Từ nhiều năm nay, ở xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) đã hình thành một số làng nghề chuyên canh rau. Tuy nhiên, bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ, giá cả bấp bênh. Mong mỏi được công nhận làng nghề sản xuất rau truyền thống và phát triển vùng rau an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn luôn là niềm đau đáu của cán bộ và người dân.
Những ngày đầu tháng 8 mưa như trút nước, nhưng khi về xã Đông Cao, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cánh đồng rau ở các xóm Trại, Soi, Việt Hồng vẫn xanh non mơn mởn, không hề bị táp lá, bật gốc hay ngập úng. Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng rau trước nhà, anh Vũ Văn Mạnh, ở xóm Trại, với tay lật một mảng đất lên, nói: Mưa bão hay nắng gió bây giờ không ảnh hưởng nhiều đến người trồng rau chúng tôi. Ở đây, nhà nào cũng đầu tư hệ thống giàn sắt che mưa, lưới đen phủ chống nắng. Gia đình tôi và một số hộ làm rau của xã đã mạnh dạn đầu tư khung giàn ruộng rau bằng sắt (mỗi sào là 40 triệu đồng) vừa bền, vừa thuận tiện cho việc phủ bạt chống nắng, ngăn mưa. Gắn bó với nghề trồng rau suốt 30 năm qua, vợ chồng anh Mạnh đã trải qua biết bao vui buồn trên cánh đồng rau. Nhà có 5 sào đất, anh chị trồng gối vụ các loại, mùa nào thức ấy, mỗi năm cho thu lãi trên 100 triệu đồng.
Rời nhà anh Mạnh, chúng tôi đến xóm Việt Hồng, thôn Việt Hùng - nơi có nghề trồng rau xuất hiện đầu tiên ở Đông Cao. Vào thăm nhà thì thấy vợ chồng ông Đặng Ngọc Minh, Trưởng xóm Việt Hồng, mới ra đồng thu hoạch mướp đắng về để buổi chiều bán cho thương lái. Ông Minh cho biết: Từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nghề trồng rau đã có đất này. Từ vài hộ lẻ tẻ dần dần đã hình thành nên xóm Gò Mít chuyên canh rau. Nhưng phải đến những năm 1980, khi thôn Việt Hùng được thành lập thì nghề trồng rau mới phát triển mạnh, ở đây cũng đã từng hình thành 2 hợp tác xã sản xuất rau. Tính ra, mỗi sào rau thu lãi ít nhất 20-30 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 5-7 lần so một sào lúa, nếu đầu tư nhiều có thể lãi đến trên 40 triệu đồng/sào/năm. Trên 1ha đất ở cánh đồng Đõ, người dân năm này qua năm khác gieo hạt làm giống và sản xuất rau thương phẩm, không cho đất nghỉ. Từ trồng rau, nhiều nhà đã thoát nghèo, có kinh tế khá giả, sắm sửa được các vật dụng tiện nghi (xóm hiện chỉ còn 1 hộ nghèo là đối tượng neo đơn).
Ông Diệp Xuân Việt, Bí thư Chi bộ thôn Việt Hùng (lãnh đạo 2 xóm Việt Hồng, Việt Lâm) cho biết: Nghề làm con giống rau bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 11 âm lịch. Nhiều nơi có kỹ thuật làm rau giống nhưng một số loại như cải bắp, súp lơ đòi hỏi kỹ thuật cao chỉ bà con ở Việt Hồng mới làm được. Bám sát thực tế này, hàng năm Chi bộ đều ra nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó có việc nhanh nhạy áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rau để nâng cao thu nhập. Từ cán bộ, đảng viên gương mẫu, bà con trong xóm đều tích cực chuyển đổi các loại con giống mới cho năng suất và chất lượng tốt hơn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Hiệu quả kinh tế từ việc chuyên canh rau đã rõ, nhưng ông Việt, ông Minh, anh Mạnh và các hộ làm rau đều trăn trở bởi giá bán không ổn định, theo kiểu mạnh nhà ai người đấy làm, thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ nên hay bị tư thương ép giá. Hơn nữa, làm rau vất vả, tốn công lao động lại mất thêm công ra chợ bán là rất bất tiện trong thời điểm thiếu lao động như hiện nay.
Nếu được công nhận làng nghề rau an toàn, chúng tôi sẽ được lợi nhiều. Việc làm theo quy hoạch sản xuất rau an toàn, ngoài hỗ trợ về vật tư, kỹ thuật, chúng tôi sẽ theo tính toán mùa vụ và làm các loại rau phù hợp có giá trị hơn. Nhưng rau ở vùng này có truyền thống mấy chục năm, ai công nhận cho là rau an toàn và nhất là bán cho ai và giá có tăng không? - Câu hỏi đó của ông Nguyễn Văn Mùi, Trưởng xóm Trại cũng là băn khoăn của bất cứ người làm rau nào ở Đông Cao.
Mong muốn của người dân thì như vậy nhưng để có thương hiệu rau an toàn và vấn đề căn bản là đầu ra cho bà con ra sao và giá cả liệu có ổn định? - Ông Việt nói.
Ông Trần Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đông Cao trăn trở: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đông Cao nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa mục tiêu phát triển vùng rau an toàn trong xã để cung cấp cho các khu công nghiệp vùng lân cận, cũng là thực hiện việc nâng cao chất lượng vùng rau sản xuất. Cụ thể hóa nghị quyết này, năm 2015 xã đã công bố quy hoạch vùng chuyên canh rau an toàn quy mô 15ha ở các xóm Trà Thị, Việt Hồng, Soi, Trại. Năm 2016, T.X Phổ Yên triển khai dự án hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất rau (trong 3 vụ) cho thu nhập cao để hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới tại địa phương.
Được biết, vụ xuân vừa qua đã có 24 hộ ở các xóm nói trên tham gia với quy mô 1ha, tuy lợi nhuận mỗi sào rau trung bình tăng không lớn (tăng thêm 200 nghìn đồng) nhưng đã giảm được 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Chị Nguyễn Thị Thoan, cán bộ khuyến nông xã Đông Cao thông tin: Người dân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 40% vật tư, phân bón (sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), thuốc bảo vệ thực vật và được tập huấn khoa học kỹ thuật. Nhưng điều bà con thắc mắc nhiều nhất với chúng tôi là sau khi kết thúc dự án này, rau họ sản xuất ra liệu được công nhận là an toàn không? Giá bán có cao hơn rau thông thường không?
Tuy nhiên, với suy nghĩ của chúng tôi cũng như chị Thoan thì kết thúc dự án, có thể không được hỗ trợ 40% về vật tư, phân bón nhưng việc bà con áp dụng mô hình sản xuất an toàn cho thu nhập cao theo các quy trình nói trên thì cái được không chỉ là trước mắt mà còn lâu dài. Bởi vì, công lao động sẽ không mất nhiều, sức khỏe của người dân ít bị ảnh hưởng khi giảm số lần phun thuốc trừ sâu và môi trường chắc chắn cũng được cải thiện. Đó cũng là điều chị Thoan cũng như các cán bộ xã đang tuyên truyền để thu hút đông hơn các hộ tham gia dự án. Chuẩn bị cho vụ mùa, đến nay đã có trên 60 hộ đăng ký tham gia, diện tích khoảng 4ha.
Như vậy, với những xóm có truyền thống làm rau lâu đời ở Đông Cao, việc hình thành vùng rau an toàn đang hiện hữu. Tuy nhiên để mang lại hiệu quả kinh tế, rất cần sự quan tâm hơn của các cấp, ngành chức năng để được công nhận làng nghề cũng như đẩy mạnh sản xuất cho thu nhập cao, biến tiềm năng sẵn có của địa phương trở thành hiện thực.