Hướng tới phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản

17:47, 16/06/2016

Mỗi năm, nông dân trong toàn tỉnh sản xuất được khoảng 300 nghìn tấn rau xanh; 40-50 nghìn tấn quả (nhãn, chuối, vải, na…); trên 102 nghìn tấn thịt hơi các loại; hơn 8 nghìn tấn thủy sản. Tuy nhiên, các loại nông sản vẫn chủ yếu tiêu thụ ở dạng tươi sống, theo hình thức bán lẻ tại các chợ hoặc bán buôn cho thương lái vận chuyển đi tiêu thụ ở nhiều vùng khác hoặc các nhà hàng.

Chị Lê Thị Hồng, một hộ trồng rau xanh lâu năm ở khu dân cư Túc Tiến, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mỗi khi rau được thu hoạch, tôi thường mang ra chợ Túc Duyên hoặc chợ Thái bán lẻ cho người tiêu dùng hoặc bán buôn cho thương lái. Nếu bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng thì giá bán cao hơn giá bán buôn gấp 2-3 lần (ví dụ, một mớ mồng tơi, rau đay có giá bán buôn từ 1 đến 1,5 nghìn đồng, bán lẻ thì được 3 nghìn đồng) nhưng số lượng tiêu thụ không được nhiều, nhất là khi gia đình tôi neo người, chỉ có hai vợ chồng, các con đều đi học xa. Để rau xanh không bị quá lứa, tôi phải khẩn trương thu hoạch và bán buôn cho các thương lái.

 

Được biết, tại nhiều vùng rau trọng điểm của tỉnh như Linh Sơn (Đồng Hỷ), Nhã Lộng (Phú Bình), sản phẩm bà con làm ra cũng thường được tiêu thụ theo hình thức này. Đối với các loại nông sản khác (như hoa quả, thịt hơi, thủy sản), ngoài bán buôn, bán lẻ tại chợ, sản phẩm của bà con còn được tư thương tìm đến mua tận nhà. Anh Nguyễn Mạnh Thi, một hộ dân trồng nhãn lâu năm ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Thường thì khi mang ra chợ, sản phẩm của chúng tôi sẽ bán được giá cao hơn so với tư thương đến mua tại nhà, vì họ cho rằng nông dân không mất chi phí vận chuyển.

 

Thực tế trên cho thấy nhiều năm nay, sản phẩm nông sản của Thái Nguyên vẫn chưa được tiêu thụ tại các siêu thị lớn, các cửa hàng kinh doanh, đại lý có uy tín trong và ngoài tỉnh mà chủ yếu được bán “trôi nổi” trên thị trường nội địa và phải phụ thuộc vào các thương lái. Đây là lý do khiến cho nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh thường xuyên bị ép giá, hiệu quả sản xuất đạt được chưa cao so với giá trị thực tế của sản phẩm. Nhiều vụ, người nông dân phải chịu cảnh giá bán sản phẩm thấp hơn, ngang bằng hoặc chỉ cao hơn so với giá thành làm ra rất ít.

 

Hiện nay, dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh là trên 800 nghìn người, chiếm gần 70% dân số cả tỉnh và lao động nông thôn là trên 540 nghìn người, chiếm 75% tổng số lao động. Điều này đồng nghĩa với việc khi đầu ra của các loại sản phẩm nông sản thiếu ổn định, giá trị thu được từ sản xuất nông nghiệp chưa cao thì đời sống của 70% số dân trong tỉnh sẽ bị ảnh hưởng. Để ổn định đời sống của người dân nông thôn, cùng với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm (có nhiều sản phẩm nông sản “sạch”, đạt tiêu chuẩn VietGAP, UTZ…) thì vấn đề tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho các mặt hàng nông sản là rất quan trọng. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là các ngành chức năng của tỉnh bảo đảm lưu thông hàng hóa nông sản thông suốt, thị trường ổn định, cân đối cung cầu; tổ chức tốt hoạt động sản xuất, chế biến hàng nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu.

 

Cùng với đó là thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ và trực tiếp giữa thương nghiệp với sản xuất nông nghiệp, hộ nông dân, giải quyết căn bản yêu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn nông thôn, thành thị, công nhân tại các khu công nghiệp và các du khách đến tham quan, du lịch tại Thái Nguyên.

 

Bên cạnh những giải pháp trên, các ngành chức năng của tỉnh cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối hàng nông sản ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo đó, cần đưa các mặt hàng nông sản vào hệ thống phân phối, đặc biệt là hệ thống bán lẻ siêu thị là việc làm rất cần thiết. Riêng ngành Công Thương, nên phối hợp với các ngành liên quan làm việc với một số siêu thị lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh như siêu thị Minh Cầu (Thái Nguyên); siêu thị Big C (Hà Nội), các danh nghiệp, hiệp hội, tìm hiểu nhu cầu, tháo gỡ khó khăn, đưa nông sản vào hệ thống phân phối có hiệu quả nhất. Anh Nguyễn Mạnh Thi cho rằng: Theo tôi, phát triển được hệ thống phân phối hàng nông sản, đầu ra cho sản phẩm sẽ ổn định, thu nhập của nông dân chúng tôi sẽ tăng cao.

 

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển thu mua hàng nông sản thực phẩm; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia mở đại lý nhận bán các mặt hàng nông sản cho những công ty lớn, tổng công ty; có cơ chế cho vay đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản nhằm đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường...