Ghi ở một Làng nghề truyền thống tiêu biểu cấp tỉnh

20:12, 19/09/2016

Cây chè bén rễ trên đất Hòa Khê 1, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) trên 61 năm nay. Những năm qua, bà con trong xóm đã đẩy mạnh chuyển đổi giống chè, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, máy móc vào trồng, chăm sóc và chế biến, do vậy năng suất, chất lượng chè được nâng lên rõ rệt. Nhờ cây chè, đời sống của người dân xóm Hòa Khê 1 đang ngày càng trở nên sung túc.

Có dịp đến với Hòa Khê 1 - xóm được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề chè truyền thống năm 2014, chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn những đồi chè xanh ngắt, trải rộng trên các triền đồi thấp. Ông Đoàn Văn Vạn, Trưởng xóm, kiêm Trưởng ban quản lý làng nghề chè truyền thống Hòa Khê 1 phấn khởi cho biết: Cây chè có mặt trên đất Hòa Khê 1 từ năm 1955. Đến nay, cả xóm đã có 80ha chè, trong đó chè cành chiếm hơn 80% diện tích gồm chủ yếu là giống LDP1 và Kim Tuyên. Năng suất chè của xóm hiện đạt 12 tấn búp tươi/ha. Vào chính vụ, chè thường được bán với giá 150 đến 180 nghìn đồng/kg chè búp khô (cao nhất là 270 nghìn đồng/kg chè búp khô). Vào vụ đông, chè có giá bán từ 300 đến 450 nghìn đồng/kg chè búp khô. Doanh thu hằng năm từ cây chè ở xóm đạt 28 tỷ đồng (thu nhập bình quân ước đạt 2 triệu đồng/người/tháng).

 

Nhờ có cây chè, đời sống vật chất và tinh thần của bà con trong xóm ngày càng được nâng lên, số hộ giàu trong xóm chiếm 30%, hộ khá chiếm 50,5%, hộ trung bình chiếm 12,7%. Hầu hết các hộ dân trong xóm đều đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Đặc biệt, xóm có 3 hộ đã sắm được ô tô con, 7 hộ mua được ô tô tải. Trong 2 năm 2015-2016, được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong xóm đã đóng góp đối ứng được 325 triệu đồng để làm 3,1km đường bê tông nông thôn. Cuối năm nay, bà con tiếp tục làm thêm 0,7km đường bê tông. Lúc ấy, toàn bộ các nhánh trục đường chính của xóm được bê tông hóa, không chỉ giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con được thuận lợi mà còn góp phần làm đẹp thêm cho diện mạo nông thôn...

 

Mặc dù bén rễ trên đất đồi xóm Hòa Khê 1 từ năm 1955 nhưng cây chè được người dân nơi đây thực sự quan tâm, từ năm 2002 trở lại đây bằng việc tập trung chăm sóc và mạnh dạn chuyển đổi những diện tích chè hạt bị cằn cỗi bằng giống chè cành: LDP1, Kim Tuyên. Những năm gần đây, bà con trong xóm còn đầu tư xây dựng hệ thống van tưới tự động, tiết kiệm nước tại các vườn, đồi chè. Hiện nay, xóm có trên 70% hộ dân trồng chè đã xây dựng được hệ thống tưới nước này. Cùng với đó, bà con cũng tập trung đưa các loại phân bón mới vào chăm bón chè. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng các sản phẩm chè ở Hòa Khê 1 được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2010, năng suất cây chè mới đạt 8 tấn chè búp tươi/ha thì đến nay đã tăng lên 12 tấn chè búp tươi/ha. Cùng với việc mạnh dạn chuyển đổi giống chè, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và chế biến, bà con Làng nghề còn tích cực tham gia quảng bá sản phẩm chè của mình đến với người tiêu dùng. Hằng năm, bà con đều tham gia hoặc gửi sản phẩm chè trưng bày tại các hội chợ được tổ chức ở tỉnh, tham gia Lễ hội Chùa Hang, các kỳ Liên hoan trà...

 

Chị Đàm Thị Tám, một hộ dân có diện tích chè lớn của xóm cho hay: Gia đình tôi hiện có khoảng 7.200m2 chè, chủ yếu là giống chè cành LDP1, được trồng cách đây từ 7-10 năm trở về trước. Vào chính vụ, gia đình tôi thu hái được 7 lứa chè. Mỗi lứa, gia đình thu hái được khoảng được 2,5 tạ chè búp khô, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Do đã xây dựng được hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước nên gia đình còn thu hoạch được 2 lứa chè vụ đông với 1,5 tạ chè búp khô/lứa, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa cho thu hoạch trên 40 triệu đồng.

 

Dẫn chúng tôi đi tham quan các đồi chè của người dân trong xóm, ông Đoàn Văn Vạn, Trưởng xóm, kiêm Trưởng ban quản lý Làng nghề chè chia sẻ thêm: Sau khi được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề chè truyền thống vào tháng 9-2014, người dân ở Làng nghề đã được tiếp cận nhiều hơn với các dự án hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, máy móc để phát triển. Năm 2014, Làng nghề được quan tâm hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích là 20,4ha, 42 hộ dân tham gia. Thông qua đó, bà con đã được tập huấn, thực hành sản xuất chè an toàn, sản xuất chè bền vững, được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất chế biến chè. Bên cạnh đó, hằng năm, bà con đều được tham gia các lớp tập huấn trồng, chăm sóc và chế biến chè, được đi tham quan thực tế tại các vùng chè nổi tiếng của tỉnh. Đến năm 2015, với việc được công nhận là Làng nghề tiêu biểu cấp tỉnh (làng nghề điểm), Hòa Khê 1 tiếp tục được tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí để mua 36 tôn quay chè, 21 máy vò chè và 2 máy hút chân không với tổng số tiền hỗ trợ trên 240 triệu đồng.

 

Có thể nói, cây chè thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân xóm Hòa Khê 1. Hiện nay, sản phẩm chè của bà con đã được thương nhân ở các xã trong huyện, T.P Thái Nguyên, Đại Từ đến tận nơi thu mua.