Phát triển nông nghiệp đáp ứng yêu cầu mới: Thúc đẩy sản xuất ứng dụng công nghệ cao (Bài 2)

16:25, 01/07/2016

Bài toán đặt ra đối với ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh hiện nay là giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững. Để giải bài toán này không có cách nào hiệu quả hơn là phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC). Đây có lẽ là lời giải đúng và đủ nhất, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, vừa gắn với bảo vệ môi trường.

Có thể khẳng định, không phải bây giờ chúng ta mới hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC mà điều này đã xuất hiện từ khá lâu, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, điều kiện mới cho phép tỉnh ta triển khai thực hiện mục tiêu lớn này để có thể mang lại thành công. Ngành Nông nghiệp - PTNT đã tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC cho 5 năm tới. Đề án này được đánh giá là có tầm nhìn chiến lược và mang tính khả thi cao. Nói vậy bởi các nội dung đặt ra đều quan thiết, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

 

Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, thực hiện Đề án, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC khoảng 2.460 tỷ đồng, chiếm 22,4% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Mặt khác sẽ làm thay đổi nhận thức, hành động của người sản xuất nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời tạo sức bật cho nền nông nghiệp xanh, sạch…

 

Thực tế thì trong 5 năm tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ có những thay đổi lớn với sự ra đời của khu nông nghiệp ứng dụng CNC, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và xuất hiện các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. Với thế mạnh nông nghiệp của tỉnh là cây chè nên ngành sản xuất, chế biến chè được xác định là mũi nhọn và tiên phong trong xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong giai đoạn này, tỉnh tập trung hình thành và đưa vào hoạt động 8 vùng sản xuất chè ứng dụng CNC với quy mô diện tích gần 4.000ha tập trung tại những khu vực trọng điểm về cây chè của tỉnh như: Tân Cương, La Bằng, Tức Tranh, Minh Lập, Phúc Thuận, Phúc Tân, Sơn Phú, Liên Minh. Tại các vùng này sẽ được đầu tư cải tiến cả về giống, quy trình thâm canh, chế biến và bảo quản chè. Đặc biệt, các sản phẩm chè ở đây đa dạng, phong phú đạt tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ chế biến, bảo quản tiên tiến nhất của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

 

Sau cây chè, tỉnh xác định cây rau phải được quan tâm đặc biệt bởi chúng ta có điều kiện rất tốt để phát triển loại cây trồng này. Hơn nữa, ở thời điểm vấn đề an toàn thực phẩm đáng báo động như hiện nay thì việc sản xuất rau an toàn theo công nghệ cao là rất cần thiết. Tỉnh đang hình thành 8 vùng sản xuất rau công nghệ cao tại các xã, phường, thị trấn như: Tân Phú, Đông Cao, Tiên Phong (T.X Phổ Yên); Đồng Liên, Nhã Lộng (Phú Bình); Đồng Bẩm, Tích Lương, Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên); Linh Sơn, Huống Thượng (Đồng Hỷ); Hùng Sơn, Ký Phú (Đại Từ); Bá Xuyên, Cải Đan (T.P Sông Công); Chợ Chu, Kim Phượng, Bảo Cường, Trung Lương, Phượng Tiến (Định Hóa) và Động Đạt (Phú Lương). Toàn bộ giống rau sẽ được ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, công nghệ gốc ghép; sử dụng nhà lưới, nhà kính, cảm biến điều khiển ánh sáng, độ ẩm, giá thể, thủy canh và ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ trong gieo trồng rau. Công nghệ bảo quản cũng được tính toán theo các phương pháp hiện đại, an toàn nhất. Đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất nông nghiệp sạch, ông Hồng Sỹ Hưng khẳng định, đơn vị đang triển khai vườn rau theo tiêu chuẩn, công nghệ Nhật Bản tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Mô hình này sẽ là điểm về sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng CNC của cả huyện Đồng Hỷ bởi quy mô đầu tư cũng như công nghệ áp dụng. 

 

Trong tổng thể phát triển nông nghiệp, dù thế nào vấn đề an ninh lương thực cũng phải luôn được xem trọng. Với biệt danh “vựa lúa” của tỉnh, Phú Bình được quy hoạch để hình thành vùng sản xuất lúa ứng dụng CNC, tập trung tại các xã Tân Đức, Xuân Phương, Úc Kỳ, quy mô 250ha. Các giống lúa được sử dụng đều có năng suất, chất lượng cao thích ứng điều kiện của tỉnh và biến đổi khí hậu. Quy trình sản xuất được áp dụng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP.

 

Lâu nay, chăn nuôi cũng được xem là thế mạnh của tỉnh, nhưng cơ bản phát triển còn manh mún, điều kiện chăn nuôi chưa bảo đảm, lạc hậu so với yêu cầu thực tế. Do vậy, tỉnh xác định xây dựng 5 vùng chăn nuôi ứng dụng CNC với quy mô 700ha. Đó là vùng chăn nuôi bò, lợn tại xã Phượng Tiến (Định Hóa); vùng chăn nuôi lợn, gà tại xã Tân Thành, Tân Kim (Phú Bình), xã Minh Lập, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); vùng chăn nuôi lợn tại xã Minh Đức (Phổ Yên), thị trấn Quân Chu, xã Cát Nê (Đại Từ). Công nghệ chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm được áp dụng theo các tiêu chuẩn khá tốt hiện nay.

 

Cùng với đó, tỉnh cũng tiến hành xây dựng 4 vùng sản xuất cây ăn quả tại T.X Phổ Yên, các huyện Võ Nhai, Đại Từ và Đồng Hỷ; vùng sản xuất hoa tại T.P Thái Nguyên; vùng nuôi trồng thủy sản tại huyện Phú Bình và vùng sản xuất lâm nghiệp tại huyện Định Hóa. Tất cả đều thực hiện theo quy trình ứng dụng CNC với sản phẩm đầu ra đều phải được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, UTZ…

 

Chất xúc tác để tạo tính khả thi cao cho các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh chính là hệ thống các cơ chế, chính sách và nguồn vốn thực hiện. Theo dự tính, tổng kinh phí triển khai đối với các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh là trên 769 tỷ đồng được huy động tổng lực từ 5 nguồn vốn khác nhau, trong đó vốn của Nhà nước, doanh nghiệp và trong nhân dân chiếm chủ yếu, vốn vay tín dụng chỉ khoảng 25 tỷ đồng. Một loạt chính sách khuyến khích đi kèm đã được đề xuất thực hiện gồm: Chính sách hỗ trợ quy hoạch chi tiết các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, mô hình trình diễn, lãi suất vốn vay…

 

Như vậy có thể thấy, ngành Nông nghiệp - PTNT của tỉnh đã và đang có những định hướng lớn xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để ngành thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nội bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao.