Khi nghị quyết “thấm” vào cuộc sống

21:28, 24/06/2016

Nằm ven sông Cầu, xóm Thùng Ong và xóm Đá Gân của xã Đồng Liên (Phú Bình) được thiên nhiên ban cho dải đất phù sa màu mỡ để phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, ở xóm Thùng Ong còn có một phần diện tích đồi rừng rất thích hợp cho việc chăn nuôi gia cầm. Dựa vào những lợi thế đó, Đảng ủy xã Đồng Liên đã ban hành nhiều nghị quyết sát với thực tế nhằm từng bước hình thành vùng chuyên canh trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà đồi ở 2 xóm này.

Đến với xóm Thùng Ong và xóm Đá Gân, chúng tôi cảm nhận được sự trù phú, thanh bình của những vùng quê này. Đường trục xóm rộng thênh thang được bê tông phẳng phiu. Dưới soi, bãi dọc ven sông là màu xanh hút mắt của vườn cây ăn quả. Trên các sườn đồi là mô hình nuôi thả gia cầm quy mô lớn.

 

Bí thư Chi bộ xóm Thùng Ong Đặng Tiến Dũng dẫn chúng tôi tham quan các bãi táo của xóm, cho biết: Xóm Thùng Ong có địa hình thuận lợi, đất đai màu mỡ, chủ động được nguồn nước tưới tiêu, người dân lại mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, cây táo ở đây đã được một số hộ dân trồng cách đây 3-4 năm, cho hiệu quả kinh tế cao nên có thể khẳng định chất đất thích hợp với loại cây này. Tuy là xóm nằm ven sông nhưng Thùng Ong vẫn có một phần diện tích đất đồi khá lớn, trên đó người dân thường trồng các loại cây lấy gỗ hoặc cây vải, nhãn. Những năm 2009-2010, một số hộ dân đã sang tỉnh Bắc Giang để tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi gà đồi, sau đó về đầu tư chăn nuôi ngay tại quê nhà. Do được sinh sống trong không gian tự nhiên rộng rãi, có nhiều cây xanh nên gà nuôi trên đồi ít bị bệnh, thịt săn chắc, so với các loại gà nuôi nhốt trong các trại chăn nuôi thì giá bán bao giờ cũng cao hơn từ 30-40 nghìn đồng/kg. Chính những đặc điểm này đã giúp cho xóm Thùng Ong trở thành một trong hai xóm được xã Đồng Liên chọn làm điểm để xây dựng vùng chuyên canh trồng táo và chăn nuôi gà đồi.

 

Tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đồng Liên, nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi thấy Đảng bộ xã đã đề ra mục tiêu đến năm 2020: Đẩy mạnh phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông lâm nghiệp. Để thực hiện được các mục tiêu đó, sau đại hội, Đảng bộ đã chỉ đạo các chi bộ trực thuộc xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của chi bộ để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội khoá mới đề ra. Cụ thể, đối với xóm Thùng Ong và xóm Đá Gân, Nghị quyết nêu rõ: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

 

Từ định hướng của Đảng ủy xã Đồng Liên, Chi bộ xóm Thùng Ong đã tổ chức các kỳ sinh hoạt chuyên đề và ra nhiều nghị quyết về “Phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả”, “Thành lập mô hình Hợp tác xã táo, Hợp tác xã gà thả đồi”. Chi bộ đã chia 90 hộ của xóm thành thành 5 nhóm hộ, trung bình mỗi nhóm chi bộ phân công 3 đảng viên phụ trách tuyên truyền, vận động bà con dồn đổi các thửa đất canh tác manh mún trước kia thành những bãi đất rộng, liền kề để khi đưa cây táo vào trồng sẽ thuận tiện cho việc chăm sóc. Đối với các quả đồi cao thì tập trung chăn nuôi gia cầm. Trong các buổi sinh hoạt Chi bộ định kỳ hàng tháng, đảng viên báo cáo kết quả, tình hình ở khu vực mình phụ trách để nếu có khó khăn, vướng mắc thì chi bộ sẽ đưa ra thảo luận, tìm hướng giải quyết kịp thời. Ví dụ, có hộ dân khi đưa cây táo vào trồng thì phát hiện cây bị mắc một số loại sâu bệnh mà không biết chữa bằng cách nào. Sau khi Chi bộ nắm được thông tin, đã tìm đến những người có kinh nghiệm trồng táo lâu năm trong vùng để nhờ tư vấn hướng dẫn về cách nhận biết và phòng trừ các loại sâu bệnh.

 

Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, 100%  đảng viên trong Chi bộ đều gương mẫu thực hiện việc dồn điền đổi thửa và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đối với diện tích đất sản xuất của gia đình. Những đảng viên có điều kiện sản xuất cây, con giống sẵn sàng cung ứng trước cho các hộ dân sản xuất đến lúc thu hoạch mới phải trả tiền mà không tính lãi. Đảng viên Đặng Văn Hùng là một trong số đó. Ông Hùng cho biết: Ngay khi Chi bộ quán triệt chủ trương của Đảng ủy xã về chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tôi đã chuyển đổi trên 0,5ha đất trồng rau màu của nhà sang trồng cây táo. Đồng thời đến các hộ dân trong nhóm được Chi bộ giao cho phụ trách để vận động người dân chuyển đổi sang nuôi trồng những cây con có giá trị kinh tế cao hơn.

 

Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, xóm Thùng Ong đã dồn điền đổi thửa được 4ha đất, nâng diện tích đất trồng táo từ gần 1ha lên hơn 5ha, mô hình chăn nuôi gà đồi tăng từ 6 hộ lên 15 hộ. Xóm hiện đã thành lập được Hợp tác xã táo và Hợp tác xã gà đồi với tổng số hơn 50 hộ tham gia. Anh Vũ Duy Hưng, thành viên của Hợp tác xã gà đồi cho biết: Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở xóm, tôi đã tận dụng diện tích 300m2 đất đồi của gia đình để chăn nuôi gà. Trung bình mỗi lứa tôi nuôi 1.000 con, với giá bán giao động từ 75 nghìn đến 100 nghìn đồng/kg mỗi năm, trừ chi phí tôi lãi gần 200 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tích vốn để mở rộng diện tích nuôi gà trên những khu đồi khác của gia đình để có thể tăng đàn nhiều hơn.

 

Giống cách làm như ở Chi bộ xóm Thùng Ong, Chi bộ xóm Đá Gân cũng đề ra Nghị Quyết về “Phát triển diện tích trồng cây ăn quả tại xóm Đá Gân”. Quá trình triển khai, Chi bộ phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên, phụ trách theo dõi việc thực hiện ở từng nhóm hộ và có báo cáo cụ thể với chi bộ. Lúc đầu, nhiều hộ dân trong xóm còn phân vân về hiệu quả cây trồng nên ngại việc chuyển đổi, nhưng khi được cán bộ tuyên truyền, phân tích thiệt hơn thì đa số các hộ dân đã đồng tình ủng hộ. Hiện nay, xóm Đá Gân đã chuyển đổi thành công gần 10ha đất trồng rau màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Trong đó, diện tích trồng táo chiếm khoảng 4ha, còn lại là các loại cây khác như táo, ổi… Trò chuyện với những hộ dân trong xóm, chúng tôi nhận thấy đa số bà con cho rằng việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả sẽ cho thu nhập cao gấp 10 lần so với trồng lúa và cây màu. Ông Đào Duy Phiên, xóm Đá Gân cho biết: Cuối năm 2014, tôi chuyển đổi 0,9ha vườn bạch đàn sang trồng táo và một số cây ăn quả khác, qua 1 vụ thu hoạch riêng táo tôi đã được lãi gần 100 triệu đồng. So với trồng bạch đàn thì thu nhập vừa cao hơn vừa rút ngắn được thời gian thu hoạch.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Liên cho chúng tôi biết thêm: Mục tiêu chính mà Đảng ủy Đồng Liên hướng tới trong phát triển kinh tế ở nhiệm kỳ 2015-2020 là sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, trong đó trọng tâm là hoàn thành việc xây dựng vùng cây ăn quả và vùng chăn nuôi gà thả đồi. Năm 2015, Đảng ủy đã chỉ đạo thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa và chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Để tiếp tục xây dựng 2 vùng sản xuất chuyên canh, trong Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, Đảng ủy xác định một trong những nhiệm vụ chính là tập trung chỉ đạo xây dựng trạm bơm, đường giao thông xuống cánh đồng sản xuất cây ăn quả và đường vào các mô hình nuôi gà thả đồi ở xóm Thùng Ong.

 

Từ đầu năm đến nay, xã đã làm xong 300m đường bê tông. Trong đó xã trích ngân sách địa phương hỗ trợ 8 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đối ứng 50 triệu đồng. Tuyến đường vào các mô hình chăn nuôi gà thả đồi đã hoàn thành phần mặt bằng, dự kiến được bê tông trong tháng 7. Để khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích chăn nuôi, trồng cây ăn quả, Đảng ủy xã Đồng Liên chỉ đạo UBND xã tiếp tục tạo điều kiện làm thủ tục cho các hộ dân có nhu cầu được vay vốn ngân hàng; mở thêm các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức các cuộc thi trồng táo giỏi; xây dựng Đề án Phát triển cây ăn quả ở địa phương…

 

Đến nay, đã có khoảng 80 lượt hộ dân ở 2 xóm Đá Gân và Thùng Ong được vay vốn phát triển kinh tế, thông qua các tổ chức đoàn thể xã hội của xã. Đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người ở 2 xóm trên đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Cao hơn so với bình quân chung của xã là 3 triệu đồng và tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2015. Có thể thấy cuộc sống của bà con xóm Thùng Ong và Đá Gân đang đổi thay từng ngày, trong thành quả ấy có đóng góp không nhỏ của những nghị quyết hợp lòng dân.