Bá Xuyên chú trọng phát triển kinh tế

11:22, 08/08/2016

Với đặc thù là một xã thuần nông, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Bá Xuyên (T.P Sông Công) đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng vào phát triển chăn nuôi và trồng trọt, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên xấp xỉ 25 triệu đồng (năm 2015).

Những ngày đầu tháng 8, có dịp về xã Bá Xuyên, đi trên những tuyến đường bê tông trải dài đến từng ngõ xóm, tiếng nói cười rôm rả của các bà, các chị đang nhanh tay thu hái những búp chè xanh mướt trong ánh nắng chói chang ngày hè. Thấy chúng tôi có đôi chút ngạc nhiên khi ở Bá Xuyên, người dân đưa cây chè xuống ruộng để trồng, chị Đoàn Thị Hồng, cán bộ khuyến nông xã Bá Xuyên chia sẻ: Trước đây, hầu hết diện tích đất nông nghiệp của một số xóm như: Chũng Na, Ao Cang, Lý Nhân... là những chân ruộng cao và ruộng màu nên hiệu quả sản xuất không cao. Năm 2001, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi khoảng 10ha đất trồng lúa sang trồng chè nhằm nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn xã đã có trên 98ha chè, trong đó 65% diện tích là chè cành với các giống LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên. Với diện tích trên, bình quân một năm, người dân thu hoạch hơn 150 tấn chè khô, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng.

 

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ chè cành mang lại, xã đã quyết định đưa cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo và phấn đấu mỗi năm trồng mới khoảng 3-4ha chè cành. Từ hiệu quả kinh tế mà cây chè mang lại, đời sống của người dân đã từng bước được cải thiện, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Bà Đồng Thị Sinh, một trong những hộ dân làm chè giỏi nhất nhì xóm Ao Cang cho biết: Với 4 sào chè cành được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, một năm tôi thu hái khoảng 7 lứa chè, giá bán bình quân từ 120-170 nghìn đồng/kg chè khô, gia đình tôi thu nhập trên 40 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình có thêm điều kiện mua sắm những trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Hiện nay, ngoài trồng chè, người dân trong xã còn chủ động đưa cây bí xanh vào trồng với diện tích hàng năm khoảng 10ha, năng suất bình quân đạt 50 tấn/vụ/ha, thu nhập 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí người dân thu lãi khoảng 117 triệu đồng/ha.

 

Song song với đó, người dân xã Bá Xuyên cũng tích cực phát triển chăn nuôi với 13 trang trại gà, quy mô 3.000 - 8.000 con/lứa, cho thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Các trang trại đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 40 lao động địa phương với thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, xã cũng phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai một số mô hình chăn nuôi giống mới (gà ri vàng rơm, nuôi ong mật...) và khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao thu nhập. Cụ thể, năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bá Xuyên đã triển khai mô hình nuôi trâu lai hướng thịt tại 2 xóm Chũng Na và Lý Nhân. Theo đó, mô hình đã lựa chọn 100 con trâu nái của địa phương có đủ sức khỏe, trọng lượng để tiến hành lai tạo với giống trâu Murrah (nguồn gốc Ấn Độ). Sau 1 năm triển khai, số trâu nái trên đã cho ra đời đàn nghé lai khỏe mạnh, trọng lượng khoảng 50kg/con (cao hơn 10kg so với giống địa phương), đặc điểm ngoại hình nổi trội (vóc dáng cao, gốc sừng to, da mỏng...).

 

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình đã góp phần làm thay đổi tập quán, ý thức chăn nuôi của người dân. Từ 100 con trâu nái ban đầu, đến nay, toàn xã nâng tổng đàn lên trên 200 con và cho phối giống với tinh trâu đực Murrah. Chị Nguyễn Thị Nguyên ở xóm Chũng Na, một trong những hộ dân tham gia mô hình cho biết: "Gia đình hiện có 2 nghé lai Murrah đã lớn thành trâu trưởng thành, trọng lượng đạt trên 4,5 tạ/con. Giống trâu này rất khỏe, dễ nuôi và lớn rất nhanh (sau 2 tháng nuôi trọng lượng đạt khoảng 2 tạ). Tham gia mô hình, chúng tôi còn được xã hỗ trợ 300 nghìn đồng/sào cỏ và 200 nghìn đồng cho lần thụ tinh trâu đầu tiên. Hiện nay, bà con đang tiếp tục nhân rộng để chăn nuôi theo hướng lấy thịt".

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết: Xã Bá Xuyên hiện có 1.036 hộ dân và 4.281 nhân khẩu, trong đó trên 80% số hộ sống dựa vào nông nghiệp, do vậy, xã luôn chú trọng phát triển các mô hình khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, hằng năm, xã đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng cây trồng vật nuôi. Những năm qua, nhờ triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế mà đời sống người dân được cải thiện hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6% (năm 2011 trên 10%); trên 85% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia.... Cuộc sống khấm khá, người dân đã bảo nhau đóng góp trên 12 tỷ đồng, hiến 12.290m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động để bê tông hóa trên 11km đường giao thông, cứng hóa trên 12km kênh mương nội đồng và xây các công trình công cộng phục vụ dân sinh...