Việc có hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương sử dụng chất cấm Salbutamol (còn gọi là chất tạo nạc) trong chăn nuôi lợn khiến nhiều người dân lo ngại về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước thực trạng này, huyện Phú Lương đang tăng cường nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn.
Đầu tháng 5, Đoàn kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt hành chính với gia đình ông Lương Thanh Đài, xóm Thanh Thế, xã Yên Đổ vì sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn. Biết được việc có hộ dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không chỉ người tiêu dùng mà chính những người chăn nuôi, chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện cũng rất bất bình. Ông Nguyễn Kim Xưa, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ không giấu được bức xúc khi nói về việc một số người chăn nuôi chỉ vì lợi ích cá nhân mà nhẫn tâm sử dụng chất tạo nạc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Ông Xưa cho rằng, làm nghề gì cũng cần có cái tâm. Việc mình sử dụng chất cấm, không may chính con, cháu mình mua phải, ăn vào thì chẳng phải là “gậy ông đập lưng ông”! Nếu bị các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với mình. Và như thế, uy tín của mình bị mất, bao nhiêu tiền của, vốn liếng đầu tư, gây dựng sẽ bị đổ xuống sông, xuống biển. Chung quan điểm với ông Xưa, bà Nguyễn Thị Bình, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi Nam Bình, ở tiểu khu Thái An, thị trấn Đu cho biết: Tôi rất mong các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh thức ăn và các hộ chăn nuôi; xử lý thật nghiêm đối với những trường hợp vi phạm để lấy lại lòng tin đối với người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Để ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, huyện Phú Lương đã tăng cường kiểm tra, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, tổ chức các đoàn tới từng hộ dân, thực hiện test nhanh các chất cấm và tuyên truyền quy trình chăn nuôi an toàn. Ông Trần Đình Bẩy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ngay sau khi phát hiện trên địa bàn có hộ sử dụng chất Salbutamol trong nuôi lợn, các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành xử lý theo quy định. Về phía huyện Phú Lương, đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan tiến hành kiểm tra được 10 buổi đối với một số trang trại chăn nuôi lớn và cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổ chức được 9 lớp tập huấn để tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về những nguy hại của chất tạo nạc đối với sức khỏe con người cho hơn 650 lượt người.
Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có 16 trang trại và khoảng 190 gia trại chăn nuôi, với trên 90 nghìn con gia súc, gia cầm, tập trung chủ yếu ở các xã: Phấn Mễ, Động Đạt, Cổ Lũng, Sơn Cẩm... Cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên, việc thực hiện hoạt động này ở cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đổ cho rằng, để xảy ra việc có hộ chăn nuôi trên địa bàn sử dụng chất cấm là có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Qua đây, chúng tôi nhận thấy cấp ủy, chính quyền cơ sở cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tôi cho rằng, vấn đề quản lý người dân kinh doanh, buôn bán hay sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với cấp xã là điều không đơn giản. Chúng tôi không có thẩm quyền để làm việc đó, cũng không có đủ kiến thức để nhận biết đàn vật nuôi nào có sử dụng chất cấm… Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ đưa ra được những biện pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các loại chất cấm này. Còn theo ông Nguyễn Tuấn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện thì: Ngay đối với ngành y tế, việc nhận biết đâu là chất cấm cũng là cả vấn đề, chứ chưa nói đến việc ngăn chặn. Mặc dù chúng tôi tham gia vào Đoàn kiểm tra liên ngành nhưng cũng chỉ là cho đủ thành phần, chứ để nhận biết đâu là đàn vật nuôi sử dụng chất Salbutamol hay một loại chất cấm nào khác, chúng tôi không thể và cũng không có thiết bị nào để hỗ trợ cho việc đó.
Qua thực tế các cuộc kiểm tra thời gian qua, việc test nhanh mẫu nước tiểu lợn mới xác định dấu hiệu, kết luận chính xác lợn nhiễm chất cấm hay không cần phải gửi mẫu đến đơn vị có thẩm quyền và phải mất 15 đến 20 ngày mới có kết quả chính thức. Đây là một trong những trở ngại lớn, bởi thời gian này, chính quyền địa phương không thể có mặt 24h/24h để giám sát, không cho hộ chăn nuôi bán vật nuôi. Chính vì vậy, nếu hộ chăn nuôi cố tình vẫn có thể bán tháo vật nuôi ra thị trường.