Thanh long ruột đỏ trên đất Phúc Thuận

10:46, 15/08/2016

Dưới bàn tay của những người nông dân Phúc Thuận (T.X Phổ Yên), cây thanh long ruột đỏ đã dần bám rễ và cho những mùa trái ngọt thơm. Loại cây này đã nhanh chóng được nhân rộng trên những vạt đồi Phúc Thuận, góp phần nâng cao đời sống của người dân, mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế ở vùng đồi núi khô cằn này.

Chúng tôi đến thăm vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông Trần Bình Dưỡng, xóm 6, xã Phúc Thuận đúng dịp chuẩn bị thu hoạch. Những trái thanh long đâm ra từ những đầu cành nhuộm đỏ cả một triền đồi. Ông Dưỡng cho biết: Ngày mốt là thương lái đến cắt mua cả vườn. Vụ này trái không sai bằng vụ trước, nhưng ước chừng cũng thu được khoảng 3 tấn quả.

 

Ông Dưỡng cũng là người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng ở địa phương. Năm 1990, ông về hưu, ngoài đồng lương hưu ít ỏi, cuộc sống gia đình ông trông vào gần 1ha chè cằn cỗi, đã hết chu kỳ khai thác. Do năng suất chè thấp, thu nhập bấp bênh, nên năm 2003 ông quyết định bỏ chè trồng cây thanh long ruột đỏ. Ban đầu, ông mua 8 mầm cây về trồng thử thành 2 trụ gốc. Từ 2 trụ gốc ban đầu, theo hướng dẫn, ông đã nhân lên thành 50 trụ gốc. Khi thấy ông mang giống cây về hì hụi tìm vị trí, trồng, chăm sóc thì những người thân trong gia đình đều dửng dưng. Đến khi cây đơm hoa, kết trái mọi người trong gia đình vẫn không tin cây sẽ mang lại giá trị kinh tế cao. Chỉ khi ông Dưỡng quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích gần 1ha chè cằn cỗi sang trồng thanh long với có gần 1.000 gốc và thắng lớn trong vụ thu hoạch thứ hai thì gia đình ông ai cũng tâm phục khẩu phục. Hiện nay, vườn thanh long của ông cho sản lượng khoảng trên 3 tấn/năm, năm nào được mùa có thể lên đến hơn 4 tấn, thu lãi trên 200 triệu đồng. Đến vụ thu hoạch, thương lái tìm đến đặt mua và tự hái, gia đình ông cũng không phải thu hái và đem bán như trước.

 

Điều đặc biệt là, giống thanh long ruột đỏ trồng trên đất đồi Phúc Thuận đã mang lại chất lượng quả đặc biệt: ruột đỏ, vị ngọt đậm hơn hẳn thanh long trồng ở những nơi khác. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ tự phát của ông Dưỡng, năm 2012, Trạm Khuyến nông T.X Phổ Yên đã xây dựng mô hình phát triển cây thanh long ruột đỏ. Diện tích được quy hoạch là 7ha. Ông Dưỡng trở thành người đồng hành với Dự án khi vừa là người hướng dẫn kỹ thuật, vừa là người cung ứng giống cho bà con. Nhiều hộ dân ở địa phương đã cải tạo vườn tạp, đồi trống để trồng thanh long. Với diện tích gần 1ha thanh long ruột đỏ, gia đình ông Nguyễn Viết Quỳnh, xóm Khe Đù mỗi năm cũng thu về gần 200 triệu đồng. Ông Quỳnh cho biết: Trồng thanh long ruột đỏ chi phí đầu tư khá cao, tuy nhiên, do tôi tham gia mô hình trồng thanh long ruột đỏ nên ngoài được hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp và còn được người đi đầu là ông Dưỡng tư vấn hướng dẫn tận tình về kỹ thuật nên mới thành công như ngày hôm nay.

 

Mới tham gia mô hình, nhưng gia đình anh Lê Văn Thảo, xóm Quân Cay, cũng có gần 1ha thanh long ruột đỏ. Theo ông Thảo, thanh long ruột đỏ là cây trồng mới, đáp ứng được nhu cầu của người dân ở đây trong tìm hướng phát triển kinh tế sao cho phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương, đồng thời đem lại giá trị kinh tế khá để bà con nâng cao thu nhập.

 

Bà Nguyễn Thị Chín, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông T.X Phổ Yên cho biết: Để bà con đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng thành công, mang lại giá trị kinh tế cao, sau khi xây dựng mô hình, Trạm đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cho bà con nông dân. Cho đến nay, thanh long ruột đỏ không chỉ bén rễ, đơm hoa, kết trái ở Phúc Thuận, mà đã phát triển sang các xã khác như Nam Tiến, Hồng Tiến, Đắc Sơn… với tổng diện tích trên 7ha. Về lâu dài, để đảm bảo cho loại cây trồng này phát triển ổn định, thị xã sẽ quản lý và quy hoạch các vùng trồng để tránh tình trạng phát triển tự phát, kém hiệu quả.

 

Phúc Thuận trước đây vốn chỉ được biết đến là vùng đất cằn cỗi, kinh tế chủ yếu là phát triển chè, lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc. Nhưng những năm gần đây, những mô hình phát triển cây ăn quả như của gia đình ông Trần Bình Dưỡng đã làm thay đổi cách nhìn, cách tư duy của bà con địa phương. Thực tế đó đã làm xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao tại địa bàn.