Hỗ trợ nông dân thi đua làm giàu

11:15, 22/07/2016

Với phương châm mỗi hội viên là một hạt nhân tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, Hội Nông dân T.X Phổ Yên đã có nhiều cách làm nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đồng thời qua đó thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trong các tổ chức cơ sở hội.

Hội Nông dân T.X Phổ Yên hiện có trên 21.000 hội viên, sinh hoạt ở 311 chi hội. Xác định phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nên những năm qua, Hội Nông dân T.X Phổ Yên phát động sâu rộng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tới các chi hội và đến tận hội viên, nông dân. Hằng năm, tổ chức Hội cho hội viên đăng ký thi đua phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; bình xét chọn ra những đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi để tôn vinh, nêu gương.

 

Nhằm tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, những năm qua, Hội đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho nông dân vay vốn mua sắm tư liệu, công cụ sản xuất. Cùng với đó, các hội viên cũng được tạo điều kiện vay tiền từ nguồn quỹ Hội để phát triển sản xuất, với tổng số tiền khoảng 1,7 tỷ đồng đã giúp trên 800 lượt hộ hội viên vay. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp huyện cung ứng vật tư nông nghiệp theo phương thức bán hàng đầu tư ứng trước gần 700 tấn phân bón và trên 15 tấn giống các loại đảm bảo cho hội viên nông dân đầu tư thâm canh kịp thời vụ và mở rộng sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ hội viên đã đầu tư các mô hình sản xuất có hiệu quả. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên, xóm Chằm 7, xã Minh Đức trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã. Làm nghề nông, nhưng gia đình anh Tuyên lại không có nhiều đất canh tác, chỉ có khoảng 1.700m2 đất vườn tạp, và 800m2 đất cấy lúa. Năm 2008, được Hội đứng ra tín chấp Ngân hàng cho vay vốn, gia đình anh đã đầu tư mô hình chăn nuôi gà thương phẩm với quy mô 100 con, đồng thời, chăn thả cá và cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả như: nhãn, bưởi Diễn… Nhờ đó, kinh tế gia đình anh đã dần khấm khá lên. Hiện nay, gia đình anh Tuyên duy trì chăn nuôi với quy mô 2.000 con gà đẻ trứng và 500 con gà thương phẩm. Từ mô hình này, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi 200 triệu đồng.

 

Không chỉ tạo điều kiện cho hội viên có vốn đầu tư sản xuất, nhằm giúp hội viên nâng cao kiến thức, thay đổi tư duy làm kinh tế, Hội đã phối hợp với các đơn vị như: Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm Hội Nông dân tỉnh, Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên, Trạm Khuyến nông, Hội làm vườn… mở các lớp tập huấn. Tính từ năm 2011 đến nay đã có 290 lớp học nghề được mở với gần 8.400 học viên tham gia. Số nghề được đào tạo là 24 nghề trong đó nghề phi nông nghiệp là gần 6.000 học viên, nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản là trên 2.400 hội viên. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp và tạo các nghề mới trong nông thôn cũng như nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài mở các lớp học nghề, Hội cũng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho trên 20.000 lượt hộ hội viên tham dự. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng xây dựng trên 20 mô hình trình diễn và khảo nghiệm, thâm canh giống lúa, ngô, giống cây màu… có giá trị kinh tế cao, mô hình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, thâm canh chè…

 

Cũng nhờ được tập huấn, gia đình chị Đặng Thị Thạch, ở xóm Ruộng, xã Đắc Sơn từ chỗ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đã mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi lợn kết hợp kinh doanh tổng hợp. Năm 2012, chị đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 190 con lợn thịt, từ đó đều đặn một năm chị chăn 3 lứa, bán được gần 700 triệu đồng/lứa. Cùng với chăn nuôi lợn, chị còn kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi vừa phục vụ đàn lợn của gia đình và vừa bán cho người dân địa phương. Từ mô hình này, mỗi năm trừ chi phí gia đình chị thu gần 300 triệu đồng.

 

Qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã phát huy được các nguồn lực, tiềm năng đất đai, lao động, thu hút vốn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng ứng dụng tiến bộ KHKT, nâng cao trình độ sản xuất, năng lực quản lý kinh doanh, khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân. Phong trào đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên nông dân. Nhiều cá nhân trở thành những tấm gương tiêu biểu trong công tác, lao động, sản xuất, lao động sáng tạo, từ nghèo trở thành khá, giàu bằng sức lao động, trí tuệ của mình. Thông qua kết quả đánh giá thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hằng năm thị xã có trên 80% số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó 85% số hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, với mức thu nhập từ 20 triệu đồng/khẩu/năm trở lên; 10% số hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Thị với mức thu nhập từ 30 triệu đồng/khẩu/năm trở lên; 5% số hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh với mức thu nhập từ 60 triệu đồng/khẩu/năm trở lên.

 

Đồng chí Dương Văn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân Thị xã cho biết: Để phong trào tiếp tục đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân Thị xã sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, sản xuất hàng hóa để có thể tiếp cận được thị trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn.