Nhu cầu thị trường thường có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy hiện nay, các chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang tích cực đầu tư vốn, thức ăn để tái đàn và mở rộng quy mô nuôi theo khả năng của từng trang trại, gia trại.
Chị Nguyễn Thị Cương, ở xóm Việt Ninh, xã Lương Phú (Phú Bình) cho biết: Để phục vụ thị trường Tết, gia đình tôi đã tiến hành khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại và thả lứa lợn mới với 400 con. Ngoài ra, gia đình tôi còn đang khẩn trương xây chuồng trại dự kiến nuôi thêm 600 con lợn siêu nạc để tăng thu nhập vào cuối năm. Hiện, với mức giá thịt lợn hơi dao động từ 42 nghìn đến 47 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi trên 600 nghìn đồng/con.
Theo khảo sát của chúng tôi, từ tháng 6 dương lịch trở lại đây, giá thịt lợn hơi cũng như giá nhiều loại thịt gia cầm không còn tăng với tốc độ "phi mã" mà đã giảm khoảng 5-10 nghìn đồng/kg. Song, mức giá như hiện tại và lượng thịt thương phẩm được các thương lái thu mua ổn định nên người chăn nuôi vẫn có lãi, đảm bảo cho việc tái đàn, nuôi lứa mới, cung ứng cho thị trường những tháng cuối năm. Với những hộ có nguồn vốn tương đối, đây thực sự là cơ hội phát triển chăn nuôi, nhưng đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn vốn ít, việc tăng đàn sẽ khó khăn hơn.
Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đã tái đàn gia súc, gia cầm chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết cổ truyền. Mỗi lứa lợn thương phẩm phải nuôi trong vòng 3-4 tháng mới có thể xuất chuồng. Vì thế, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã tính toán và đang khẩn trương nuôi lứa mới để kịp bán dịp Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xóm Trại, xã Tân Hương (T.X Phổ Yên) cho biết: Những ngày gần đây, giá lợn thương phẩm trên thị trường đã giảm song giá con giống hiện vẫn còn khá cao, do khá nhiều hộ chăn nuôi đang có nhu cầu tái đàn, nuôi lứa mới ở thời điểm này. Gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ cũng chỉ đủ nguồn vốn để tái đàn 50 con.
Do nhu cầu tái đàn, tăng mạnh nên thời điểm này, các cơ sở cung cấp con giống cũng đang vào mùa bận rộn. Ông Nguyễn Văn Hiển, chủ cơ sở ấp nở trứng gia cầm ở xóm Làng Cà, xã Tân Khánh (Phú Bình) cho biết: Nhà tôi nuôi 3.000 con gà mái đẻ. Trung bình mỗi tháng, nhà tôi cung cấp cho thị trường 2 vạn con gà giống. Để phục vụ nhu cầu gà nuôi xuất bán dịp Tết, từ cách đây 6 tháng, gia đình tôi đã chuẩn bị nuôi đàn gà hậu bị, sau khi chúng đẻ trứng, cho vào lò ấp sau 21 ngày nở là có lứa gà con bán. Mấy ngày hôm nay, nhà tôi liên tục có khách vào mua gà con, có hôm còn không đủ gà bán.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ổn định, thị trường đầu ra khá tốt là những điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi. Hiện, toàn tỉnh có tổng đàn lợn trên 550 nghìn con, tăng 3,8% so với cùng kỳ; đàn gia cầm khoảng 8,8 triệu con, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc gia cầm tại các chợ đầu mối, các địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng… có thể tái phát trên địa bàn tỉnh. Để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi thời điểm cuối năm, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đang tập trung giám sát công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 tại các địa phương trong tỉnh. Tính đến thời điểm ngày 11-9, toàn tỉnh đã tiêm được 109 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, đạt 91% kế hoạch năm; trên 214 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng trâu, bò, lợn, đạt 113% kế hoạch năm; trên 14 nghìn liều vắc xin phòng bệnh tai xanh, đạt 96% kế hoạch năm; 460 nghìn liều vắc xin phòng dịch tả lợn...
Vào dịp cuối năm, thời tiết lạnh, sức đề kháng của vật nuôi giảm, vì vậy, cùng với chú trọng công tác tiêm phòng, cán bộ Chi cục còn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. Các hộ dân cũng đã tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại đảm bảo khô ráo, sạch sẽ, đủ ấm cho đàn vật nuôi và dự trữ thức ăn vào mùa đông, tránh để xảy ra tình trang gia súc chết rét, gây thiệt hại về kinh tế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y cho biết: Gần Tết, việc tái đàn phục vụ tiêu dùng, mật độ chăn nuôi tăng, cũng như việc vận chuyển buôn bán tăng mạnh gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh tương đối cao, khó kiểm soát. Nhằm bảo vệ tốt hơn đàn vật nuôi, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là đối với các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm; lở mồm long móng ở trâu, bò; tai xanh, dịch tả ở đàn lợn… Để giúp người chăn nuôi tái đàn thuận lợi, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, Chi cục cũng đã tăng cường kiểm tra chất lượng giống gia súc, gia cầm; hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gắn với khâu giết mổ, chế biến, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.