Tính đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 10,73%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,51% và cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 1,06%. Phấn đấu đến cuối năm tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt từ 18-20% theo kế hoạch đề ra.
Cụ thể, dư nợ cho vay của các TCTD đạt 36.804 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cuối năm 2015, ước đến cuối tháng 9 đạt 37.200 tỷ đồng. Trong đó, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn là 10.194 tỷ đồng, tăng 16,36%, chiếm tỷ trọng 24,9%/tổng dư nợ, với 175.971 khách hàng đang vay. Trong số này, cho vay đầu tư xây dựng nông thôn mới là 5.970 tỷ đồng, với 114.475 hộ dân, 103 doanh nghiệp và 10 hợp tác xã còn dư nợ. Về nguồn vốn huy động, các TCTD huy động được 36.582 tỷ đồng, tăng 13,48% so với cuối năm 2015, tăng 27,29% so với cùng kỳ năm trước. Ước đến 30-9 đạt 36.900 tỷ đồng. Với việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, các TCTD trên địa bàn đã giảm được đáng kể số nợ xấu so với tháng trước, từ 303 tỷ đồng, chiếm 0,83%/tổng dư nợ, xuống còn 288 tỷ đồng, chiếm 0,78%/tổng dư nợ.
Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Nguồn vốn tín dụng được đầu tư đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện mức lãi suất VNĐ cho vay giữ ở mức ổn định, từ mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác khoảng 6,8-9%/năm (kỳ ngắn hạn), từ 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.