Để làng nghề phát triển bền vững

21:39, 24/06/2016

Với sự hình thành và phát triển mạnh của nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên), những năm gần đây, người dân trong xã giàu lên trông thấy, đồng thời giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động tại địa phương và vùng lân cận. Song, hoạt động của làng nghề trong khu dân cư cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân và hạn chế sự phát triển của nghề này.

Theo chân đồng chí Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong đi một vòng quanh Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung, chúng tôi cảm nhận không khí sôi động từ các xưởng mộc, tiếng máy cưa, máy xẻ kêu vang. Trên trục đường bê tông dẫn vào Làng nghề, xe tải tấp nập vào, ra vận chuyển hàng hóa. Ghé vào xưởng mộc của gia đình anh Dương Văn Oánh, bắt gặp anh đang xếp gọn những khúc gỗ mới nhập về để làm nguyên liệu sản xuất giường,. Anh Oánh chia sẻ: Vì nhà cửa chật chội nên xưởng hoạt động khó khăn lắm. Gọi là xưởng nhưng thực chất chỉ là vuông sân nhà được lợp mái che mưa, chắn nắng để làm nghề. Gia đình tôi trước làm nông nghiệp, mấy năm gần đây, thấy nhiều hộ mở xưởng mộc làm ăn tốt, nên tôi đã đi học nghề và về mở xưởng. Nhưng do không có đất, nên tôi tận dụng hiên nhà và khoảng sân rộng 50m2 để làm. Nhìn chung công việc thì khá tốt, nhưng có điều diện tích nhà xưởng quá chật chội nên không thể lắp đặt nhiều máy móc để phục vụ sản xuất. Nguyên liệu cùng sản phẩm làm ra cũng không có chỗ để nên tôi cũng không dám nhập nguyên liệu nhiều mà sản xuất đến đâu nhập đến đấy, có đơn đặt hàng mới sản xuất. Tôi luôn ấp ủ giấc mơ sẽ xây được nhà xưởng rộng rãi khang trang để mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động hơn và tách ra khỏi chỗ ở của gia đình để việc sản xuất không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt.

 

May mắn hơn anh Oánh và nhiều gia đình khác trong làng nghề, gia đình ông Nguyễn Văn Khu có diện tích đất từ đời ông cha để lại khá rộng, nên ông có điều kiện xây dựng nhà xưởng, lắp đặt các loại máy móc phục vụ sản xuất. Chỉ những chiếc giường vừa sản xuất đang chờ chở đi tiêu thụ, ông Khu giới thiệu với chúng tôi: Đây là sản phẩm được làm bằng máy đục, máy cắt vi tính hiện đại nên hoa văn đẹp và độ chính xác cao, giá của mỗi cái giường này khoảng 40 triệu đồng. Tôi mở xưởng từ năm 2009 và chuyên đi sâu sản xuất 1 loại sản phẩm là giường. Đến nay, tôi đã đầu tư máy cắt vi tính, đục vi tính cùng nhiều loại máy móc hiện đại khác nên sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng, được khách hàng rất ưa chuộng. Mỗi năm tôi sản xuất khoảng 100 sản phẩm với doanh thu khoảng 4 tỷ đồng. Dù vậy, tôi vẫn mong có một khu nhà xưởng tách ra khỏi chỗ ở để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình.

 

Mong muốn của anh Oánh và ông Khu cũng là mong muốn chung của chính quyền và nhân dân xã Tiên Phong bởi sau nhiều năm hoạt động của nghề mộc trong khu dân cư tập trung đã nảy sinh những vấn đề gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân và hạn chế sự phát triển của các xưởng mộc. Tiên Phong vốn là xã thuần nông, đông dân nhất của Phổ Yên, với gần 3.400 hộ và trên 14.500 nhân khẩu. Trước đây, do kinh tế khó khăn, một số người dân Tiên Phong đã xuống Bắc Ninh học nghề, sau đó về địa phương mở xưởng và truyền nghề lại cho nhân dân. Ban đầu chỉ có lác đác vài xưởng, dần dần số xưởng tăng lên theo từng năm. Năm 2008, thôn Giã Trung được công nhận là làng nghề với khoảng 200 xưởng mộc, trên 1.000 lao động. Các mặt hàng chủ yếu là giường, tủ, bàn, ghế, kệ thờ... Ngoài làng nghề Giã Trung, nghề mộc đã phát triển lan sang các thôn, xóm khác như Thù Lâm với khoảng 100 xưởng, trên 500 lao động. Nhờ phát triển nghề mộc, những năm gần đây, kinh tế của xã được nâng cao. Nhìn những ngôi nhà cao tầng khang trang đua nhau vươn cao, những tuyến đường bê tông sạch đẹp, trải rộng, có thể thấy, đời sống người dân ở đây đã sung túc nhiều.

 

Có thể khẳng định phát triển làng nghề và duy trì phát huy nghề truyền thống có ý nghĩa hết sức quan trọng; phát triển nghề truyền thống không chỉ tăng nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn và gìn giữ những nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, có một thực tế là nghề mộc ở đây ban đầu là tự phát, các xưởng mộc đều được mở tại nhà dân, 100% trên đất ở và đất vườn. Sau nhiều năm hoạt động chung với các sinh hoạt của người dân, tình trạng ô nhiễm về chất thải, tiếng ồn, bụi, hóa chất… ít nhiều làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, về lâu dài có thể ảnh hưởng sức khỏe con người. Thêm nữa, do không có diện tích, nên việc mở rộng quy mô sản xuất của các xưởng gặp khó khăn. Trong khi, hiện nay sản phẩm của địa phương đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, đây là một nghề có tiềm năng phát triển hơn nữa ở địa phương.

 

Thấy được những hạn chế này, vài năm trước trong quy hoạch nông thôn mới, Tiên Phong đã quy hoạch khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại Giã Trung nằm tách biệt ra khỏi khu dân cư. Đây một phần là đất ruộng kém hiệu quả và một phần là đồi với hy vọng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở đây sẽ tiếp tục phát triển, tiếp tục nâng cao thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, giao thông và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, để biến những mong ước này thành hiện thực, cần có sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các xưởng mộc vào khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp.