Hiến đất làm đường - được chứ không mất

17:22, 16/05/2016

Với quan điểm làm đường để phục vụ việc đi lại của chính mình, người thân, để xây dựng quê hương khang trang, sạch đẹp và để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là được chứ không mất, 100% hộ dân ở xóm Tân Thịnh, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) nhất trí cắt vườn, cắt đất để giải phóng mặt bằng phục vụ làm đường…

Chúng tôi đến xóm Tân Thịnh vào một ngày giữa tháng 5 khi xóm tổ chức ra quân san gạt mặt bằng để mở rộng đường. Từ sáng sớm, bà con trong xóm không kể già, trẻ, trai, gái đều bắt tay vào việc dỡ tường, đẽo gạch, san đất… chuẩn bị làm đường mới. Được biết: Con đường này ở giữa xóm, dài 450m đã được đổ bê tông từ năm 2007. Trước kia, để làm con đường này, mỗi nhân khẩu trong xóm đã phải đóng góp 100 nghìn đồng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trải bê tông phục vụ đi lại được thuận tiện. Tuy nhiên, đường chỉ rộng 2m, xe cộ đi lại khó khăn và không đạt chuẩn đường giao thông nông thôn mới. Vì thế, được sự ủng hộ của bà con, chúng tôi đã tổ chức giải phóng mặt bằng làm lại con đường theo đúng tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn mới. Dự kiến con đường sẽ được mở rộng ra 6m. Người dân hai bên đường đã nhất trí hiến tổng số 1.730m2 đất, 100% là đất thổ cư để phục vụ mở đường.

 

Trong không khí làm việc khẩn trương, chúng tôi gặp ông Lê Văn Hải một người dân trong xóm ông vừa nhặt những viên gạch mới dỡ từ bức tường rào của gia đình xếp gọn vào vườn nhà, ông vừa bày tỏ quan điểm: Việc hiến đất mở rộng đường là để phục vụ chính mình và người thân, hàng xóm láng giềng được đi trên con đường đó. Không những thế, mở rộng đường và trải bê tông sạch sẽ để làm cho bộ mặt nông thôn đẹp hơn, góp phần cho xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như vậy là được chứ không phải mất, vì thế nên gia đình tôi sẵn sàng hiến 83m2 đất thổ cư bám dọc con đường.

 

Có lẽ suy nghĩ của ông Hải cũng là suy nghĩ chung của những người dân Tân Thịnh nên các hộ dân ở đây đều nhất trí hiến đất mà không đòi hỏi gì. Không những vậy, họ còn tập trung nhân lực tự tháo dỡ công trình, san gạt mặt bằng và bỏ tiền mua vật liệu xây lùi vào trong. Theo tính toán, ngoài việc hiến đất, để hoàn thành tuyến đường, nhân dân trong xóm còn phải đóng góp thêm khoảng 300 nghìn đồng/nhân khẩu để đổ bê tông mặt đường. Thế nhưng, người dân vẫn đồng thuận quyết tâm bỏ tiền, bỏ sức làm đường. Một số hộ đời sống còn khó khăn song vẫn tự nguyện hiến đất, tự phá dỡ tường rào, thậm chí vay mượn tiền để xây lại tường rào như gia đình bà Trần Thị Nhã. Gia đình bà Nhã vừa mới được thoát nghèo, đời sống vẫn còn khó khăn, nhưng với tinh thần vì lợi ích chung, bà đã dành 43m2 đất thổ cư của gia đình để làm đường xóm.

 

Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân như vậy, ông Trần Văn Sự, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Chi bộ xóm đã cùng với Ban công tác mặt trận, các đoàn thể đã đến từng hộ dân lấy ý kiến của từng người, đồng thời tuyên truyền, vận động mọi người hiểu rõ mục đích, yêu cầu cũng như nhiệm vụ thực hiện phong trào phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó phát huy mạnh mẽ vai trò vận động gia đình, người thân và cộng đồng dân cư tích cực hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu, tiền để xây dựng đường nông thôn. Nhờ cách làm như vậy mà mỗi khi xóm triển khai làm đường đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân.

 

Xóm Tân Thịnh hiện có 178 hộ với trên 800 nhân khẩu. Người dân ở đây chủ yếu sống nhờ sản xuất nông nghiệp, đời sống chỉ ở mức trung bình, hiện xóm vẫn còn 6 hộ nghèo. Tuy không giàu có, nhưng phong trào làm đường ở xóm lại rất mạnh mẽ, không chỉ bây giờ mà từ năm 2007 toàn bộ đường giao thông của xóm đã được bê tông hóa theo cơ chế Nhà nước 70%, nhân dân đóng góp 30%. Toàn xóm có cả thảy 6 tuyến đường giao thông với tổng chiều dài 3,577km thì đều đã được trải bê tông. Tuy nhiên, trước đây toàn bộ đều là đường nhỏ hẹp, cộng với nhiều năm sử dụng đến nay nhiều đoạn đã xuống cấp nên bà con đã đồng tình làm lại toàn bộ đường. Sau con đường này, xóm sẽ tiếp tục tổ chức giải phóng mặt bằng tiếp 5 tuyến còn lại với tổng chiều dài trên 3km. Theo thống kê, để làm được 5 tuyến này thì 100% số hộ dân trong xóm đều phải hiến đất với tổng số hàng nghìn m2. Sau các bước triển khai, tuyên truyền, đến thời điểm này, hầu hết các hộ dân đã nhất trí hiến đất, dự kiến các tuyến còn lại cũng sẽ được hoàn thành phần giải phóng mặt bằng trong tháng 5.

 

Ông Đàm Xuân Thao, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Đối với Trung Thành thì việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới khó khăn nhất là tiêu chí giao thông, bởi phần lớn đường giao thông trước đây đều nhỏ hẹp, hai bên nhà dân đã xây dựng các công trình kín nên việc giải phóng mặt bằng rất vất vả. Nhưng nếu ở đâu cũng có sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết như ở xóm Tân Thịnh thì mọi việc khó sẽ được giải quyết dễ dàng bằng chính sức mạnh của lòng dân.