Được biết, hiện nay thu hút đầu tư toàn xã hội của tỉnh đang chiếm tới 85%, trong khi huy động từ vốn ngân sách luôn giữ ở mức ổn định từ 5%-10%. Như vậy vốn xã hội hóa của tỉnh đang được huy động rất cao, điều mà nền kinh tế nào cũng cần để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Là một tỉnh có lợi thế về quỹ đất, nhất là đất đô thị nên thời gian qua lượng vốn huy động đầu tư xã hội hóa của chúng ta đạt rất lớn. Chủ trương đối trừ cho nhà đầu tư khi họ tự bỏ tiền để xây dựng hạ tầng phục vụ dân sinh đã được tỉnh ta áp dụng khá hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đây là hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng là BT bằng công trình chứ không phải bằng tiền - điều mà Chính phủ đang rất khuyến khích. Từ chủ trương này mà nhiều doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh đã đến đầu tư với những dự án quy mô lớn, chủ yếu ở các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, trung tâm thương mại... Đa số các dự án đều có số vốn hàng trăm tỷ đồng, trong đó có dự án lên tới cả nghìn tỷ đồng được nhà đầu tư bỏ kinh phí. Đổi lại, tỉnh sẽ bố trí để nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn và đảm bảo lợi nhuận.
Vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua một dự án đầu tư chủ yếu từ nguồn xã hội hóa theo hình thức BT, đó là Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu - thành phố Thái Nguyên. Dự án này có tổng vốn lên tới 18 nghìn tỷ đồng do Tập đoàn Phúc Lộc làm chủ đầu tư. Theo cam kết, nhà đầu tư sẽ huy động và bố trí trên 12 nghìn tỷ đồng thực hiện Dự án, Nhà nước chỉ đối ứng trên 5 nghìn tỷ thực hiện công tác bồi thường. Đổi lại, tỉnh sẽ bố trí trên 700ha đất để nhà đầu tư xây dựng kinh doanh các khu đô thị thu hồi vốn. Dự án này có tính khả thi cao, khi hoàn thành sẽ cải thiện rõ rệt bộ mặt đô thị T.P Thái Nguyên.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các nhà đầu tư đã làm rất tốt chủ trương xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, giúp cho quá trình đầu tư phát triển của tỉnh được nhanh chóng hơn. Bộ mặt hạ tầng của tỉnh cũng vì thế mà được cải thiện, cộng đồng dân cư được sử dụng các dịch vụ dân sinh hiện đại, tiện ích và kịp thời. Điều đáng quan tâm là nhờ đó ngân sách địa phương bớt gánh nặng, có điều kiện tập trung đầu tư cho các chương trình cấp thiết, liên quan đến an sinh của toàn xã hội. Các dự án đầu tư ngoài ngân sách phải kể đến thời gian qua là: Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện An Khánh, các nhà máy may mặc của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG; các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn T.P Thái Nguyên…
Ngoài vốn của các nhà đầu tư trong nước, tỉnh ta đã tiếp nhận một lượng vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, đáng chú ý là vốn của Tập đoàn Samsung và các doanh nghiệp FDI làm phụ trợ khác đi kèm với số lượng lên tới trên 7 tỷ USD. Thu hút được nguồn vốn đầu tư trên là công sức rất lớn của các cấp chính quyền trong tỉnh, điều mà nhiều địa phương mong mỏi nhưng không có được. Với sức đầu tư mạnh mẽ đó đã khiến toàn bộ cục diện kinh tế của tỉnh thay đổi, từ một địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp chỉ khoảng 25 nghìn tỷ đồng/năm, năm 2015 tăng lên trên 360 nghìn tỷ đồng và năm nay dự kiến tăng lên trên 400 nghìn tỷ đồng; từ tỉnh có giá trị xuất khẩu không quá mấy trăm triệu USD/năm, nay tăng lên hàng chục tỷ USD; từ chỗ chỉ giải quyết được khoảng 2 vạn lao động/năm nay tăng gấp nhiều lần... Điều đáng nói là từ các dự án vốn FDI này đã tạo môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy các dịch vụ công cộng ở địa phương phát triển.
Cùng với đó, việc huy động nguồn lực sẵn có trong nhân dân cho mục tiêu đầu tư phát triển của tỉnh thời gian qua cũng rất đáng kể. Chỉ tính riêng số lượng huy động đối ứng trong nhân dân thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng cho thấy lượng tiền đóng góp của nhân dân lớn thế nào. Trong đó, phong trào vận động người dân hiến đất, tham gia đóng góp bằng tiền, bằng ngày công để làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi đã được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh...
Thông tin của ngành chuyên môn cho thấy, tổng nhu cầu đầu tư phát triển riêng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng của tỉnh giai đoạn 2011-2015 là trên 29,5 nghìn tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2016-2020 là gần 66 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự kiến đến năm 2020 nguồn vốn huy động trong nước sẽ chiếm khoảng 46% và sau năm 2020 khu vực kinh tế ngoài Nhà nước (xã hội hóa) sẽ đảm nhận vai trò chính trong đầu tư phát triển hạ tầng và đạt tỷ trọng 48% đến 50% tổng đầu tư hạ tầng vào năm 2030. Như vậy, vốn ngân sách tham gia là rất thấp, chủ yếu là vốn huy động ngoài xã hội. Cũng một thông tin đáng chú ý là trong giai đoạn 2011-2015, vốn ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng của tỉnh chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại là vốn huy động ngoài xã hội. Có nhiều công trình quy mô hàng trăm tỷ đồng nhưng toàn bộ của nhà đầu tư. Trong 5 năm tới, dự kiến ngân sách của tỉnh dành cho đầu tư xây dựng cơ bản cũng chỉ chiếm từ 15% đến 20%.
Chúng ta có thể thấy được rằng, sức ép phải sử dụng vốn ngân sách cho đầu tư phát triển không còn đè nặng lên vai của các nhà quản lý, điều tiết kinh tế địa phương. Trong bối cảnh ngân sách của tỉnh còn nhiều hạn chế, nhu cầu vốn đầu tư lại rất lớn thì những gì mà nguồn vốn ngoài ngân sách đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh là đáng ghi nhận. Theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì vốn ngân sách của tỉnh trong 5 năm tới sẽ chủ yếu dành cho xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và còn khoảng 87 tỷ đồng dành cho xây dựng công trình mới. Như vậy, từ nay đến năm 2020, nguồn vốn đầu của tỉnh chủ yếu trông vào nguồn xã hội hóa.
Đó là điều đáng mừng bởi nếu địa phương nào lạm dụng vốn ngân sách để đầu tư thì coi như đã thất bại trong huy động nguồn lực, địa phương nào tích cực vận động và sử dụng nhiều từ nguồn vốn vay ODA cũng không được đánh giá cao vì thực tế vốn vay viện trợ thường đi kèm với những rủi ro, phiền hà. Còn đối với những địa phương có tỷ lệ huy động vốn từ các nguồn xã hội hóa lớn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, giảm gánh nặng cho ngân sách, không lo trả nợ, đồng thời tạo đà phát triển mạnh cho nền kinh tế.