Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tác động lớn đến sức khoẻ người tiêu dùng. Vì vậy, vệ sinh ATTP là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, nhà sản xuất và đặc biệt là của những người làm công tác quản lý ATTP. Do đó, từ nay đến năm 2020, mỗi năm tỉnh Thái Nguyên sẽ hỗ trợ sản xuất và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP cho 1.000 ha chè trở lên. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ sản xuất chè an toàn đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cho các trang trại, tổ hợp tác, HTX, làng nghề sản xuất, chế biến chè; triển khai thí điểm cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (đối với cơ sở sản xuất ban đầu).
Thực tế cho thấy, Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè lớn thứ hai cả nước (sau Lâm Đồng). Với hơn 21 nghìn ha, sản lượng đạt trên dưới 200 nghìn tấn mỗi năm, cây chè đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Mặc dù diện tích, sản lượng lớn nhưng nhiều hộ đầu tư phân bón cho cây chè chưa cân đối, việc kiểm soát chất lượng cũng chưa được chú trọng đúng mức khiến sản phẩm sản xuất ra chất lượng không đồng đều. Một số sản phẩm chè khô của bà con còn có hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng quy định.
Hiện tại, ở nhiều vùng chè trong tỉnh, phương thức canh tác còn tự phát. Việc sử dụng thuốc trừ sâu cho chè còn khá tuỳ tiện, tình trạng lạm dụng trong sử dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng chủng loại và kỹ thuật, không đảm bảo thời gian cách ly… còn phổ biến ở nhiều vùng chè. Ngoài ra, người sản xuất còn phun, tưới các loại thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng cho cây chè đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn tới thiên địch và mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm chè. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm chè cao như hiện nay.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của thương hiệu chè Thái Nguyên, giúp người làm chè nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh tế là mục tiêu tỉnh ta đang hướng đến. Để thực hiện được mục tiêu này, cùng với việc áp dụng đồng bộ, phổ biến rộng rãi quy trình sản xuất chè theo hướng VietGAP, GAP… thì việc hỗ trợ sản xuất và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cây chè của tỉnh là rất cần thiết. Anh Hoàng Minh Cương ở thị trấn Lục Nam, huyện Lục Nam (Bắc Giang) nói: Tôi là khách hàng luôn trung thành với sản phẩm chè Thái Nguyên. Chúng tôi có thể cảm nhận hương thơm, vị đượm của chè Thái qua vị giác và thính giác, nhưng lại không thể phân biệt được loại chè nào bảo đảm và không bảo đảm ATTP. Trên thực tế, bằng mắt thường làm sao người tiêu dùng có thể biết sản phẩm chè mình sử dụng hằng ngày có tồn dư lượng thuốc BVTV cao hơn mức cho phép hay không? Tôi thường mua sản phẩm chè bằng niềm tin với người bán hàng. Bởi vậy, tôi rất mong tỉnh Thái Nguyên có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chè đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP được cấp giấy chứng nhận. Đây chính là một cách để giúp người tiêu dùng chúng tôi lựa chọn được sản phẩm chè chất lượng và an toàn.
ATTP là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại cho sức khoẻ và tính mạng con người. Điều kiện bảo đảm ATTP là những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với thực phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng con người.
Để đảm bảo điều kiện này, trước hết, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua đó giúp người sản xuất và người kinh doanh hiểu được ý nghĩa của việc sản xuất chè đảm bảo ATTP. Đặc biệt là giúp các hộ sản xuất, kinh doanh chè nắm rõ 13 yêu cầu để được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP như: địa điểm, môi trường; yêu cầu thiết kế, bố trí nhà xưởng; kết cấu nhà xưởng; hệ thống thông gió; hệ thống chiếu sáng; dụng cụ chứa chất thải và vật phẩm không được ăn; hệ thống cung cấp nước; hệ thống cung cấp nước đá; hệ thống cung cấp hơi nước; khí nén; hệ thống xử lý chất thải; phòng thay bảo hộ lao động; nhà vệ sinh. Bên cạnh đó là tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nguyên liệu chè búp tươi; thực hiện thí điểm hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và thí điểm hệ thống chỉ số an toàn sản phẩm chè.
Cùng với những giải pháp nêu trên thì các ngành chức năng của tỉnh quan tâm đầu tư nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn tập trung vào các giải pháp canh tác và giải pháp sinh học như sử dụng thiên địch, sử dụng thuốc thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh hại chè; đầu tư các dự án khuyến nông về sản xuất chè an toàn gắn với tổ chức tiêu thụ sản phẩm chè; tăng cường đào tạo tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ khuyến nông viên và cán bộ quản lý nông nghiệp của các địa phương về các văn bản quản lý nhà nước về sản xuất, chế biến chè an toàn; tích cực kiểm tra các cơ sở chế biến chè, có hình thức xử lý nghiêm đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất…