Không có chênh lệch nợ gốc, nợ lãi, tiền gửi, số món vay giữa hộ vay với tổ tiết kiệm - vay vốn và ngân hàng... Đó là kết quả nổi bật trong đợt tổng đối chiếu được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh triển khai thực hiện thời gian vừa qua. Điều này phần nào cho thấy chất lượng hoạt động của hệ thống NHCSXH trên địa bàn ngày càng được củng cố, nâng cao.
Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh: Đối chiếu nợ là một hoạt động bình thường, vẫn diễn ra hàng năm của hệ thống NHCSXH nhằm quản lý việc cho vay và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, điểm mới trong đợt tổng đối chiếu lần này là được thực hiện đồng thời ở cả 63 tỉnh, thành phố của cả nước trong cùng một thời điểm (từ tháng 10-2015 đến trước ngày 1-7-2016). Qua đây nhằm tổng kiểm kê nợ và đánh giá thực trạng nợ các chương trình tín dụng chính sách sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, từ đó có các giải pháp tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Kết quả của đợt tổng đối chiếu cho thấy, tính đến cuối tháng 6-2016, NHCSXH tỉnh thực hiện cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể (Cựu chiến binh, Phụ nữ, Thanh niên và Nông dân) với tổng dư nợ trên 2.335 tỷ đồng, có hơn 96.900 người còn dư nợ. Trong đó, nợ trong hạn chiếm gần 99,9%, nợ quá hạn chiếm 0,1% và chỉ có gần 400 triệu đồng (chiếm gần 0,02%) nợ khoanh. Một điều đáng mừng là không có trường hợp chênh lệch về số tiền vay, tiền gửi và hiện tượng xâm tiêu, vay ké. Qua đợt tổng đối chiếu, kết quả phân tích phân loại dư nợ cho thấy 99,84% có khả năng thu hồi, tỷ lệ không có khả năng thu hồi là 0,16% (tương ứng với số tiền 3.650 triệu đồng), trong đó nợ trong hạn là 2.619 triệu đồng, nợ quá hạn 823 triệu đồng, nợ khoanh 208 triệu đồng. Qua đối chiếu, phân tích, NHCSXH sẽ xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ, từ đó đưa ra biện pháp xử lý theo quy định. Chẳng hạn như, người vay đã rời khỏi địa phương mà xác định được địa chỉ nơi ở mới sẽ có sự phối hợp với NHCSXH và chính quyền nơi người vay chuyển đến để yêu cầu người vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ; những trường hợp không xác định được địa chỉ chuyển đến, nếu đã quá 2 năm sẽ thực hiện xử lý nợ bị rủi ro theo quy định...
Ông Dương Quang Vinh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Phổ Yên cho rằng, việc tổng đối chiếu nợ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trên thực tế, có những khoản vay như làm nhà theo Quyết định số 167 của Chính phủ đến nay đã được gần 5 năm, nhưng suốt khoảng thời gian qua, do chưa đến thời gian trả nợ lãi và nợ gốc nên giữa người vay và ngân hàng không có mối liên hệ gì. Qua việc đối chiếu sẽ nhắc họ khoản vay để từ đó có ý thức trả nợ. Ngoài ra, đây cũng là dịp để cán bộ ngân hàng tuyên truyền đến người vay sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Một số lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH khác thì lại xem đây là dịp để kiểm tra chất lượng, hiệu quả hoạt động đội ngũ cán bộ ngân hàng và các hội, đoàn, thể nhận ủy thác, nhất là với các tổ tiết kiệm - vay vốn (TK-VV) - những người trực tiếp tham gia vào quá trình bình xét cho vay.
Cùng với việc thực hiện đối chiếu, NHCSXH tỉnh còn luôn chú trọng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ. Riêng việc giám sát được NHCSXH tỉnh thực hiện thường xuyên từ xa trên chương trình thông tin báo cáo mới đối với tất cả các phòng giao dịch. Còn đối với việc kiểm tra, kiểm toán trực tiếp, tính riêng 6 tháng đầu năm nay, Phòng Kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Chi nhánh tỉnh đã tiến hành kiểm tra, phúc tra các mặt hoạt động của 4 phòng giao dịch cấp huyện; đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và thành viên Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh kiểm tra, giám sát 8 lượt cấp huyện, 8 lượt cấp xã và 11 lượt tổ TK-VV. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát cũng được cấp huyện tiến hành ở 9/9 Phòng giao dịch; gần 200 tổ TK-VV và trên 600 lượt hộ vay… Qua kiểm tra, giám sát, đơn vị, cá nhân nào thực hiện chưa đúng quy định, đều được nhắc nhở bằng văn bản hoặc trực tiếp để kịp thời khắc phục thiếu sót, tồn tại.
Có thể khẳng định, công tác kiểm tra, đối chiếu đã và đang góp phần quan trọng giúp nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương, đặc biệt là ban giảm nghèo, các hội đoàn thể nhận ủy thác từ huyện đến xã, các tổ TK-VV trong việc nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc bình xét cho vay vì thế được thực hiện ngày càng nghiêm túc, đúng quy định, qua đó giúp việc sử dụng vốn vay của người dân đúng mục đích, mang lại hiệu quả; nợ xấu nhiều năm liền vì thế luôn được duy trì ở mức thấp so với bình quân chung toàn ngành và so với các địa phương khác trong cùng hệ thống. Hiện nay, tỷ lệ này của NHCSXH Chi nhánh Thái Nguyên là 0,084% (tương ứng số tiền gần 2.185/2.579 tỷ đồng).