Những năm qua, người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”, trong đó có phong trào “NCT làm kinh tế giỏi”. Bằng kinh nghiệm và sự tích cực của mình, nhiều cụ đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo chân ông Ngô Doãn Thinh, Chủ tịch Hội NCT xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của ông Phạm Đắc Suất ở xóm Gò Chè. Ngôi nhà nằm giữa vườn thanh long rộng, xanh mát. Chỉ cho chúng tôi về thành quả lao động của mình, ông Suất bảo: Phía trước nhà là trụ thanh long tôi trồng đầu tiên từ năm 2010. Chỉ từ 1 trụ đó, tôi đã học hỏi thêm kỹ thuật trồng và chăm sóc rồi tự nhân giống thành vườn thanh long rộng hơn 5.000m2 với hơn 300 gốc như hiện nay. Ông Suất năm nay đã 70 tuổi, tuy không còn khoẻ mạnh do ảnh hưởng của di chứng chất độc màu da cam, nhưng 2 vợ chồng ông vẫn ngày ngày miệt mài lao động, chăm sóc cho vườn cây thanh long của gia đình sum suê trái ngọt. Bà Trần Thị Tích, vợ ông Suất kể: Từ vườn cây này, mỗi năm gia đình tôi thu được trung bình từ 80-100 triệu đồng. Ngoài bán quả, vợ chồng tôi còn cung cấp thanh long giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho bà con. Năm nay, ngoài thanh long, gia đình đã trồng thêm gần 30 gốc nhãn và hơn 20 gốc hồng xiêm, các loại cây ăn quả này nhiều năm sau vẫn cho thu hoạch, có thể để lại cho con cháu.
Còn đối với ông Nguyễn Xuân Kháng, hội viên NCT xã Thanh Ninh (Phú Bình), thì NCT cũng có lợi thế riêng của mình. Ông bảo: Mình già rồi sức khoẻ không bằng lớp trẻ nhưng kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống lại nhiều hơn. Những việc nặng nhọc nếu không đủ sức thì có thể nhờ con cháu, sống ở nông thôn không thể dựa dẫm mãi vào các con được. Chẳng thế mà dù đã gần 70 tuổi, ông Kháng vẫn học cách sử dụng máy vi tính, Internet để tìm hiểu những kiến thức khoa học áp dụng vào chăn nuôi. Hiện, ông đang làm chủ một gia trại chăn nuôi cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm với trên 200 con gà chọi, gần 100 con thỏ, hơn 350 đôi chim bồ câu lai Pháp, 200 con ngan, 2 con bò và nuôi lợn thịt.
Nói về phong trào “NCT làm kinh tế giỏi” ở địa phương, ông Hoàng Quốc Hiếu, Chủ tịch Hội NCT xã Sơn Cẩm (Phú Lương) chia sẻ: Tuy tuổi đã cao nhưng trong các buổi sinh hoạt của Hội NCT xã không bao giờ thiếu những chủ đề về phát triển kinh tế. Các cụ cao niên trong xã vẫn thường trao đổi với nhau kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để đưa những cách làm hay vào phát triển mô hình kinh tế của gia đình. Để giúp hội viên phát triển kinh tế, chúng tôi đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ như tín chấp cho hội viên vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư nông nghiệp. Hội cũng đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã thành lập được 19 câu lạc bộ Liên thế hệ giúp nhau làm kinh tế với 862 thành viên tham gia (trong đó có 65% là NCT). Câu lạc bộ hiện có trên 500 triệu đồng tiền vốn, số vốn này hàng năm câu lạc bộ đều cho hội viên vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, hiện toàn xã chỉ còn 1,8% hộ nghèo, không còn nhà dột nát, đời sống của NCT được cải thiện.
Ông Nguyễn Ngọc Yến, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: Khoảng 60% trong số 126.000 NCT trên địa bàn tình là chủ gia đình, trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Tuy sức khoẻ suy giảm nhưng nhờ đức tính cần cù, chịu khó cùng với kinh nghiệm trong lao động, sản xuất các cụ vẫ tích cực làm kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 2.000 NCT được bình xét là làm kinh tế giỏi; 446 NCT là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh với thu nhập hàng năm từ 100-250 triệu đồng. Không chỉ trực tiếp tham gia sản xuất, bằng vốn sống và khả năng của mình, nhiều NCT đã mở cưởng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Có thể nói, phong trào “NCT làm kinh tế giỏi” thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm hộ nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của chính NCT và nhân dân nói chung. Từ phong trào “NCT làm kinh tế giỏi” có thể thấy, NCT dù ở vị trí nào, làm công việc gì vẫn luôn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là “Cây cao bóng cả”, là tấm gương sáng trong gia đình và cộng đồng dân cư. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa trong việc chăm sóc và phát huy vai trò của NCT, giúp các cụ có điều kiện sống vui, sống khoẻ và sống có ích.