Liên kết "4 nhà" trong tiêu thụ nông sản

08:00, 17/08/2016

Trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có chiến lược thị trường tốt. Gốc rễ của vấn đề là từ khâu quy hoạch, nơi nào trồng cây gì cho phù hợp, ai đảm trách cung ứng giống tốt, liên kết và hỗ trợ nhau giữa nông dân và doanh nghiệp như thế nào? Bởi vậy, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay rất cần sự liên kết "4 nhà”, bao gồm: Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học và nhà doanh nghiệp (DN).

Vai trò của mối liên kết “4 nhà” đã được đặt ra từ năm 2002 cùng với Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Tiếp theo đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy thực hiện mô hình này với mục tiêu giúp nông dân thuận tiện hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, liên kết “4 nhà” vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ và chưa mang tính đồng bộ, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên...
Đối với nhà nông, đa số nông dân vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chậm tiếp cận thông tin thị trường, chưa hoàn toàn gạt bỏ được tư tưởng ham lợi trước mắt và khó tính toán được chiến lược lâu dài. Một bộ phận nông dân còn hạn chế trong nhận thức về trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật nên họ rất dễ phá vỡ hợp đồng trong quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; mặc dù ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của DN, nhưng khi giá nông sản trên thị trường lên cao thì họ lại sẵn sàng bán cho tư thương hoặc DN khác để hưởng giá cao hơn.
Với DN, là "đầu tàu", là động cơ của mối liên kết. DN giữ vai trò quan trọng để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho nông dân; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Song, hiện nay các DN đang còn ngần ngại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh do vốn đầu tư lớn nhưng rủi ro lại cao và thu hồi chậm. Khi xảy ra tranh chấp hay gặp rủi ro, chưa có hành lang pháp lý phù hợp để hỗ trợ hoặc phân minh trách nhiệm và quyền lợi.

 

Các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo “đầu vào” có hàm lượng chất xám cao, giảm giá thành sản phẩm nhờ công nghệ, nhưng hiện nay việc liên kết với các “nhà” lại lúng túng, nhất là việc liên kết với người nông dân để đưa công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản.

 

Còn Nhà nước được ví như là nhạc trưởng để tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết chặt chẽ và hiệu quả, rất cần chế tài phù hợp để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa DN và nhà nông.

 

Điều khiến nông dân đau đáu là mỗi khi sản phẩm nông nghiệp rớt giá, khó tiêu thụ thì các ngành chức năng thường “đổ” cho nông dân “sản xuất theo phong trào, không theo quy hoạch…”. Nông dân thì than thở rằng, tối ngày họ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lo chăm sóc, lo dịch bệnh… còn đâu thời gian để tìm hiểu thị trường. Rõ ràng, đây là cách làm theo kiểu cũ, sản xuất những gì mình có, mình biết, trong khi thời buổi cạnh tranh khốc liệt hiện nay là phải sản xuất những cái thị trường cần.

 

Trên địa bàn tỉnh ta, mối liên kết giữa "4 nhà" trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cũng đã được hình thành. Mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè đã được Hội Nông dân Châu Á (AFA) phối hợp với Ban hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tổ chức hội thảo tại tỉnh. Mối liên kết giữa "4 nhà" trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè được hình thành chủ yếu là liên kết ngang trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ trồng, chế biến và tiêu thụ chè. Ngoài ra, còn có sự liên kết dọc giữa DN với người nông dân. Mối liên kết này đã hình thành gắn vùng nguyên liệu với các DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

 

Tại huyện Phú Bình, liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp được đưa ra bàn thảo với những sản phẩm nông nghiệp có nhiều lợi thế, trong đó có những sản phẩm được công nhận thương hiệu như “Nếp thầu dầu Phú Bình”, “Gà đồi Phú Bình”. Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng hạt giống lúa trên địa bàn tỉnh” vừa được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu, đánh giá đạt loại xuất sắc, góp phần thúc đẩy nghề sản xuất lúa ở tỉnh theo hướng mới. Thông qua thực hiện Dự án đã nâng cao chất lượng hạt giống lúa thuần, để người dân có thể lựa chọn những giống lúa tốt, hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao... Tuy nhiên, vấn đề liên kết "4 nhà" cũng đang gặp phải những bất cập.

 

Trong giai đoạn hội nhập, ngoài việc cạnh tranh gắt gao thì nông dân cá thể sẽ gặp muôn vàn khó khăn và khó tồn tại. Rất nhiều nông dân không biết thị trường đang cần gì và sẽ cần gì; không dự báo được tình hình dịch bệnh và cách phòng ngừa; không thể huy động nguồn vốn để mở rộng sản xuất và không biết làm cách nào để tiếp cận kỹ thuật canh tác, nuôi trồng hiện đại… Người nông dân rất cần các cơ quan có trách nhiệm giúp họ giải những vấn đề nêu trên. Để sản xuất theo nhu cầu thị trường, vấn đề liên kết nông dân với nhau để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất… là hết sức quan trọng. Từ đó, hình thành những “nông dân kiểu mới”. Họ sẽ không tự do sản xuất theo ý của riêng mình hay làm theo kinh nghiệm, mà sản xuất triệt để tuân thủ quy trình, theo nhu cầu và thời điểm thị trường cần.

 

Cơ sở sản xuất phải đảm bảo chất lượng, an toàn, DN mới có thể tiến hành liên kết tiêu thụ. Chính quyền cần hỗ trợ nhà sản xuất trong việc sản xuất nông sản đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn. DN không thể liên kết với từng cá thể mà chỉ liên kết với một tổ chức đại diện. Bởi vậy, tổ chức Hội Nông dân các cấp cần đứng ra vận động, giúp bà con sản xuất theo mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác, sản xuất phải có hợp đồng, thống nhất định hướng nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát theo phong trào, làm sao để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, giá thành hạ nhưng giá trị lại tăng cao. Đồng thời, Hội cần chú trọng đến các hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân ở cơ sở. Đây chính là nơi giới thiệu sản phẩm, kết nối nông dân với DN để tiêu thụ nông sản cho bà con.

 

Xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững là xây dựng thành công mô hình liên kết "4 nhà". Sự phối hợp chặt chẽ, hiểu nhau, hỗ trợ lẫn nhau, cùng đoàn kết hướng tới thị trường, người tiêu dùng sẽ giúp cho liên kết tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn. Bởi suy cho cùng, nếu liên kết chặt chẽ, tất cả các bên đều có lợi.