Tính đến hết tháng 4, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh là 33.434 tỷ đồng, tăng 0,59% so với cuối năm 2015. Mức tăng trưởng này được cho là thấp so với mức tăng chung của toàn ngành là 4,02% và so với cùng kỳ năm 2015 là 3,33%. Vậy điều này là dấu hiệu đáng mừng hay đáng lo?
Theo ý kiến của một số nhà quản lý trong lĩnh vực kinh tế thì mừng cũng có, mà lo cũng có. Lý giải về việc tại sao lại có mức tăng trưởng này, lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn đều cho rằng, nguyên nhân đầu tiên phải nhắc tới đó là do ngày 7-3-2016, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép, thép dài nhập khẩu và chính thức có hiệu lực từ ngày 22-3. Điều này đã khiến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thép và có liên quan đến ngành thép đổ xô đi mua thép (đây là thực trạng chung của cả nước). Nhờ đó, nhiều công ty, DN sản xuất, kinh doanh sắt thép trên địa bàn, nhất là các DN lớn như Công ty cổ phần (CP) Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thương mại Thái Hưng… đã giải phóng được một lượng lớn hàng tồn kho trong tháng 3 và tháng 4, có điều kiện trả bớt nợ. Trong khi đó, đây đều là những khách hàng lớn của các ngân hàng. Chỉ cần bất kể động thái tăng, giảm nào của các DN này cũng đều có những tác động nhất định đến kết quả chung của cả hệ thống ngân hàng.
Theo ước tính, chỉ riêng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tại thời điểm cuối tháng 4, sang tháng 5, số dư nợ tại các ngân hàng đã giảm tới hàng nghìn tỷ đồng. Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên dẫn chứng: Chỉ riêng BIDV Thái Nguyên, so với thời điểm Công ty này vay nhiều nhất thì hiện đang giảm tới gần 700 tỷ đồng. Ngoài ra, một số khách hàng lớn khác trong ngành thép cũng có số dư nợ giảm đáng kể, mặc dù ở nền khách hàng cũ và mới của Chi nhánh được đánh giá là có sự tăng trưởng khá nhưng vẫn không lấy lại được mức dư nợ như hồi cuối năm 2015. Cụ thể, dư nợ của BIDV tính đến ngày 25-5 so với cuối năm 2015 giảm 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, ông Hà Mậu Quý lại nhìn nhận đây là một tín hiệu tích cực, bởi khi lượng tồn kho của một số khách hàng lớn trong ngành thép được giải phóng, nghĩa là cơ chế chính sách của Nhà nước đã có những tác động tích cực nhất định đối với DN. Ông Quý cho rằng, chỉ khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới, dư nợ của khách hàng trong ngành thép sẽ tăng trở lại, do họ bắt đầu phải trả tiền cho các lô hàng mới nhập để sản xuất, kinh doanh. Từ nhận định trên nên người đứng đầu Chi nhánh ngân hàng này hoàn toàn tự tin với mức tăng trưởng tín dụng của năm 2016 sẽ đạt kế hoạch đề ra là từ 14-15% so với cuối năm 2015.
Bên cạnh nguyên nhân trên, ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên cho rằng sức hấp thụ vốn đối với các DN nhỏ và vừa của tỉnh hiện vẫn còn rất hạn chế. Do đó, nhu cầu về vốn đối với đối tượng này không cao hoặc có nhu cầu nhưng lại không đủ các điều kiện cần thiết để được đáp ứng. Điều này được phần nào minh chứng bởi con số tính đến ngày 24-5, dư nợ cho vay của Chi nhánh đối với DN chỉ tăng thêm 6 tỷ đồng so với cuối năm 2015, tương ứng với 0,36%, trong khi đó ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay phát triển kinh tế hộ lại tăng tới 310 tỷ đồng, tương ứng với 6,29%. Tính chung dư nợ toàn Chi nhánh gần 5 tháng đầu năm nay là 4,66%. Hiện, dư nợ cho vay của Agribank trên địa bàn tỉnh là 6.980 tỷ đồng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và ông Hà Mậu Quý đều cho rằng hạn chế lớn nhất của phần đông các DN nhỏ và vừa trên địa bàn (cũng là thực trạng chung của cả nước) là thiếu tính minh bạch về tài chính, mà biểu hiện rõ nhất là giữa báo cáo gửi ngân hàng với báo cáo gửi cơ quan thuế thường không là một. Cùng với đó là trình độ quản trị DN không cao, còn thiếu bài bản và ít có tính chiến lược lâu dài, ổn định. Chính điều này khiến nhiều DN không có được lòng tin từ phía ngân hàng để được vay vốn với một phần bằng tín chấp. Vì thế, chỉ với số vốn được vay bằng nguồn tài sản đảm bảo, DN sẽ khó có đủ vốn để hoạt động. Cũng bởi điều này nên nhiều DN cho đến giờ vẫn cho rằng bị gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, còn ngân hàng thì hầu hết đều đang thừa vốn và phải chủ động tìm kiếm đối với những khách hàng đủ điều kiện.
Trở lại vấn đề dư nợ cho vay đối với DN bị giảm ở BIDV Thái Nguyên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây cũng là thực trạng chung ở một số ngân hàng khác, nhất là những ngân hàng có đối tượng khách hàng DN sản xuất, kinh doanh sắt thép. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên nhiều ngân hàng bị giảm dư nợ bởi một vài khách hàng lớn. Cũng bởi thế mà để hạn chế rủi ro, các ngân hàng hiện nay trong định hướng chiến lược phát triển đều hướng tới thị trường bán lẻ, bên cạnh thị trường bán buôn là các DN lớn. Thậm chí có ngân hàng tại một thời điểm nào đó do nhiều nguyên nhân khác nhau còn chủ động giảm số dư nợ của khách hàng DN để đổi lấy sự an toàn, tránh nợ xấu phát sinh.
Có thể thấy, việc dư nợ tín dụng gần 5 tháng đầu năm nay đạt thấp không phải là vấn đề đáng lo ngại, bởi như trên đã nói, dư nợ được dự báo sẽ có sự tăng trưởng trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi vẫn muốn đề cập thông qua bài viết này chính là hoạt động của DN nhỏ và vừa của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần được cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, tháo gỡ. Song quan trọng hơn cả là tự thân các DN phải nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện những mặt còn hạn chế, đồng thời phải coi trọng tính minh bạch trong vấn đề tài chính thì mới hy vọng trụ vững và phát triển, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với các DN ngoại khi mà nhiều hiệp định thương mại tự do đã, đang và sẽ tiếp tục có hiệu lực.