Khó đạt tiêu chí giao thông do thiếu xi măng

15:54, 08/06/2016

Tân Khánh là 1 trong 4 xã điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở huyện Phú Bình. Theo kế hoạch, xã “về đích” từ năm 2015, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành tiêu chí giao thông do lượng xi măng được hỗ trợ chưa đủ để cứng hóa các tuyến đường.

Những ngày đầu tháng 6 này, chúng tôi có dịp đến xóm Tranh, 1 trong 4 xóm chưa làm được đường bê tông ở xã Tân Khánh. Tuyến đường trục xóm dài khoảng 2km, mặt đường rộng rãi nhưng vẫn là đường đất. Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng xóm cho biết: Trước đây, nhân dân trong xóm đi lại rất vất vả, khi trời mưa to thì nhiều đoạn đường chỉ có cách đi bộ, mặt đường cũng chỉ rộng khoảng 2-3m. Từ năm 2012, khi Chương trình XDNTM được triển khai thực hiện, bà con luôn mong chờ được Nhà nước hỗ trợ để đổ bê tông tuyến đường này. Bởi thế khi xóm tổ chức họp dân bàn về chuyện hiến đất mở rộng mặt đường, hầu hết các hộ đều nhất trí, ủng hộ. Trong vòng gần 1 năm, việc chuẩn bị mặt bằng đã xong, đường được mở rộng cả hai bên, đối với những đoạn lầy lội trước kia thì được rải sỏi cấp phối. Cả xóm có 60 hộ thì 30 hộ hiến đất làm đường (với tổng diện tích gần 5.000m2). Thế nhưng do lượng xi măng được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình XDNTM cấp về xã còn ít nên đến nay xóm Tranh vẫn chưa đến lượt được hỗ trợ...

 

Rời xóm Tranh, chúng tôi đến Na Muôi - một xóm đặc biệt khó khăn của xã Tân Khánh, với hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều. Toàn bộ các tuyến đường giao thông ở đây vẫn là đường đất. Trưởng xóm Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Năm 2013, thực hiện Chương trình XDNTM, người dân xóm Na Muôi đã đóng góp công sức mở rộng mặt đường để sẵn sàng đổ bê tông, nhưng từ đó đến nay vẫn phải chờ nguồn xi măng được Nhà nước hỗ trợ. Do địa hình dốc núi, sau mỗi trận mưa, đất đá trên đường thường bị cuốn trôi tạo thành những “ổ trâu”, “ổ voi” nên hầu như năm nào xóm cũng phải vận động bà con đóng góp từ 100-200 nghìn đồng/nhân khẩu để đầu tư san lấp lại mặt đường...

 

Trao đổi với chúng tôi về việc thực hiện tiêu chí giao thông ở địa phương, ông Đỗ Hữu Hạ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Khánh cho biết: Thực hiện Chương trình XDNTM, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết về làm đường giao thông nông thôn. Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, xã đã ưu tiên cho những xóm có đông dân cư, tập trung nhiều trang trại và có khả năng đối ứng cao để làm đường trước, những xóm dân cư thưa thớt, chưa có mặt bằng hoặc kinh tế chưa phát triển thì làm sau để người dân có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, do địa bàn xã quá rộng, gấp 2-3 lần so với những xã điểm khác của huyện Phú Bình nên với lượng xi măng cung ứng về địa phương là 500-600 tấn/năm vẫn chỉ như “muối bỏ bể”, mỗi năm xã chỉ làm được từ 2-3km đường bê tông. Hiện nay, toàn xã có 90,7km đường giao thông các loại, trong đó tỷ lệ cứng hóa của đường liên xã mới đạt 9,07km, tương đương với 64%, đường trục xóm là 3,87km, tương đương với 32%, đường ngõ xóm là 13,9km, tương đương với 40%, đường nội đồng còn gần 30km chưa được cứng hóa, tương đương với 0%. Tất cả các loại đường này đều chưa đạt được quy định đề ra đối với tiêu chí giao thông nông thôn mới. Theo quy định, xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông phải có 100% đường liên xã và 50% đường trục xóm, ngõ xóm, nội đồng được cứng hóa. Vậy để đạt được tiêu chí này, xã Tân Khánh còn phải làm được ít nhất từ 27km đường bê tông các loại trở lên và cần phải có khoảng 40.000 tấn xi măng nữa. Hiện tại, xã có 25 xóm thì còn 4 xóm chưa làm được đường bê tông là xóm Na Muôi, Cầu Cong, Đồng Tiến 1 và xóm Tranh, những xóm này đã làm xong mặt bằng, người dân sẵn sàng đối ứng kinh phí nhưng cũng vẫn phải chờ xi măng ở trên cấp về. Các xóm khác tuy đã có đường bê tông nhưng chưa phải đã cứng hóa được 100% các tuyến.

 

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện nay, nguồn xi măng cung ứng cho các xã điểm về XDNTM đều bằng nhau, do vậy đối với những xã có địa hình rộng như Tân Khánh bị gặp khó khăn trong việc hoàn thành tiêu chí về giao thông là điều dễ hiểu. Trong khi đó, ngân sách của huyện, xã thì hạn chế, không có nguồn để hỗ trợ cho các địa phương làm đường. Ông Lê Xuân Bẩy, Phó Ban Chỉ đạo về XDNTM huyện Phú Bình cho biết: Lượng xi măng phân bổ về các địa phương huyện không được quyết định, đối với trường hợp ở xã Tân Khánh, huyện đã linh động làm việc với đơn vị cung ứng xi măng để tạm thời ứng trước nguyên liệu cho địa phương làm đường. Tuy nhiên số lượng cũng không nhiều, mỗi năm chỉ được gần 300 tấn, tương đương với hơn 1km đường giao thông. Nếu như có sự điều chỉnh mức hỗ trợ xi măng, kinh phí thực hiện tiêu chí này đối với những xã vùng sâu vùng xa, có địa bàn rộng thì tình trạng thiếu xi măng sẽ được cải thiện hơn.