Tăng trưởng xuất khẩu khó đạt mục tiêu

10:00, 07/08/2016

Từ cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước ta có xu hướng chậm lại. Dù đã được cảnh báo sớm, nhưng 7 tháng đầu năm 2016 tình hình vẫn chưa được cải thiện. Các chuyên gia lo ngại kết quả xuất khẩu cả năm sẽ không đạt kế hoạch trong bối cảnh cung - cầu trên thị trường quốc tế vẫn trên đà suy giảm…

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 6 tháng đầu năm đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2015, là mức tăng thấp trong nhiều năm qua. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm, tốc độ tăng KNXK 6 tháng đầu năm có thể đạt 10,1%. Như vậy, diễn biến trên thị trường thế giới đã trở thành yếu tố bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của nước ta. Tình trạng này cũng xảy ra với một số quốc gia láng giềng.

 

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu còn phải đối diện với khó khăn “kép” khi mức cầu của thế giới cũng giảm. Trong bối cảnh đó, các DN thuộc nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đã cố gắng khai thác thị trường, duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu 6%. Tuy nhiên, con số này chưa đóng góp như mong muốn vào kết quả chung. Đặc biệt, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản tiếp tục “rơi”, do tác động tiêu cực từ giá dầu thô. Hiện, giá dầu đang ở mức dưới 40-45 USD/thùng và dự báo chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

 

Đáng lo ngại, trong tháng 7 KNXK chỉ đạt 14,7 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng trước và chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ 2015. Tính chung 7 tháng đầu năm, KNXK đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ 2015. Một số mặt hàng chủ lực như dệt may chỉ tăng 5,4%, trong khi trước đó, mức tăng trưởng thường đạt 2 con số. Tương tự, hàng giày dép tăng 8,1% và thủy sản tăng 3,5%. Hiện, nhiều DN thuộc những ngành này vẫn chưa được hưởng những lợi ích do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, trong khi sức mua tại thị trường truyền thống suy giảm. Riêng KNXK của khối DN trong nước đạt tăng trưởng 2,4% trong 7 tháng, thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung, cho thấy sự yếu kém của DN "nội". Những hạn chế này đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của cả nước.

 

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hạn chế về kết quả xuất khẩu chủ yếu do nguyên nhân khách quan, vì vậy hầu như không thể điều chỉnh, can thiệp. Muốn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay, các tháng còn lại phải đạt tốc độ tăng ít nhất 15%. Đây là thách thức lớn, không dễ thực hiện. "Các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến, kiên trì các biện pháp hỗ trợ DN; nhất là thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ DN để giảm gánh nặng cho các đơn vị sản xuất, xuất khẩu" - ông Ngô Trí Long đề nghị.

 

Mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xuất khẩu cả năm 2016 trở thành thách thức lớn khi thời gian không còn nhiều, trong khi gần như DN xuất khẩu phải chấp nhận bị động trước những diễn biến trầm lắng trên thị trường quốc tế. Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, ở cả thị trường trọng điểm, truyền thống, cũng như những thị trường có tiềm năng. Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với các địa phương triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung các FTA, nhất là những quyền lợi FTA mang lại cho DN, để có phương án tận dụng triệt để lợi thế.