Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đã sản xuất thành công giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng cho sản lượng cao, chủ động cung cấp nguồn giống chất lượng tốt cho các hộ nuôi trong, ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Cá chim vây vàng đã được nuôi thành công trong lồng, ao ở cả môi trường nước lợ và mặn tại nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Nam Định, Nghệ An,… Huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nuôi cá chim vây vàng thương phẩm, tuy nhiên đến nay loài cá này vẫn chưa được người dân địa phương quan tâm, phát triển do chưa có nguồn cung cấp giống. Nếu nhập giống từ nước ngoài chi phí cao, cá khó thích ứng ngay với điều kiện môi trường mới nên việc phát triển nuôi cá chim vây vàng tại địa phương gặp nhiều khó khăn.
Sau khi được trường Đại học Nha Trang, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, Doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn là đơn vị đầu tiên tại tỉnh Ninh Bình đã xây dựng thành công mô hình nuôi vỗ cá chim vây vàng bố mẹ, sản xuất giống cá chim vây vàng với quy mô gần 300.000 cá giống/năm và quy trình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng trong ao với năng suất từ 4 đến 8 tấn/ha cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Triển khai mô hình, kết quả cho thấy cá chim vây vàng bố mẹ có tỷ lệ sống đạt trên 80%, trọng lượng đạt 2,5kg/con và tỷ lệ đẻ 30%. Cá chim vây vàng thương phẩm đến thời kỳ thu hoạch có chất lượng tốt, khỏe mạnh, không dị tật, tỷ lệ sống lên tới 96%, phù hợp với điều kiện môi trường tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Chủ nhiệm đề tài, anh Nguyễn Đức Đại (công tác tại Doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn) cho biết, cá chim vây vàng là loài dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh, có thể nuôi với mật độ cao, ít bệnh, sử dụng tốt thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, cá chim vây vàng là đối tượng nuôi mới tại địa phương, người nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm cần thông qua các lớp tập huấn, tuân thủ quy trình kỹ thuật để cá không bị dịch bệnh và đạt hiệu quả kinh tế cao. Người nuôi cần cải tạo ao, kiểm tra các yếu tố môi trường trước khi thả cá vào ao nuôi như đảm bảo độ PH đạt từ 7,5 đến 8,5, độ mặn ổn định. Mùa vụ thả cá thường vào tháng 3, tháng 4 hàng năm. Cá giống phải có kích cỡ đồng đều từ 8 đến 10 cm, khỏe mạnh, không dị hình dị tật, không có dấu hiệu bệnh lý, bơi lội nhanh nhẹn. Mật độ thả thích hợp từ 1 - 2 con/m2. Cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng đạm 45% và lipid 15%. Thức ăn được bảo quản nơi khô ráo và không bị ẩm mốc. Sau 10 đến 12 tháng nuôi có thể thu hoạch cá với cỡ thương phẩm từ 650-700 g/con. Cá chim vây vàng là loài dễ thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày không cho cá ăn. Có thể dùng lưới kéo được trên 95% tổng số cá trong ao, sau đó tháo cạn ao và thu nốt số còn lại.
Ông Đặng Thanh Tân, xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, chia sẻ, được Doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn hỗ trợ 12.000 con cá giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, ông Tân đã mạnh dạn nuôi thí điểm cá chim vây vàng trên diện tích 1 ha. Sau 10 tháng nuôi, cá thu hoạch có chất lượng tốt, khỏe mạnh, cho năng suất khoảng 8 tấn/ha/vụ. Nếu theo giá thị trường hiện nay, giá trung bình 150.000 nghìn đồng/kg cho thu lãi cao hơn gấp nhiều lần so với các loại giống cá khác.
Trưởng phòng quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình, Đinh Xuân Trường cho biết, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chim vây vàng” góp phần cung cấp nguồn giống cá chim vây vàng chủ động, chất lượng tốt, giá thành giảm so với nhập giống cá ở nơi khác, tạo điều kiện cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp tư nhân Hải Tuấn đã mở các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng cho 30 hộ dân tại địa phương, góp phần giúp người dân nâng cao kỹ thuật trong quá trình nuôi và phát triển kinh tế./.