Tân Thịnh tập trung vào “mũi nhọn” nhằm bứt phá

17:08, 06/06/2016

Xã Tân Thịnh (Định Hóa) có tiềm năng đất rừng rất lớn và lợi thế đó đã được phát huy khá tốt trong vài năm trở lại đây. Đúng 1 năm trước, tại Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Tân Thịnh xác định mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Đảng bộ cũng đề ra chủ trương chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, đưa cây quế vào trồng đại trà nhằm nâng cao giá trị.

Khuổi Lừa là một trong những xóm sâu xa nhất của xã Tân Thịnh (cách trung tâm xã khoảng 10km) và cũng là nơi phát triển kinh tế rừng mạnh nhất. Xóm chỉ có 7ha ruộng, trong khi tổng diện tích đất lâm nghiệp là 284ha, 44 hộ trong xóm đều có đất rừng và trồng rừng sản xuất. Xác định rõ thế mạnh nên những năm gần đây, Chi bộ Khuổi Lừa đã tập trung lãnh đạo, khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng sản xuất. Đảng viên, Trưởng xóm Khuổi Lừa Bùi Công Xuyên chia sẻ: Nhiệm vụ và những giải pháp phát triển kinh tế rừng luôn được Chi bộ bàn sâu trong các cuộc họp, điển hình là việc triển khai chủ trương trồng cây quế từ đầu năm nay. Khi có chỉ đạo từ cấp trên, Chi bộ họp bàn kỹ lưỡng, xác định đây là loại cây mới đối với địa phương nên cần tích cực tuyên truyền để người dân tin tưởng đăng ký trồng. Đồng thời chỉ đạo họp xóm và họp các đoàn thể nhằm tuyên truyền, phổ biến về tiềm năng cũng như các cơ chế hỗ trợ đối với người trồng quế.

 

Vốn đã có nhận thức và kinh nghiệm về kinh tế rừng cùng với sự tuyên truyền và gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xóm, người dân Khuổi Lừa rất tích cực đăng ký trồng quế theo Dự án của huyện, với tổng diện tích 66ha (nhiều nhất xã). Ngoài ra, trong mùa trồng rừng năm nay, người dân Khuổi Lừa cũng đăng ký và đang triển khai trồng khoảng 50ha cây keo thay thế vào những diện tích rừng vừa khai thác. Gia đình chị Nguyễn Thị Mai có 30ha đất rừng, cuối năm 2015, khai thác 10ha keo và cây sấu thu được khoảng 400 trăm triệu đồng, đã dành để tái đầu tư trồng 8ha quế và mở 1 xưởng bóc ván. Chị Mai nói: Tôi chưa hiểu nhiều về cây quế nhưng khi được cán bộ tuyên truyền, giải thích và thấy họ làm trước nên mạnh dạn trồng đại trà loại cây này…

 

Trưởng xóm Làng Ngõa, ông Bùi Công Toàn là người đầu tiên trong xóm thấy rõ giá trị và mạnh dạn đầu tư trồng rừng. 20 năm trước, ông Toàn đã tự tin trồng 1.000 cây quế, sau đó mua keo và mỡ trồng trên toàn bộ diện tích 5ha đất rừng của nhà. Gần đây, khi khai thác rừng, đặc biệt là cây quế thấy lợi ích lớn, ông Toàn đầu tư thêm vào kinh tế rừng (xây dựng vườn ươm quy mô 20 vạn cây giống), đồng thời tích cực tuyên tuyền để mọi người trong và ngoài xóm làm theo. Ông đã được xã mời tham gia nhiều hội nghị để tuyên truyền cho người dân thấy tiềm năng lớn của cây quế. Năm nay, người dân xóm Làng Ngõa đăng ký trồng 3ha cây quế theo Dự án của huyện, số diện tích trồng tự phát, phân tán đạt khoảng 6ha, ngoài ra bà con đã trồng 15ha keo thay thế những chỗ mới khai thác…

 

 Xã Tân Thịnh nằm trong số những địa phương có diện tích đất rừng lớn của huyện Định Hóa với 5.368ha. Địa hình phần lớn là núi đất không quá cao nên rất phù hợp cho trồng rừng. Theo đồng chí Vũ Trọng Trịnh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thịnh, tiềm năng phát triển kinh tế rừng của xã rất lớn nhưng cách đây khoảng 10 năm trở về trước gần như bị “lãng quên”, người dân chủ yếu trồng cây manh mún hoặc chỉ quan tâm khai thác những sản vật từ rừng tự nhiên để phục vụ nhu cầu trước mắt. Dần dần, cùng với công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con ngày càng thấy rõ giá trị kinh tế của rừng. Diện tích rừng trồng của xã liên tục tăng và thường vượt chỉ tiêu cấp trên giao (từ năm 2011 đến 2015, cả xã trồng mới được 457,6ha rừng). Từ thực tế đó, tại Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã xác định mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, coi đó là “mũi” đột phá của địa phương; phấn đấu mỗi năm trồng trên 300ha rừng, đến năm 2020 toàn xã có 1.500ha rừng nguyên liệu.

 

Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2016 của Đảng ủy xã đã bước đầu hiện thực hóa chủ trương này bằng việc đề ra các giải pháp và chỉ tiêu cụ thể, như trồng 180ha rừng vào toàn bộ diện tích mới khai thác, riêng cây quế đạt 90ha trở lên… Nghị quyết nhấn mạnh việc đưa cây quế vào trồng đại trà thay thế các cây lâm nghiệp khác cho giá trị thấp hơn. Tại cuộc họp Ban Chấp hành mở rộng vào tháng 1 vừa qua, Đảng ủy xã đã giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc và tất cả các đoàn thể của xã cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân trồng và chăm sóc rừng, đặc biệt là đăng ký trồng cây quế. Trong các cuộc họp dân, lãnh đạo xã bố trí thời gian đến dự để tuyên truyền, phổ biến về cơ chế hỗ trợ trồng quế và các dự án trồng rừng khác. Đồng thời, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch trồng rừng năm 2016, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân làm thủ tục khai thác những diện tích rừng đã đến thời kỳ thu hoạch để trồng thay thế; khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…

 

Cán bộ, đảng viên từ xã đến xóm được quán triệt gương mẫu tiên phong làm trước để người dân tin tưởng làm theo. Đồng chí Nông Đình Chỉnh, Đảng ủy viên phụ trách Chi bộ Nà Lèo và Làng Nải cho biết: Ngoài việc trực tiếp chỉ đạo các chi bộ và tuyên truyền, vận động người dân, tôi đã sớm đăng ký trồng 3,4ha quế thay thế diện tích vừa khai thác cây keo. Nhiều người dân thấy vậy đã làm theo.

 

Chủ trương đúng hướng, quan tâm đến công tác tuyên truyền và sự tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên đang là những yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế rừng ở xã Tân Thịnh. Đến thời điểm này, toàn xã đã đăng ký và đang tiến hành trồng trên 200ha rừng các loại, riêng cây quế đạt khoảng 150ha, nhiều nhất huyện Định Hóa và vượt xa kế hoạch ban đầu (chưa kể 28,2ha quế đã trồng năm trước). Xã Tân Thịnh hiện còn gần 55% hộ nghèo và cận nghèo, mới đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng tiềm năng và sự phát triển khá mạnh về kinh tế rừng đang mở ra triển vọng bứt phá cho địa phương khó khăn này.