Bê tông hóa đường giao thông - cách làm của thị trấn Hương Sơn

11:17, 09/08/2016

Từ đầu năm đến nay, đã có 3 tổ dân phố của thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) đổ bê tông được 3 tuyến đường giao thông với chiều dài hơn 2km. Điểm chung của những tuyến đường này là người dân đóng góp tiền đối ứng từ năm 2015, sau đó gửi vào ngân hàng để khi có nguồn hỗ trợ của Nhà nước là tiến hành làm ngay. Đây được xem là cách làm hiệu quả trong việc bê tông hóa những con đường với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Chúng tôi đến tổ dân phố (TDP) Thi Đua - 1 trong 3 TDP vừa làm đường bê tông của thị trấn Hương Sơn ngay sau khi cơn mưa rào vừa dứt. Chiếc xe máy của anh Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng TDP liên tục bị rê bánh vì đường đất trơn trượt. Vừa đi anh vừa “trấn an”: Tôi có rất nhiều kinh nghiệm đi trên đường đất ngày mưa và cũng đã thuộc từng ổ gà, ổ voi trên tuyến đường này.

 

Trái ngược với đoạn đường đất vừa đi qua, đoạn đường bê tông như dải lụa trắng uốn lượn qua các cánh đồng hiện diện ngay trước mắt. Trong câu chuyện với chúng tôi, điều mà mọi người nhắc đến nhiều nhất chính là niềm vui khi tuyến đường bê tông của tổ vừa được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chị Lê Thị Kim, một người dân của Tổ dân phố nói: Vụ mùa này, người dân có ruộng tại cánh đồng này sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều. Lúc trước, đường lầy thụt, để đẩy được 1 xe cải tiến phân chuồng phải cần 2-3 người kéo, thì nay, tôi có thể tự làm một mình. Chị Kim cũng chia sẻ: Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán khoảng 70 tấn lợn thương phẩm và hơn 10 tấn gia cầm, nay đường được đổ bê tông nên việc xuất nhập hàng của gia đình tôi trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Niềm vui của chị Kim cũng là niềm vui chung của 50 hộ gia đình được trực tiếp hưởng lợi từ tuyến đường.

 

Anh Nguyễn Văn Thành thông tin: Tuyến đường này có chiều dài 1,2 km, được Nhà nước hỗ trợ 100 tấn xi măng, tổ đã bê tông giai đoạn một được 600m. Với sự giám sát tích cực của người dân, tuyến đường đã được thi công và hoàn thành đảm bảo tiêu chuẩn theo thiết kế. Trước đó, tất cả các tuyến đường của tổ đều là đường đất nên khi thấy các địa phương khác có đường bê tông đi lại thuận tiện, sạch sẽ, người dân trong tổ rất khát khao, mong có được những con đường như thế. Vậy nên năm 2015, khi tổ vận động bà con đối ứng tiền để làm đường, bà con đều nhất trí tham gia.

 

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”, sau khi thống nhất phương án làm đường, TDP tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về số tiền đối ứng và cách thức thu. Căn cứ vào khối  lượng xi măng cần đổ, tổ dân phố xây dựng mức thu đối ứng. Theo đó, mỗi nhân khẩu đối ứng 500.000 đồng, được chia thành 2 đợt. Tổ thực hiện thu tiền từ tháng 9 năm 2015, cứ được 10 triệu đồng, tổ lại mang gửi ngân hàng. Theo ý kiến của đa số người dân, việc thu tiền thành các  đợt và đối ứng trước khi làm đường đã giúp người dân có điều kiện về thời gian để chuẩn bị, cũng như có kế hoạch chi tiêu hợp lý để đối ứng đầy đủ. Hơn nữa, việc việc gửi tiền vào ngân hàng sau khi thu tiền của dân đã tạo sự “yên tâm” cho bà con.

 

Trước ngày khởi công tuyến đường vào cuối tháng 6-2016, số tiền tổ đã gửi vào ngân hàng là 170 triệu đồng. Anh Dương Đình Thịnh, 1 trong 27 hộ nghèo của tổ cho hay: Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, tiền với chúng tôi rất quan trọng, nhưng để làm tuyến đường bê tông sạch sẽ, khang trang thế này thì dù có phải đóng góp nhiều hơn chúng tôi cũng sẽ cố gắng.

 

Cũng với cách làm như tổ dân phố Thi Đua, mới đây, TDP Đình Xước cũng vừa đưa vào sử dụng tuyến đường bê tông với chiều dài 600m. Ông Dương Viết Tỵ, Tổ trưởng Tổ dân phố Đình Xước cho biết: Chỉ với 70 hộ, lại sống không tập trung, nên việc làm đường bê tông của xóm gặp nhiều khó khăn. Vì thế, khi Đảng ủy thị trấn có định hướng về phương pháp, cách làm để các tổ “chủ động”, Chi bộ đã họp bàn, thống nhất phương án làm đường theo từng giai đoạn. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của người dân. Sau khi thống nhất, Chi bộ đã thành lập Ban vận động, để vận động nhân dân giải phóng mặt bằng và đóng góp phần đối ứng. Khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, tổ tiếp tục thành lập tổ giám sát, tổ thủ quỹ, đội xây dựng… Trong tất cả các bước khi thực hiện, Chi bộ Đình Xước thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình. Trong mỗi lần họp chi bộ, các tổ đều phải tổng hợp, báo cáo tiến độ triển khai. Chính điều đó đã tạo được lòng tin và sự đồng thuận trong nhân dân.

 

Thị trấn Hương Sơn theo quy định không được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới như các xã. Trong khi đó, 16/19 tổ dân phố dân cư sống không tập trung, thu nhập của người dân chủ yếu vẫn từ sản xuất nông nghiệp, nên gặp không ít khó khăn, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động làm các công trình công cộng, trong đó có làm đường giao thông. Ông Dương Văn Định, Bí thư thị trấn Hương Sơn cho biết: Để tháo gỡ phần nào khó khăn từ việc đối ứng làm đường cho người dân, từ cuối năm 2014, Đảng ủy đã chỉ đạo và định hướng cho các chi bộ trong việc chủ động khâu giải phóng mặt bằng, thu tiền đối ứng của người dân để khi được Nhà nước hỗ trợ sẽ có khả năng triển khai ngay. Vì thế, từ năm 2014 đến nay, phong trào làm đường của thị trấn Hương Sơn có nhiều khởi sắc, số đường được bê tông tăng dần qua các năm (năm 2014, bê tông được 1,2km; năm 2015 được 1,6km; 6 tháng đầu năm 2016 được gần 2km). Từ đó, đã góp phần làm thay đổi diện mạo của các TDP, giúp việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện, dễ dàng.

 

Từ nay đến cuối năm, Hương Sơn phấn đấu làm thêm từ 3,5-4km đường, tại các tổ: Quyết Tiến 2; Hòa Bình - Nguyễn 1; Đình Xước. Hiện nay, các tổ dân phố đã có tờ trình với UBND thị trấn về việc xin hỗ trợ xi măng để làm đường. Nhân dân trong các tổ trên cũng đã đóng góp phần đối ứng được khoảng 400 triệu đồng… Để đáp ứng nhu cầu làm đường từ nay đến cuối năm, thị trấn cần được Nhà nước hỗ trợ từ 700- 800 tấn xi măng.

 

Thị trấn Hương Sơn có 38km đường liên tổ và nội đồng, trong đó 68% đã được cứng hóat. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn Hương Sơn khóa XXI (2016-2020) phấn đấu đến năm 2020, có trên 80% các tuyến đường được bê tông. Với cách làm mà Đảng ủy thị trấn đang triển khai tại các chi bộ, thì chỉ tiêu này được kỳ vọng sẽ sớm trở thành hiện thực. Từ đó, góp phần giúp địa phương hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị loại IV trước năm 2020.