Triệu phú trang trại trên đất phố

08:30, 26/06/2016

Với sự mạnh dạn, quyết tâm làm giàu, từ một trang trại gà gia công có quy mô trên 30.000 con/năm, đến nay, anh Nguyễn Đình Luyến, tổ dân phố Ao Ngo, phường Cải Đan (T.P Sông Công) đã là chủ của mô hình kinh tế VAC, trong đó có 3 trang trại gà gia công với quy mô trên 100.000 con/năm, trung bình mỗi năm cho thu nhập hằng trăm triệu đồng.

Trong khuôn viên rộng gần 1ha, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Luyến. Khu trang trại chăn nuôi gà, ba ba, lợn, vườn cây ăn quả được anh “quy hoạch” rất khoa học. Trang trại gà được xây kín, mái lợp tôn, bên trong lắp đặt hệ thống quạt thông gió, máy sưởi theo đúng quy chuẩn chăn nuôi khép kín. Bao quanh trang trại gà là vườn cây xanh, trên 300 gốc bưởi, nhãn; khu chăn nuôi lợn được đặt cách xa nhà ở, hệ thống hầm biogas xử lý chất thải được bố trí hợp lý.

 

Anh Luyến được biết đến là một trong những người đầu tiên trên địa bàn thành phố mạnh dạn xây dựng trang trại chăn nuôi gà theo hướng gia công với quy mô 7000 con/lứa. Năm 2003, sau khi được người bạn giới thiệu và được đến tham quan các trang trại gà gia công của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, anh đã vay mượn người thân và mạo hiểm thế chấp ngôi nhà 2 tầng vừa mới xây năm 2001. Gom góp được 270 triệu đồng, anh xây dựng 1 trang trại rộng trên 450m2 tại xã Tân Quang (nay là tổ dân phố Tân Dương, phường Bách Quang). Đi theo hướng này, người chăn nuôi như anh Luyến được Công ty cung cấp toàn bộ con giống, hỗ trợ thức ăn công nghiệp, thuốc chữa bệnh và hướng dẫn kỹ thuật. Khi xuất bán, Công ty CP sẽ thu mua toàn bộ và trả công cho gia đình anh khoảng 2.500 đồng-3.000 đồng/kg. Nhờ ham học hỏi, nắm bắt nhanh kỹ thuật chăn nuôi mà các lứa gà của anh đều phát triển tốt, không mắc dịch bệnh. Thời điểm đó, mỗi lứa gà gia đình anh thu lãi trên 15 triệu đồng, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu về trên 70 triệu đồng.

 

Năm 2008, sau khi trả được hết vốn ban đầu, thấy việc chăn nuôi ổn định, anh Luyến đã đầu tư xây dựng thêm 2 trang trại gà gia công tại Tổ dân phố Ao Ngo, phường Cải Đan và chuyển cả gia đình về định cư tại đây. Được biết, ngoài xây dựng 2 khu trang trại nuôi gà gia công với quy mô 8.000 con/trang trại/lứa, anh Luyến còn đào ao và nuôi thả hơn 1.000 con giống ba ba thương phẩm. Với giá bán trung bình từ 200.000 - 380.000/1kg, ba ba cũng đem lại cho gia đình anh nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Không dừng lại ở đó, đến đầu năm nay, anh Luyến còn nuôi thêm 3 con lợn nái, 10 con lợn thịt... Anh Luyến bảo, khu chuồng này trước nuôi nhím, giờ tôi sửa lại để nuôi lợn, tận dụng nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, nhiệt năng để sưởi ấm cho trại gà trong mùa đông tới.

 

Nhìn vào cơ ngơi, những thành quả mà anh có được từ chăn nuôi, khó ai đoán được trước kia, khởi nghiệp chính của anh là nghề mộc. Đến với chăn nuôi  thực sự như một cái duyên, anh Luyến tâm sự: Sinh ra và lớn lên ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, có nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, ngay từ năm 16 tuổi, tôi đã học và theo nghề này. Năm 1990, 24 tuổi, hoàn thành nghĩa vụ quân sự tôi đến Thái Nguyên nơi bố tôi đang công tác. Xây dựng gia đình ở đây, tôi cùng vợ mở xưởng mộc, thuê 4 thợ phụ.  Mức thu nhập tuy khá xong không ổn định, lại vất vả, bụi bặm. Khi thấy mô hình chăn nuôi gà gia công có hướng phát triển, ít rủi ro lại không vất vả như làm mộc, tôi đã mạnh dạn tham gia. Từ đó, vợ tôi chuyển sang giúp tôi làm trang trại, tôi vẫn làm tại xưởng mộc. Ôm đồm cả 2 công việc nên không có điều kiện chăm sóc chu đáo do đó lứa gà đầu tiên chậm lớn, năng suất không đạt theo như thỏa thuận với Công ty. Sau khi nhẩm tính, thấy việc làm mộc làm giảm hiệu quả kinh tế, tôi quyết định dừng hẳn xưởng, 2 vợ chồng chuyên tâm dồn sức cho trang trại. Từ đó, mỗi năm trang trại gà này cũng đem lại cho gia đình tôi nguồn thu từ 200-300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng, đồng thời tạo iệc làm thời vụ cho 8 lao động khác.