Khi cấp ủy coi trọng công tác giảm nghèo

11:07, 20/06/2016

Cách đây 6 năm, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Hợp Thành (Phú Lương) còn tới 64%. Một nguyên nhân được Đảng bộ xã thẳng thắn nhìn nhận là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy từ xã đến xóm còn chung chung, thiếu sâu sát, cả hệ thống chính trị chưa thực sự tích cực vào cuộc trong công tác giảm nghèo. Thời gian gần đây, những hạn chế đó đã và đang được Đảng bộ tập trung khắc phục hiệu quả.

Gia đình anh La Viết Thuật là 1 trong 5 trường hợp ở xóm Làng Mới, xã Hợp Thành (Phú Lương) đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cuối năm ngoái. Hiện nay, gia đình thường xuyên chăn nuôi khoảng 20 con lợn, vợ anh Thuật cũng mới tìm được việc làm ổn định ở một công ty trong huyện. Anh Thuật chia sẻ: Khi ra ở riêng cách đây 6 năm, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do thiếu đất trồng cấy và không có nghề làm thêm gì khác. Được cán bộ xóm thường xuyên đến nhà động viên, hướng dẫn và tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để mua lợn giống về chăn nuôi nên kinh tế nhà tôi ngày một khấm khá.

 

Xóm Làng Mới có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, đất sản xuất ít và manh mún (trung bình mỗi khẩu chỉ có khoảng 1 sào ruộng), trình độ thâm canh của người dân thấp, chăn nuôi nhỏ lẻ và tự phát… Đó là những nguyên nhân khách quan chủ yếu dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của xóm vài năm trước luôn rất cao. Bí thư Chi bộ Làng Mới Liêu Thị Hà cho biết: Bám sát nghị quyết và sự chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, trong sinh hoạt Chi bộ những năm gần đây, chúng tôi dành nhiều thời gian bàn về các giải pháp lãnh đạo công tác giảm nghèo. Vì vậy, các nghị quyết của Chi bộ đã sát thực và phát huy hiệu quả hơn trước rất nhiều. Nổi bật là từ năm 2014 đến nay, Chi bộ đã xây dựng nghị quyết, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế rừng và chuyển đổi giống chè trong xóm. Đặc biệt là nghị quyết về chăn nuôi gà thả vườn. Từ thực tế đa số hộ dân chưa quan tâm nhiều đến chăn nuôi theo hướng hàng hóa, trong khi giá lợn thịt bấp bênh khiến người nuôi nản chí, Chi bộ xác định việc lãnh đạo, khuyến khích chăn nuôi gà thả vườn là hướng đi phù hợp. Nghị quyết sát với điều kiện thực tế cùng với sự tiên phong của cán bộ, đảng viên khiến người dân hưởng ứng tích cực. Hiện trên 80ha đất lâm nghiệp của xóm đều được người dân trồng rừng sản xuất, chè cành đã chiếm khoảng 60% diện tích trên tổng số 20ha chè, nhiều hộ đã mạnh dạn nuôi gà thả vườn quy mô hàng trăm con… Số hộ nghèo của xóm giảm từ 45/77 năm 2011 xuống còn 17/86 hộ hiện nay.

 

Tương tự Làng Mới, các chi bộ nông thôn thuộc Đảng bộ xã Hợp Thành đã quan tâm lãnh đạo và đạt được kết quả rất tích cực trong công tác giảm nghèo. Điển hình như các Chi bộ: Khuân Lâm, Tiến Bộ, Tiến Thành, Phú Thành, Kết Thành… Bài học kinh nghiệm chung trong lãnh đạo công tác giảm nghèo của các chi bộ là việc xây dựng nghị quyết sát với thực tế, khắc phục tình trạng nghị quyết chung chung như ở giai đoạn trước. Huy động sự vào cuộc tích cực của Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong việc vận động, giúp đỡ các hộ nghèo, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên…

 

Để tạo được sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức đến các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo của cấp ủy từ xã đến xóm như gần đây, từ Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã Hợp Thành đã phân tích, nhìn nhận thẳng vào những hạn chế, khuyết điểm. Đó là việc xây dựng nghị quyết còn chung chung, thiếu sự sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, chưa phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác giảm nghèo. Từ đó, nghị quyết của Đảng bộ và các chi bộ cùng với việc xác định công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đã đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể hơn. Đồng chí Đỗ Quốc Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành cho biết: Để nghị quyết đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả, Đảng ủy xã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo cho từng chi bộ và các tổ chức đoàn thể, chỉ đạo UBND xây dựng các đề án, kế hoạch, phương án phát triển sản xuất khả thi.

 

Cụ thể hóa chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Hợp Thành đã xây dựng các kế hoạch, đề án phát triển sản xuất phù hợp với tình hình địa phương, tập trung vào các giải pháp trọng tâm, như: đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; phát huy tiềm năng kinh tế rừng; huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; triển khai hiệu quả các cơ chế hỗ trợ sản xuất cho người dân thuộc vùng 135 (trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm); kết nối, cung cấp thông tin, khuyến khích người lao động trong xã đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn (bình quân đạt hơn 50 người mỗi năm)… Những giải pháp tích cực này đã đem lại nhiều chuyển biến rất đáng ghi nhận. Điển hình như các giống lúa mới từ chỗ chỉ chiếm khoảng 20% diện tích vào năm 2012 tăng lên gần 70% hiện nay. Nhiều hộ dân đã cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả cho giá trị cao, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 15,5 triệu đồng/năm (chỉ tiêu đến hết năm 2015 là 10 triệu đồng)… Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 64% năm 2010 xuống chỉ còn 15,5% (theo chuẩn mới là trên 20%).

 

Nói về những thành tích giảm nghèo của xã Hợp Thành không thể không nhắc đến vai trò của các tổ chức đoàn thể ở đây. Dưới sự chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể của Đảng ủy xã, các đoàn thể đều xây dựng kế hoạch, rà soát để chọn những gia đình hội viên nghèo nhằm động viên, hỗ trợ họ phát triển kinh tế. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hợp Thành Lương Thị Quyến cho biết: Từ năm 2014, khi được Đảng ủy giao nhiệm vụ, mỗi năm chúng tôi chọn hơn 10 gia đình hội viên nghèo để giúp đỡ bằng cách tạo điều kiện cho họ vay vốn phát triển sản xuất (từ ngân hàng hoặc nguồn quỹ tiết kiệm của chi hội), đồng thời tư vấn sản xuất và giúp công lao động. 100% các hội viên được giúp đỡ đều đã thoát nghèo bền vững…

 

Xã Hợp Thành vẫn là địa phương thuộc vùng 135, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao hơn trung bình toàn huyện Phú Lương. Tiêu chí hộ nghèo và thu nhập (nằm trong số 5 tiêu chí nông thôn mới mà xã chưa đạt) vẫn đang là những thách thức. Điều đó đòi hỏi sự tiếp tục nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trong xã, trên cơ sở những giải pháp và kết quả đã đạt được vài năm qua.