Phát triển nông nghiệp đáp ứng yêu cầu mới: Tăng trưởng trong điều kiện khó khăn (Bài 1)

16:12, 29/06/2016

Trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp đòi hỏi phát triển ngày càng cao cả về chất và lượng thì việc có những định hướng mới, hành động thiết thực để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực này là rất quan trọng. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn, tạo đà tăng trưởng, ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh đang đặt ra những chiến lược phát triển mang tính dài hạn, chất lượng và bền vững.

Những năm gần đây, điều kiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn do sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp - PTNT vẫn duy trì nhịp độ sản xuất ổn định, bảo đảm sức tăng trưởng cần thiết, đáp ứng yêu cầu đề ra. Kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những tháng đầu năm nay chính là một minh chứng rõ nét.

 

Đến các xã Bản Ngoại, Phú Xuyên, Phú Thịnh (Đại Từ) vào một ngày cuối tháng 6 này, nắng như đổ lửa, nhưng đi dọc trên những cánh đồng, chúng tôi vẫn chứng kiến khung cảnh bà con nông dân đang tất bật thu hoạch lúa xuân và làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm nắng, chị Hà Thị Thu, ở xóm Phố, xã Phú Thịnh, không giấu nổi niềm vui: Vụ xuân năm nay nhà tôi cấy 9 sào lúa. Do được phòng trừ sâu bệnh kịp thời, cung cấp nước tưới dưỡng và bón phân đầy đủ nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạt trĩu bông, năng suất đạt khoảng 2,2 tạ/sào. Không cho đất nghỉ, thu hoạch xong lúa xuân, gia đình tôi lại khẩn trương làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa cho kịp thời vụ…

 

Đánh giá về sản xuất vụ xuân năm nay trên địa bàn tỉnh, ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: 6 tháng đầu năm thời tiết diễn biến phức tạp. Đầu vụ xuân thời tiết ấm, cuối vụ rét đậm, rét hại kéo dài, rồi hạn cục bộ, giông lốc, mưa đá xảy ra tại một số khu vực, rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện gây hại trên cây lúa vào cuối vụ là những khó khăn mà bà con nông dân phải đối mặt. Để khắc phục những khó khăn, bất lợi nêu trên, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất, UBND tỉnh còn thành lập nhiều đoàn công tác đến kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ những khó khăn cụ thể cho từng địa phương. Đồng thời, quan tâm triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, bình ổn giá, đặc biệt là giá vật tư nông nghiệp. Bởi giá cả các loại vật tư ổn định là một trong những yếu tố quan trọng để nhà nông giảm bớt chi phí đầu vào. Mặt khác, ngành Nông nghiệp - PTNT cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp. Nhờ vậy, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân toàn tỉnh vẫn đạt 65.930 ha, đạt 106,6% kế hoạch; trong đó, diện tích cây lương thực có hạt là 45.619 ha, cây rau màu các loại đạt 20.311 ha. Sản lượng lương thực có hạt đạt 230.322 tấn, đạt 52,9% kế hoạch năm. Nông dân toàn tỉnh phấn khởi bởi lúa xuân năm nay được mùa.

 

Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng tăng mạnh nhờ các chính sách của tỉnh cũng như giá cả thị trường tương đối ổn định. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Do làm tốt công tác tiêm phòng nên từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn vật nuôi phát triển tốt, sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 81 nghìn tấn, đạt 75% kế hoạch năm, giá bán sản phẩm cũng tăng 2,8% so với quý IV năm 2015. Giá thức ăn chăn nuôi tương đối ổn định và có xu hướng giảm so với đầu năm nên người chăn nuôi có lãi, đạt hiệu quả cao hơn cùng kỳ năm trước.

 

Để góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà, Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã tổ chức các chương trình xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với một số tỉnh bạn. Qua đó, các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: gà đồi Phú Bình, chè Tân cương, rau an toàn, thịt lợn an toàn... đã được các siêu thị lớn ở Hà Nội nhập và phân phối.

 

Nhờ sự chủ động, năng động trong ứng phó, khắc phục khó khăn của chính quyền các cấp cũng như người dân đã tạo nên dấu ấn đậm nét trong sản xuất nông, lâm nghiệp 6 tháng đầu năm. Cụ thể: tổng sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,6%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 6.456 tỷ đồng, bằng 59,4% kế hoạch năm, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tăng trưởng trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo sự ổn định và phát triển ở khu vực nông thôn, làm nền tảng vững chắc thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

 

Có thể thấy, thắng lợi trong sản xuất vụ đông xuân năm nay là động lực rất lớn để bà con nông dân trong tỉnh yên tâm, phấn khởi bước vào sản xuất vụ mùa. Trong vụ mùa này, các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao tiếp tục được khuyến khích đưa vào sản xuất. Việc hỗ trợ giá giống lúa lai, ngô lai, lúa thuần được triển khai thực hiện có hiệu quả. Diện tích chè tiếp tục được chuyển đổi giống mới và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, với tác động tích cực của chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, một số doanh nghiệp đã khảo sát đầu tư sản xuất nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể nêu dẫn chứng cụ thể như Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc. Đơn vị này đã mạnh dạn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng để xây dựng Trang trại nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) với quy mô 23ha. Dự án được xây dựng trên cơ sở liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Hiện, doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, phấn đấu hoàn thành và có sản phẩm vào cuối năm 2016.

 

Theo ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT: Phát huy những kết quả đã đạt được, những tháng cuối năm, ngành xác định tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho nông dân…