Hạnh phúc khi được giúp đỡ nông dân

09:48, 12/08/2016

Cuộc trao đổi giữa tôi và chị La Thị Bình, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương luôn bị ngắt quãng vì những cuộc điện thoại của người dân gọi đến nhờ chị tư vấn. Không những hỏi cách giải quyết một “ca” khó đẻ của lợn nái, việc tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, giá cả thị trường…, có người còn gọi cho chị chỉ để than vãn về những khó khăn trong chăn nuôi, mong nhận một lời động viên để vững tâm lý.

Nhiều người gọi đến, chị Bình không biết là ai vì chị vẫn thường cung cấp số điện thoại của mình cho người chăn nuôi và khuyên họ gọi đến khi cần. Chị Bình chia sẻ: Có khi nửa đêm người dân gọi mình để “cầu cứu” vì lợn khó đẻ, giọng thảng thốt. Biết họ rất lo lắng nên mình đến tận nơi giúp đỡ. Gần 30 năm trong nghề, điều hạnh phúc và tâm đắc nhất của mình là được giúp đỡ người nông dân.

 

Tốt nghiệp cấp III, bỏ qua nhiều lời khuyên và cơ hội chọn trường, chị La Thị Bình (sinh năm 1963) quyết tâm theo học đại học chuyên ngành Chăn nuôi Thú y. Từ khi ra trường đến nay, chị tận tâm gắn bó với lĩnh vực chăn nuôi của huyện. Chị giải thích đơn giản: “Mình xuất thân là con nhà nông, thích nghề này và muốn làm gì đó để giúp người nông dân”. Khi đường sá và phương tiện đi lại còn khó khăn, chị Bình vẫn cần mẫn đạp xe đạp, thậm chí đi bộ đến những vùng sâu xa nhất của huyện để tập huấn kỹ thuật cho bà con. Luôn đồng cảm và tự đặt mình vào vị trí của nông dân, những người còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, lạ lẫm về kỹ thuật chăn nuôi, chị nhẹ nhàng, kiên trì hướng dẫn bà con từ những điều đơn giản nhất…

 

Những năm qua, chị La Thị Bình đã phụ trách triển khai thành công nhiều mô hình khuyến nông về chăn nuôi, điển hình như mô hình nuôi lợn siêu nạc, nuôi dê, cá rô phi đơn tính, gà lông màu… góp phần giúp hàng trăm hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Mô hình nuôi lợn siêu nạc hiện phát triển khá mạnh tại huyện Phú Lương với hàng chục trang trại, gia trại, có đóng góp đáng kể của chị Bình. Đầu những năm 2000, việc nuôi lợn siêu nạc là điều rất mới lạ với người nông dân trong huyện, chị đã lựa chọn và kiên trì động viên gia đình bà Hồ Thị Dung (ở xóm Bún 2, xã Phấn Mễ) đi tham quan mô hình tại T.P Hải Phòng, tham dự các buổi tập huấn để đầu tư nuôi giống lợn này. Ngoài ra, chị còn thường xuyên đến tận nơi động viên, tư vấn kỹ thuật giúp gia đình bà Dung triển khai hiệu quả mô hình, sau đó khuyến khích nhiều hộ khác làm theo. Anh Nguyễn Hải Bằng, con trai bà Hồ Thị Dung cho biết: Nhà tôi hiện nuôi trung bình 150 con lợn siêu nạc cho thu nhập khá cao. Được như ngày hôm nay, gia đình tôi biết ơn sự hướng dẫn tận tình và động viên thường xuyên của chị Bình…

 

“Mê” giống lợn siêu nạc, cùng với việc tư vấn, tuyên truyền nhân rộng loại vật nuôi này, chị Bình cũng đầu tư nuôi 50 con lợn nái từ năm 2007. Việc công, việc tư bận bịu thường xuyên, chị vẫn cố gắng sắp xếp thời gian trực tiếp “đứng lớp” tập huấn cho người nông dân vào những ngày cuối tuần. Chị bảo: Thấy bà con nông dân vui mình vui lắm, ngược lại, khi họ buồn mình cũng buồn theo. Có thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhiều người gọi điện than thở, khóc lóc, khiến tâm trạng mình rối bời. Hết cách, mình lôi xe ra chạy thẳng xuống gặp lãnh đạo Sở Nông nghiệp xin lời khuyên rồi về động viên để trấn an tâm lý bà con…

 

Chị La Thị Bình là người khiêm tốn. Có lần, Chi bộ Nông nghiệp (lãnh đạo 3 cơ quan là Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Khuyến nông và Trạm Thú y huyện) đề nghị chị làm báo cáo thành tích cá nhân để được khen cao nhưng chị từ chối. Theo chị Lê Thị Thúy Nguyên, Bí thư Chi bộ Nông nghiệp Phú Lương, chị Bình liên tục nhiều năm là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt Chiến sĩ thi đua cấp huyện.