Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

10:28, 26/09/2016

Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc bán vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn như Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk),...

Như vậy, trong ba tháng cuối năm 2016 và giai đoạn tới (2016-2020), quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN và thoái vốn nhà nước (TVNN) tại DN cần được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng. Thu gọn số lượng DNNN; củng cố, nâng cao vai trò của các DNNN quan trọng, cần thiết và gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DNNN theo cơ chế thị trường..., là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

 

Tiến độ chưa như kỳ vọng

 

Từ đầu năm đến nay, sàn giao dịch chứng khoán đã chứng kiến nhiều phiên giao dịch cổ phiếu thành công, đem lại lợi ích lớn cho cổ đông, DN và người góp vốn. Điển hình như cổ phiếu của Công ty cổ phần (CTCP) Du lịch Đồ Sơn có giá trị sổ sách là 4,5 tỷ đồng, sau khi đấu giá công khai, số tiền thu về nhờ bán cổ phiếu đạt tới 155 tỷ đồng, cao gấp 34 lần giá trị vốn nhà nước ban đầu. Mặc dù sau khi tiếp nhận, thực hiện tái cơ cấu DN, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của DN này đã đạt 28% vào năm 2014 - là mức tăng trưởng mạnh mẽ so với nhiều năm trước, nhưng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã khẩn trương tổ chức đấu giá để thoái vốn đầu tư tại DN này, thực hiện chuyển nhượng cho nhà đầu tư.

 

Cũng trong năm 2016, phiên đấu giá cổ phiếu của CTCP Du lịch Kim Liên với giá trị sổ sách là 31 tỷ đồng, sau đấu giá đã bán được với giá 1.000 tỷ đồng, cao gấp 32 lần giá trị vốn nhà nước ban đầu. Với cổ phiếu của CTCP Giày Đông Anh, với giá khởi điểm 302 nghìn đồng/cổ phần, giá đấu thành công gấp bốn lần giá khởi điểm.

 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong tám tháng năm nay, các đơn vị đã thoái được 2.921 tỷ đồng, thu về 5.767 tỷ đồng vốn đầu tư nhà nước. Tại năm lĩnh vực nhạy cảm, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng. Ngoài các lĩnh vực trên, các tập đoàn, tổng công ty cũng đã thoái được 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư tại các DN. Riêng SCIC đã bán 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng.

 

Lãnh đạo SCIC cho biết, từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 900 DN, trong đó bán hết vốn tại 821 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN với giá vốn là 5.724 tỷ đồng và thu về 14.109 tỷ đồng, gấp 2,5 lần giá vốn, trong khi mức trung bình TVNN chỉ là 1,5 lần. Trong kế hoạch TVNN thời gian tới, dư luận rất quan tâm danh sách 10 DN đã được Chính phủ quyết định thoái vốn như: Vinamilk, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh… Việc thoái vốn tại các DN này là phù hợp chủ trương của Chính phủ về việc TVNN tại các DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, và SCIC đã chủ động báo cáo đề xuất về lộ trình, phương thức thoái vốn.

 

Đánh giá tiến độ, chất lượng CPH và TVNN, Bộ Tài chính cho biết, sau khi phương án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai, chủ động xây dựng phương án và tiếp tục TVNN tại các DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần, vốn góp; rà soát, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đủ điều kiện chuyển thành CTCP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Bên cạnh đó, việc tiếp tục cải cách cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả của DNNN; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành DN, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, bảo đảm hiệu quả giám sát, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN cũng được đẩy mạnh. Từ đầu năm đến ngày 20-8, cả nước có 48 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH.

 

Phó Cục trưởng Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, một số “đầu mối” về CPH, TVNN như SCIC, DATC đã chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát DNNN; minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của DN. Số lượng DN thực hiện CPH, sắp xếp đạt kế hoạch theo đề án tái cơ cấu được duyệt. Công tác CPH đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho DN sau khi CPH huy động vốn, đổi mới phương thức quản lý, công nghệ. Tuy nhiên, để tiếp tục tái cơ cấu DNNN theo phương án đã được phê duyệt và theo lộ trình thoái vốn, tiến trình CPH, TVNN tại DN cần tích cực hơn nữa.

 

Theo Phó Cục trưởng Đặng Quyết Tiến, thực chất, do các đơn vị tiếp tục CPH các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015 đồng thời triển khai xây dựng kế hoạch sắp xếp, CPH, tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho nên tiến độ CPH DNNN và TVNN chưa đạt được như kỳ vọng.

 

Ngoài ra, hầu hết đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cho nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu các DN có quy mô vốn lớn, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt, vì thế cần nhiều thời gian để chuẩn bị. “Đây chính là những nguyên nhân cơ bản làm “chậm hóa” toàn bộ tiến trình CPH cũng như TVNN tại DN”, Phó Cục trưởng Đặng Quyết Tiến nhận định.

 

Bảo đảm công khai, minh bạch

 

Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề không chỉ nằm trong hành lang pháp lý, hay thời gian các DN cần để hoàn thành tiến trình CPH, niêm yết công khai. Theo Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội Nguyễn Vũ Quang Trung, việc Nhà nước thực hiện thoái vốn ở những tập đoàn, tổng công ty, nhất là những DN làm ăn có hiệu quả ở lĩnh vực bia rượu, nước giải khát, sữa, viễn thông,… là hướng đi cần thiết của quá trình cơ cấu lại DNNN cũng như cả nền kinh tế. Việc thoái vốn ở những DN này sẽ giúp Nhà nước tập trung nguồn lực vào đúng các lĩnh vực cần phải đầu tư hoặc những ngành nghề, lĩnh vực khác mà các nhà đầu tư không muốn hoặc không thể làm được. Chính vì vậy, vai trò người đứng đầu, người có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ CPH, TVNN là rất quan trọng.

 

Ở một góc độ khác, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, có nhiều DNNN cố tình chây ỳ CPH, thoái vốn, nhiều DNNN đã CPH nhưng trốn tránh niêm yết, trong đó có những tên tuổi lớn như Habeco, Sabeco đã CPH tám năm, song vẫn trì hoãn niêm yết. DN niêm yết với các quy định về minh bạch thông tin sẽ khiến mọi hoạt động của DNNN công khai, rõ ràng hơn, giúp xóa bỏ được sự bắt tay của các nhóm lợi ích làm thất thoát tài sản nhà nước.

 

Vấn đề là một số bộ, ngành, địa phương vẫn níu kéo CPH, sợ mất quyền lợi khiến tỷ lệ bán cổ phần thấp, nhỏ giọt, nhà đầu tư không mặn mà với việc mua vốn nhà nước. Nhiều chuyên gia nhận định việc bán vốn nhà nước phải thực hiện theo quy định của pháp luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước. Điều quan trọng, việc bán cổ phần của các công ty này phải được chào bán đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán để đạt hiệu quả cao nhất - Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Quang Trung khẳng định.

 

Đồng quan điểm này, Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Đức Chi cho rằng, những DN có vốn nhà nước dự kiến thoái vốn trong thời gian tới đều là các DN lớn, vì vậy khi Nhà nước thoái vốn cần có lộ trình phù hợp bảo đảm sự phát triển của DN và sự ổn định thị trường. SCIC có vốn nhà nước ở 10 DN có giá trị vốn hóa đến 100 nghìn tỷ đồng, trong đó Vinamilk chiếm tới 90% tổng lượng vốn. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, SCIC thoái vốn tích cực nhưng việc rút vốn tại DNNN cũng phải có trật tự để bảo đảm hiệu quả đồng vốn nhà nước, vừa ổn định sự phát triển của DN sau khi thoái vốn vì đó là những DN lớn ảnh hưởng sản xuất, xã hội và thị trường chứng khoán. Đồng thời, SCIC sẽ tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia để có giá bán tốt, lợi nhất.

 

Õ ràng, để đạt mục tiêu đặt ra, không chỉ Chính phủ, mà chính các bộ, ngành, địa phương chủ quản, các tập đoàn, tổng công ty phải chủ động và tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Trong đó, về hành lang pháp lý, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN như: tiêu chí phân loại DNNN cho phù hợp giai đoạn tới; tiêu chí, phân loại đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn các hình thức sắp xếp khác phù hợp hệ thống luật mới ban hành (cơ chế bán, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể DNNN, bổ sung quy định trình tự, thủ tục phá sản các DN lâm nghiệp, nông nghiệp). Trên cơ sở các tiêu chí phân loại mới ban hành, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung xây dựng, trình phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DNNN, các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai.

 

Theo Bộ Tài chính, trong số 48 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH trong tám tháng qua, có Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (gồm công ty mẹ và bốn công ty con); Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (gồm công ty mẹ và năm công ty con); Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam, Tổng công ty 36 (công ty mẹ và một công ty con); Tổng công ty Lâm nghiệp (công ty mẹ và sáu công ty con) và Tổng công ty Vật tư nông nghiệp. Tổng giá trị thực tế của 48 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 31.905 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 23.280 tỷ đồng.