Nằm giữa những dãy núi cao ngất, hơn 70 hộ dân ở xóm Na Bả, xã Phương Giao (Võ Nhai) luôn ao ước có đường đi thuận tiện và được sử dụng nguồn điện lưới Quốc gia. Tuy nhiên, niềm mong mỏi của người dân nơi đây đến nay vẫn chưa thành hiện thực bởi nhiều nguyên nhân.
Dù được một cán bộ của xã Phương Giao chỉ dẫn đường lên xóm Na Bả rất tỉ mỉ, nhưng lúc đến nơi rồi chúng tôi vẫn còn “tim đập chân run”, nhất là khi nhìn lại những dốc đá cao ngất mà ái ngại cho chặng đường trở về. 18 giờ chiều một ngày giữa tháng 6 này, ở thành phố có thể vẫn còn ánh nắng, nhưng tại Na Bả đã tối nhọ mặt người. Nơi xóm núi này, mùa hè nắng rát nhưng bóng tối lại đến rất nhanh do bốn bề núi đá bao quanh. Na Bả còn được gọi là nơi “hút gió” bởi địa hình cao, mỗi khi gió mùa Đông Bắc tràn về thì nơi đây là “túi đón gió” nên rất lạnh - anh Triệu Tiến Thanh, Trưởng xóm nói với chúng tôi về vùng quê mình như vậy.
Xóm Na Bả hiện có 73 hộ, tất cả đều là đồng bào dân tộc Dao. Vào những năm 1970, khoảng 100 người dân ở xã Vũ Chấn (Võ Nhai) đã đến đây, khi thấy đất rừng còn rộng mà chưa có ai sử dụng liền ở lại dựng nhà, lập nghiệp. Thời gian trôi qua, đến nay Na Bả đã có trên 400 nhân khẩu. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào trồng ngô trên bãi và cấy lúa tại những thửa ruộng bậc thang ven chân núi. Năm nào mưa nắng thuận hòa thì tháng ba ngày tám không lo cái đói rình rập. Năm nào mưa ít, không có nước canh tác thì nhà nhà đều phải ăn đong từng bữa. Lại thêm vì chưa có điện lưới Quốc gia nên các thiết bị phục vụ đời sống sinh hoạt như tivi, đài không sử dụng được. Bởi thế, với bà con nơi đây, những thông tin thời sự hay bản tin dự báo thời tiết đều “mù tịt”.
Bữa cơm tối được gia đình Trưởng xóm Triệu Tiến Thanh thết đãi khách (là tôi) gồm toàn thực phẩm “siêu sạch” tự cung tự cấp, gồm gà bắt trên đồi nhà và rau cải hái trên nương. Mùi thức ăn thơm phức khiến bụng chúng tôi đói cồn cào sau buổi vật lộn với con đường lên xóm. Chủ và khách mãi mới ổn định để dùng bữa dưới ánh sáng lờ mờ phát ra từ bóng điện Rạng Đông. Ấy nhưng, để có thứ ánh sáng lờ mờ kia cũng lắm công phu. Anh Thanh kể: Giữa những năm 1990, khi “phong trào” sử dụng máy điện nước mini ở các nơi đã rầm rộ thì những hộ dân gọi là có đời sống khấm khá ở Na Bả ra tận phố huyện để “tậu” máy phát điện. Loay hoay trên con suối Đồng Dong để tìm địa điểm đặt máy, cuối cùng họ có điện thắp sáng thay cho cây đèn dầu gắn bó bao đời. Vậy nhưng, nguồn điện này không ổn định. Mùa mưa thì nước cuốn vỡ vai, đập nước; mùa khô thì suối Đồng Dong cạn nhăn, cá còn chẳng có nước để sống, lấy đâu nước chạy máy phát điện. Do đó, máy mua về không sử dụng được, cây đèn dầu lại trở thành vật dụng quan trọng mỗi khi bóng tối buông xuống. Còn có được bóng đèn điện đỏ quạch như anh Thanh đây là may mắn lắm rồi.
20 giờ, Na Bả chìm trong màn đêm, hầu hết các nhà đóng cửa im ỉm đi ngủ. Anh Thanh giải thích: Không có điện để xem ti vi, nghe đài, hát hò hay đơn giản là đọc tờ báo, quyển truyện nên cứ ăn xong là đi ngủ thôi. Biết vậy nhưng tôi vẫn “nài” đưa đến chơi nhà một số hộ dân trong xóm. May mắn, nhà ông Đặng Văn Báo có khách nên đi ngủ muộn hơn mọi khi. Trong căn nhà hẹp ngổn ngang đồ đạc, ông Báo cầm chiếc quạt cọ phất đi, phất lại liên tục để xua cái nóng bức và đánh đuổi đám muỗi cứ chực bâu vào người. Ông Báo lẩm bẩm: Đang ăn cơm thì chiếc máy điện chắc là vướng rác nên ngừng cho điện. Từ nhà đến chỗ đặt máy gần 2 cây số, đường đi rậm rạp nên đành phải thắp đèn dầu ăn cho xong bữa. Chỉ vào chiếc tivi 21 “inch” phủ một lớp bụi, ông Báo buồn buồn: Có tivi đấy nhưng bỏ xó thôi vì điện yếu quá, bán đi lại tiếc. Thấy các xóm khác có điện sáng trưng mà thèm.
Cũng vì thèm điện quá mà cách đây 10 năm, thấy khu Phủ Chì (gần trung tâm xã) có điện, người dân Na Bả hô nhau chặt tre làm cột, xuống chợ mua dây để kéo điện từ Phủ Chì về. Khoảng cách từ nơi có điện đến nhà gần nhất cũng 2 cây số, nơi xa nhất ngót nghét 4 cây số. Chưa kể, “cái khó bó cái khôn”, bà con chỉ dám mua dây điện nhỏ, hao tải lớn, “dùng ít điện phải trả tiền nhiều”. Chịu không thấu vì tốn tiền quá, nhiều nhà lại quay về dùng nguồn điện nước. Anh Triệu Tiến Thanh cho biết thêm: Điện lưới tự kéo cũng không khá hơn điện nước bao nhiêu, cũng tù mù thế thôi mà phải mua với giá 3.000đồng/số. Chỉ thắp sáng mà mỗi tháng cũng mất gần trăm nghìn tiền điện. Trong khi đó, 71/73 hộ của xóm thuộc diện nghèo, 2 hộ còn lại là cận nghèo, đều không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện của Nhà nước. Cột điện làm bằng thân cây tre giờ đã mục nát nên chỉ cần một cơn gió mạnh là đổ hàng loạt, vài ngày sau người dân mới dựng lại để có điện. Khó khăn về kinh tế và thiếu thốn các giá trị tinh thần nên nhiều gia đình (con cái, vợ chồng) ở Na Bả bỏ đi lao động xa, xóm núi càng trở nên vắng vẻ.
Do chưa có điện lưới Quốc gia, đường đi lối lại cách trở nên học sinh ở Na Bả khi học hết tiểu học tại điểm trường trong xóm thì phải vượt gần 6km đường đất ra trung tâm xã để học tiếp. Vì vậy, các cháu học hết bậc THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xóm Na Bả hiện có gần 200ha rừng và gần 20ha đất lúa người dân vẫn lao động bằng sức người. Cây ngô, cây lúa ở đây chưa thành hàng hóa vì đường đi quá gian nan, sản phẩm làm ra chủ yếu tự cung tự cấp. Một số hộ dân đang chuyển sang trồng rừng sản xuất nhưng lo ngại trong thời gian cây chưa cho khai thác thì không có cái ăn… Trưởng xóm Triệu Tiến Thanh cứ đều đều kể chuyện chung của xóm, rồi hoàn cảnh một số gia đình hay việc riêng của gia đình mình cho tôi nghe như thế.
Mặc dù “trải nghiệm” ở Na Bả chỉ một đêm, tôi đã thấu nỗi khó khăn vất vả của người dân nơi đây. Nhưng bù lại, người dân chăm chỉ lao động, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đó thực sự là đức tính quý của người Na Bả.