lần không đủ tiền đóng góp, bà đã bán từ những đàn gà mới nở hay những mớ rau, con cá. Bà Thọ bảo: Tôi luôn nghĩ mình là người lớn tuổi trong làng, phải làm gương cho con cháu học tập nên ngoài việc tự giác đóng góp, tham gia hiến đất cho xóm, tôi còn nhắc nhở người thân và vận động mọi người tích cực hưởng ứng việc làm đường. Giờ có đường mới rồi, bà con đi lại sẽ đỡ vất vả hơn, tôi cũng thấy vui vì mình đã làm được một việc có ích cho xóm làng.

 

Không chỉ riêng bà Thọ mà nhiều người dân xóm Huống cũng có chung suy nghĩ như vậy. Thế nên việc vận động nhân dân đối ứng ở xóm diễn ra khá suôn sẻ, nhanh chóng. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân cho biết họ còn nhớ như in những lần xóm giải phóng mặt bằng hay đổ bê tông đường, cả làng vui như mở hội, bà con đứng xem, bàn luận sôi nổi, đường mở ra, cần thêm đất đến đâu người dân tự nguyện hiến đến đó, nhà nào cũng sẵn sàng hỗ trợ cho đơn vị thi công trong việc cung cấp điện, nước miễn phí và động viên họ cố gắng làm tốt công trình...

 

Đường sá đi lại dễ dàng, một số hộ dân trong xóm Huống cũng bắt đầu lên kế hoạch để đầu tư vào phát triển kinh tế. Anh Dương Đình Hùng, một người dân trong xóm cho biết: Trước đây tôi đã có ý định mở trang trại nhưng vì đường xá đi lại khó khăn nên tôi chưa thực hiện được. Giờ đường mới đã làm xong, tôi đang bàn với gia đình mở rộng thêm khu chuồng trại chăn nuôi để có thêm thu nhập.

 

Chia tay bà con ở xóm Huống, trên đường về thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp từng tốp học sinh chạy xe bon bon trên con đường làng mới tinh, ông Lợi bảo: Xã có 2 trường học đặt trên địa bàn xóm nên tuyến đường này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với người dân trong xóm mà còn giúp các cháu học sinh của xã bớt vất vả hơn khi đến trường. Hiện ở địa phương vẫn còn hơn 500m đường nội xóm chưa được cứng hóa, chúng tôi đang lên kế hoạch vận động bà con tiếp tục đối ứng để làm đường trong thời gian sớm nhất.