Nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa

09:54, 26/08/2016

Trước áp lực diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, sâu bệnh diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu... ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tỉnh ta đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nông sản, nhằm tiếp tục giữ vững sản lượng và duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định.

Trong nắng vàng tháng Tám, vòng quanh các xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), chúng tôi bắt gặp bà con đang khẩn trưởng thu hái chè chính vụ. Vừa nhanh tay hái những búp chè non mơn mởn thả vào sọt, chị Nguyễn Thị Hằng, ở xóm Guộc, xã Tân Cương vừa trò chuyện cùng chúng tôi. Năm 2009, gia đình tôi chuyển sang trồng chè cành giống mới. Mỗi lứa, thu hái được trên 80kg, bán với giá trung bình 300 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Chè là cây trồng chủ lực gắn bó với chúng tôi nhiều năm, các hộ dân trong xóm có của ăn của để cũng là nhờ cây chè. Năm nay, chè ít bị nhiễm sâu bệnh, giá bán cũng tăng hơn so với năm ngoái nên người trồng chè rất phấn khởi.

 

Không chỉ riêng gia đình chị Hằng, cây chè đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Hiện, toàn tỉnh có trên 21 nghìn héc ta chè, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 111,88 tạ/ha, sản lượng đạt trên 194 nghìn tấn. Nhờ đẩy mạnh việc cải tạo, trồng mới, thay thế diện tích chè trung du, đến nay, toàn tỉnh đã có 13.234ha chè giống mới, chiếm 62,6%. Xác định chè là cây trồng thế mạnh, chủ lực, tỉnh ưu tiên đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; chú trọng khâu chế biến thành phẩm có bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý xuất xứ gắn với thương hiệu sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có trên 400 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên. Ngoài ra, còn có 19 công ty, hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu riêng cho các sản phẩm chè của đơn vị. Hiện, tỉnh ta đang xây dựng các mô hình vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất chè an toàn tại các vùng chè trọng điểm như: Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá, Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên. Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu trồng mới, trồng thay thế 5.000ha chè; mỗi năm hỗ trợ sản xuất và chứng nhận 1.500-2.000ha chè an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2020, tỷ lệ chè giống mới đạt 80% và 80% diện tích vùng sản xuất chè an toàn tập trung đủ điều kiện chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Cùng với cây chè, lúa cũng được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh. Giai đoạn 2011-2015, từ các nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Bà Tạ Thị Loan, ở xóm Ninh Giang, xã Bản Ngoại (Đại Từ) cho biết: Trước đây, tôi rất ngại cấy lúa lai vì sợ sâu bệnh, thóc hay bị lép. Vụ xuân năm 2016, nhờ có tư vấn của cán bộ khuyến công cùng với việc hỗ trợ giá giống của Nhà nước, gia đình tôi đã gieo cấy 2 sào giống lúa lai SYN 6, kết quả vụ gặt vừa rồi thu hoạch được 2,5 tạ/sào, cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, thực hiện phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI), mang lại hiệu quả cao; tiết kiệm được nhiều chi phí so với trước đây. Hiện nay, các khâu như làm đất, thu hoạch đa phần đều được thực hiện bằng máy nên cũng giảm được công lao động.

 

Thực hiện hướng dẫn của ngành Nông nghiệp - PTNT, bà con nông dân trong tỉnh đã áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến kết hợp phòng trừ bệnh hại; đưa giống lúa lai, lúa thuần chất lượng vào gieo cấy và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp - PTNT đã triển khai các mô hình canh tác 3 giảm 3 tăng, SRI; sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, ứng dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông sản an toàn. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp đưa giống mới và canh tác cải tiến mà năng suất, sản lượng, giá trị cây trồng liên tục tăng. Nếu như giai đoạn 2011-2015, năng suất lúa toàn tỉnh mới đạt 51,3 tạ/ha thì vụ xuân 2016 đã tăng lên 54,37 tạ/ha, sản lượng thóc trên 166.600 tấn (đạt 107% kế hoạch). Giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu chuyển đổi ít nhất 3 nghìn héc ta đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Cùng với đó, tỉnh tiến hành quy hoạch 5.000ha đất lúa tập trung để xây dựng mô hình "cánh đồng lớn", ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất lúa hàng hóa năng suất, chất lượng cao; được quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và kênh mương nội đồng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năm 2016 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục giữ vững mục tiêu sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Theo đó, ngành trồng trọt sẽ được tái cơ cấu theo hướng tập trung, chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất. Cùng với đó, ngành cũng kiến nghị với UBND tỉnh có những chính sách đầu tư kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ và đề ra cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị bền vững.