Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã đứng bên bờ phá sản do thua lỗ kéo dài, nội bộ ban lãnh đạo thiếu sự thống nhất, một số cán bộ vi phạm pháp luật hình sự bị xử lý, khối tài sản bị kê biên để bán đấu giá lấy tiền trả nợ ngân hàng. Nhưng giờ, đơn vị này đang có hy vọng phục hồi sản xuất khi các bên liên quan thống nhất xử lý khối tài sản trên cơ sở nhà đầu tư mua lại tài sản phải tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, từng bước giải quyết những tồn tại của doanh nghiệp trước đây. Tổng giám đốc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã có thông báo mời gọi công nhân trở lại làm việc và tuyển dụng thêm một số vị trí mới…
Đã có rất nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan về thực hiện Bản án số 07/2014/QĐST-KDTM ngày 8-1-2014 của Toà án Nhân dân T.P Thái Nguyên giữa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên với Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng. Theo bản án này, Công ty cổ phần Luyện cán thép Gia Sàng phải thanh toán khoản vay trên 38,8 tỷ đồng và lãi suất cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên.
Do vậy, mới đây Chi cục Thi hành án Dân sự T.P Thái Nguyên, Ban lãnh đạo Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên đã có biên bản thống nhất về việc giải quyết thi hành án bằng cách thanh lý bán đấu giá toàn bộ khối tài sản trên đất của doanh nghiệp này với số tiền khởi điểm gần 56,8 tỷ đồng để trả nợ cả gốc lẫn lãi. Ông Dương Văn Quyết, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh cho biết: Việc các bên thống nhất hướng giải quyết khối tài sản của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã tháo gỡ được cả vấn đề là pháp lý và xã hội. Như vậy, bản án được thực thi nhưng doanh nghiệp không phải phá sản, người lao động vẫn còn cơ hội có việc làm, thu nhập.
Song, các bên có quyền lợi liên quan đến khối tài sản của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng thế chấp tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên đưa ra yêu cầu: Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khối tài sản không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái cơ cấu ngành thép, tiến hành sản xuất. Theo văn bản kiến nghị của tập thể ban lãnh đạo, đại diện các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và người lao động của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng ngày 16-3-2016 gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cơ quan chức năng liên quan, có thông tin: Sau quá trình mời gọi nhà đầu tư, Công ty CP Thương mại Thái Hưng đã nghiên cứu và cam kết sau khi mua được toàn bộ tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất sẽ không tháo dỡ tài sản là thiết bị, tư liệu sản xuất mà tiếp tục đầu tư để tái sản xuất thép cán, khôi phục trạm điện 110KV để giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội
Về phía UBND tỉnh cũng có quan điểm chỉ tiếp tục cho tổ chức, cá nhân thuê trên 22,6ha đất đã giao quyền sử dụng cho Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng khi tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khối tài sản trên cam kết đầu tư tái sản xuất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và các bên liên quan. Đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (cổ đông đang chiếm 39,66% cổ phần) cũng đã chấp thuận cho Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng thuê thương hiệu TISCO để sản xuất thép cán nóng (có đường kính từ 10mm đến 20mm) trong thời gian 3 năm để tạo thêm cơ hội tiêu thụ khi đơn vị này có sản phẩm đưa ra thị trường. Trong ngày 28-6, Tổng Giám đốc Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã có thông báo mời gọi công nhân cũ của đơn vị đến đăng ký vị trí làm việc và tuyển dụng thêm một số vị trí làm việc mới.
Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng và có chủ trương chỉ thu hồi phần nợ gốc mà Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng vay và một phần lãi. Do đó, số tiền bán đấu giá khối tài sản của Công ty vẫn còn dư để đơn vị này giải quyết một phần các khoản nợ. Công ty CP Thương mại Thái Hưng (đơn vị trúng đấu giá) cũng đang hoàn tất các thủ tục để tiếp nhận, chuyển giao tài sản và đầu tư tái sản xuất như đã cam kết.
Như vậy, các bên liên quan đã giải quyết được vấn đề tranh chấp pháp lý, nhà đầu tư đã tạo cơ hội để mở lối thoát cho Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng. Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo Công ty, nhà đầu tư chỉ chấp nhận đầu tư vốn, tái sản xuất khi các khoản nợ cũ của đơn vị này (gồm: nợ thuế trên 10 tỷ đồng; lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động trên 29,3 tỷ đồng; đối tác 30 tỷ đồng...) được các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan khoanh lại, giải quyết sau. Có lẽ đây cũng là cách duy nhất để đảm bảo lợi ích cho các bên: Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng thoát khỏi bờ vực phá sản, các cổ đông hy vọng giữ được phần nào tài sản, các khoản nợ cũ của doanh nghiệp có cơ hội thanh toán và quan trọng hơn là gần 300 lao động đã gắn bó