Rộn ràng mùa gặt

16:25, 09/06/2016

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trong tỉnh đang khẩn trương xuống đồng thu hoạch lúa xuân để chuẩn bị làm đất gieo cấy lúa mùa. Đi trên những cánh đồng trong nắng hè oi ả, chúng tôi thấy bà con đang hối hả chở lúa về nhà với gương mặt tươi cười, phấn khởi vì lúa xuân năm nay được mùa.

Đến cánh đồng xóm 7, xã Phú Xuyên (Đại Từ), chúng tôi bắt gặp khung cảnh người cắt lúa, người vác, chở thóc thật đông vui, nhộn nhịp. Cả cánh đồng ngập tràn màu vàng óng ả của lúa chín hòa cùng hương thơm nồng của thóc mới. Những bao thóc được chất cao trên các bờ ruộng. Mặc dù trời nắng như đổ lửa nhưng nét mặt ai nấy đều hân hoan. Ông Lương Văn Khoa, người dân xóm 7, xã Phú Xuyên phấn khởi chia sẻ: Vụ này, nhà tôi cấy 6 sào ruộng. Do chủ động được nguồn nước tưới, cộng với quan tâm theo dõi tình hình dịch bệnh để phun phòng trừ kịp thời và bón phân đầy đủ nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước đạt 2,2 tạ/sào, cao hơn năm ngoái 0,4 tạ/sào. Đây là vụ xuân được mùa nhất từ trước tới nay, bà con chúng tôi ai cũng phấn khởi. Sau khi thu hoạch xong, gia đình tôi sẽ bắt tay vào chuẩn bị sản xuất vụ mùa.

 

Trên cánh đồng thuộc tổ 13, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) những ngày này, bà con nông dân cũng đang tập trung thu hoạch lúa mùa. Bà Nhữ Thị Hường, một hộ dân trong tổ cho biết: Vào thời điểm lúa đang trong giai đoạn chắc xanh, đỏ đuôi, 5 sào lúa nhà tôi bị nhiễm rầy nâu. Cũng may do tích cực thăm đồng và phun thuốc phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên không bị ảnh hưởng đến năng suất. Với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”, đến ngày thu hoạch, chúng tôi thuê máy tuốt lúa, vừa nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm công lao động mà chi phí cũng không cao.

 

Còn tại T.X Phổ Yên, đến thời điểm này, bà con cũng đã thu hoạch được trên 80% diện tích. Anh Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã cho biết: Vụ xuân vừa qua, Thị xã gieo cấy 4.450ha lúa. Kết quả thăm đồng của Phòng Kinh tế và các phòng chuyên môn cho thấy, năng suất lúa xuân năm nay của toàn Thị xã đạt 54,31 tạ/ha, cao hơn năm ngoái 2 tạ/ha; trong đó, một số giống lúa lai đạt 70 tạ/ha như: TH3-5, TH3-4, SYN6, THB71, BTE1... Hiện, chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc thu hoạch lúa vụ xuân để sớm triển khai sản xuất vụ mùa, tạo quỹ đất trồng cây vụ đông.

 

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 30 nghìn ha lúa. Thời điểm này, một số địa phương trong tỉnh đã bắt đầu thu hoạch rộ như: Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ, T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên... Để tiết kiệm chi phí trong khâu thu hoạch, nhiều gia đình tự gặt lúa, sau đó thuê tuốt với giá 40 nghìn đồng/sào. Còn nếu thuê trọn gói máy gặt đập liên hợp, dù đỡ vất vả, nhưng phải tốn đến 130.000 đến 150.000 đồng/sào, tùy theo chân ruộng sâu hay cạn. Anh Lưu Văn Nghĩa, ở xóm Núi Hột, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết:  Trước đây, khi những chiếc máy gặt đập liên hợp chưa phổ biến, ngày mùa về, chúng tôi phải làm hết các công đoạn như: Cắt lúa, bó lúa, gom lúa rồi mới mang cho vào máy tuốt lúa đạp bằng chân. Giờ có máy cày bừa, máy gặt đập liên hợp, công việc của chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn, ngoài ra còn giảm được lượng thóc rơi vãi trong khi thu hoạch.

 

Theo ông Lương Văn Vượng, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ xuân năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, liên tục có mưa phùn, ít nắng, độ ẩm không khí cao dẫn đến một số đối tượng sâu bệnh hại lúa như: đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy... phát sinh với mức độ gây hại cao hơn so với các năm trước. Mặc dù vậy, nhờ thực hiện các khâu chăm sóc đúng lịch thời vụ như khuyến cáo và sử dụng các giống lúa năng suất cao, cũng như thực hiện tốt công tác phòng, trừ sâu bệnh nên năng suất và chất lượng lúa được giữ vững. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 50% diện tích với năng suất bình quân ước đạt 53,47 tạ/ha, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

 

Hiện nay, cùng với việc thu hoạch lúa xuân, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực chỉ đạo, hướng dẫn bà con bắt tay chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ mùa 2016. Đồng thời, khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến một số đối tượng dịch hại chính trên lúa mùa cuối vụ như rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, chuột và các đối tượng dịch hại trên cây trồng. Cùng với đó là đôn đốc, hướng dẫn nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng phòng ngừa dịch hại chuyển vụ.