Đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp

15:12, 14/08/2016

Thực hiện Năm cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2016, ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần giảm thiểu các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm nông nghiệp, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý chất lượng, đảm bảo ATVSTP cho các hộ tham gia chuỗi sản xuất như: nông dân, chủ trang trại, cơ sở chế biến, cán bộ quản lý; phối hợp phát động hưởng ứng Tháng ATVSTP, tổ chức kiểm tra thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh... Ông Dương Minh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Cùng với tăng cường thanh, kiểm tra, chúng tôi còn chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, phụ gia trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh; công khai các cơ sở không đạt điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Hậu, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, thực hiện các chương trình giám sát chất lượng ATVSTP nông sản, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các địa phương tiến hành kiểm tra 67 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, lấy 58 mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm. Trong đó, có 48 mẫu được kiểm nghiệm định tính nhanh tại cơ sở; 10 mẫu được phân tích tại Phòng kiểm nghiệm tại Hà Nội và Hải Phòng. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, có 57/58 mẫu kiểm nghiệm đảm bảo an toàn; 1 mẫu nước tiểu lợn có chất Salbutamol. Chi cục đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở với các lỗi cơ bản như: Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; chủ cơ sở không cập nhật kiến thức ATTP; không khám sức khỏe định kỳ... với tổng số tiền phạt 15,4 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã kiểm tra, đánh giá xếp loại định kỳ 113 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản; trong đó, có 40 cơ sở xếp loại A, 72 cơ sở xếp loại B và 1 cơ sở xếp loại C.

 

Dựa vào những con số nói trên chưa thể khẳng định tình hình ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp đã được kiểm soát. Bởi, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 800 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm, thủy sản đang hoạt động. Hầu hết các cơ sở đều có quy mô sản xuất nhỏ, manh mún nằm phân tán ở khắp các địa phương, ý thức của một bộ phận người sản xuất vẫn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, coi nhẹ sức khỏe của người tiêu dùng. Thêm vào đó, 100% các mẫu vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản mới chỉ được kiểm tra định tính, còn kiểm định về chất lượng đều phải gửi đi phân tích tại các phòng kiểm nghiệm thuộc 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng, dẫn đến những khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý vi phạm.

 

Để có cơ sở kiểm soát, quản lý nguồn thực phẩm từ gốc, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí đầu tư 2 hệ thống thiết bị cho Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật và Huấn luyện nghiệp vụ nông, lâm, thủy sản (thuộc Chi cục Quản lý chất lượng Nông - Lâm sản và Thủy sản). Trong đó, hệ thống thiết bị 1 sẽ kiểm nghiệm được trên 150 dòng kháng sinh và chất cấm trên các sản phẩm động vật, thủy sản, nước tiểu động vật, thức ăn chăn nuôi, chất cấm, kháng sinh, phụ gia trong thực phẩm. Còn hệ thống thiết bị 2 sẽ kiểm nghiệm được trên 300 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm trồng trọt như: Rau, củ, quả, chè... với thời gian bình quân sau 2 tiếng sẽ cho kết quả chính xác. Khi 2 hệ thống này được đưa vào hoạt động sẽ góp phần ngăn chặn việc đưa thực phẩm bẩn ra thị trường và giúp cơ quan chức năng xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm.

 

Cùng với đó, tỉnh cũng đã và đang nỗ lực xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hoá sản xuất... Bên cạnh đó, sẽ tiến tới triển khai quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn. Đây được coi là mô hình có tính đột phá và bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Chuỗi sẽ bắt đầu từ khâu cung ứng vật tư nông nghiệp đến sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện, Công ty cổ phần chế biến nông sản Thái Nguyên đang triển khai Chương trình phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm một số sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Nếu Chương trình được triển khai thành công, đây sẽ là lời giải cho bài toán đầu ra cho nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

 

Để nâng cao chất lượng, đảm bảo ATVSTP các sản phẩm nông nghiệp phẩm khi đến tay người tiêu dùng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành liên quan, các huyện, thành, thị trong tỉnh cũng cần chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa bàn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để công tác kiểm tra, kiểm soát đạt hiệu quả. Đối với người tiêu dùng, hơn bao giờ hết, hãy "nói không” với thực phẩm không an toàn. Người dân cần kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đến các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.