Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên (Dự án). Đã có nhiều câu hỏi đặt ra là để cho Dự án phá sản hay tìm cách cứu? Với tầm quan trọng của Dự án đối với Gang thép Thái Nguyên thì việc tìm cách tháo gỡ khó khăn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn này thì rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ lớn hơn từ phía Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian tới.
Lịch sử Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên) thành lập từ 1959 là cái nôi của ngành Thép Việt Nam. Đây là khu Công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép. Hàng năm, Công ty đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 300-500 tỷ đồng, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho gần 6.000 lao động trực tiếp. Tính trong 3 tháng đầu năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty đạt gần 772 tỷ đồng, tăng hơn 58% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 2.426 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 30 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 64 tỷ đồng… Với những kết quả sơ bộ ấy và nhìn lại quá khứ lịch sử, có thể nói Gang thép Thái Nguyên vẫn luôn là niềm tự hào không chỉ riêng với Thái Nguyên mà là niềm tự hào của ngành Công nghiệp khai khoáng và luyện kim của cả nước.
Với nguồn lực, truyền thống sản xuất sẵn có và để đáp ứng yêu cầu sản xuất thép trong giai đoạn sản xuất mới, Chính phủ đã đồng ý để Bộ Công Thương, Tổng Công ty Thép Việt Nam và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên thực hiện Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên. Dự án chỉ đầu tư đến công đoạn sản xuất ra phôi thép nóng (500.000 tấn phôi thép/năm). Phôi nóng này sẽ được các nhà máy cán thép của Công ty và Nhà máy Cán thép Thái Trung dùng để cán ra các thành phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì Dự án đã gặp rất nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính dẫn đến chậm hoàn thành, vốn đầu tư tăng lên là do bị thiếu vốn và phần bị thiếu vốn là phần C (xây dựng và lắp đặt) đã được giao cho nhà thầu Việt Nam (Vinaincon) thi công. Cũng vì thế mà Dự án đã nằm đắp chiếu hơn chục năm nay.
Các thế hệ những người làm gang thép Thái Nguyên đều cho rằng việc tiếp tục thực hiện Dự án là có cơ sở và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục triển khai, Công ty đã đề xuất các giải pháp trình Chính phủ xem xét quyết định, tập trung vào việc miễn một số loại thuế, miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian vay tại các ngân hàng, tiếp nhận nguyên trạng, áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn khi lựa chọn các nhà thầu thi công...
Với những đề xuất trên, theo các chuyên gia kinh tế thì đây là những điều kiện cần thiết để cứu một Dự án đã kéo dài rất lâu. Nếu một trong các đề xuất này không hiện thực, dự án lại tiếp tục kéo dài, chậm tiến độ, tiếp tục đội vốn và hiệu quả sẽ không còn. Để Dự án có hiệu quả và không tăng tổng mức đầu tư thì các cơ chế đã đề xuất cho Dự án nêu trên phải được áp dụng kịp thời đồng bộ.
Theo tìm hiểu thì đến thời điểm này, Công ty đã chi cho Dự án trên 4.500 tỷ đồng. Nếu không được giải quyết đồng bộ, kịp thời các cơ chế thì nguy cơ đổ bể Dự án là khó tránh khỏi. Khi đó, thiệt hại kinh tế - xã hội cho Nhà nước và doanh nghiệp là vô cùng lớn, đặc biệt là gần 6.000 người lao động mất việc làm, hàng vạn hộ ăn theo, hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh gặp khó khăn. Hơn nữa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, sự phát triển của ngành Thép Việt Nam và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.
Việc hoàn thành Dự án sẽ tạo năng lực cho Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên chủ động sản xuất khoảng trên 1 triệu tấn phôi thép/năm từ nguồn nguyên liệu trong nước, tránh được sự lệ thuộc nhập khẩu từ bên ngoài. Hy vọng Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ sớm có quyết định giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn của Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II Gang thép Thái Nguyên trong thời gian sớm nhất để đạt được hiệu quả như mong muốn...