Mô hình nuôi lợn nái sinh sản của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng, xóm An Ninh, xã Dương Thành (Phú Bình) là một trong những mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao ở địa phương, được chính quyền khuyến khích nhân rộng, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Hơn 2 tỷ đồng/năm là số tiền mà gia đình bà Nguyễn Thị Phượng thu được từ mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản trong 2 năm vừa qua. Từ việc chăn nuôi gia cầm không hiệu quả, năm 2013, bằng nguồn vốn tích lũy được và vay của Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT huyện, bà Phượng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu chuồng trại khép kín, diện tích trên 2.300m2 để nuôi 200 con lợn nái. Hệ thống chuồng trại của gia đình bà được chia làm 3 khu vực: 2 khu vực dành cho lợn nái sinh sản và lợn con, 1 khu vực chăn nuôi lợn hậu bị. Bà Phượng chia sẻ: Đối với các hộ chăn nuôi lớn thì con giống là yếu tố đặc biệt quan trọng. Nếu mua phải con giống không rõ nguồn gốc sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh, dễ lây lan bệnh cho cả đàn, thậm chí có nguy cơ mất trắng. Do vậy, tôi luôn chọn lọc kỹ lưỡng từng con giống trước khi đưa vào trang trại. Từ khi ký hợp đồng mua lợn nái với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam thì tôi hoàn toàn yên tâm bởi con giống khỏe, ít dịch bệnh; bên cạnh đó, hàng tháng, Công ty đều cắt cử người xuống kiểm tra. Trung bình, giá lợn nái tôi mua từ Công ty dao động trong khoảng 53-54 nghìn đồng/kg (bằng giá lợn thịt trung bình cộng với 2 triệu đồng/con tiền bản quyền).
Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại, bà Phượng chia sẻ: Để có được con giống khỏe mạnh thì đàn lợn nái phải được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật khắt khe, không khí trong khu chuồng luôn thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Mỗi con lợn ngay từ khi bắt đầu nuôi đều phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh. Khi được hỏi làm thế nào để giữ gìn vệ sinh chuồng trại trong khi chăn nuôi với số lượng lớn như vậy, bà Phượng cho biết: Hàng ngày, tôi đều phun rửa chuồng, phân lợn được thu gom rồi đóng bao bán cho các trang trại trồng cây ăn quả, nuôi cá; các chất thải còn lại sẽ theo hệ thống xuống hầm bioga làm chất đốt. Mỗi tuần, tôi phun khử trùng 1-2 lần, đảm bảo chuồng trại luôn sạch sẽ. Bà Phượng cho rằng, để nuôi lợn nái hiệu quả, ngoài khâu vệ sinh chuồng trại thì khẩu phần ăn cho lợn nái sinh sản cũng có tầm quan trọng không kém, cần được cân đối phù hợp, nếu để lợn phát triển quá to sẽ gây khó khăn cho việc sinh nở.
Để có thêm kiến thức chăn nuôi, bà Phượng luôn tích cực, chủ động tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi - thú y do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức. Ngoài ra, bà cũng tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu; dành thời gian tham quan, học hỏi kiến thức từ nhiều trang trại khác. Nhờ vậy mà trang trại lợn của gia đình bà luôn đảm bảo được các yêu cầu trong phòng tránh dịch bệnh, trở thành địa điểm mua con giống tin cậy của nhiều thương lái và hộ chăn nuôi trong và ngoài xã. Trung bình mỗi năm, đàn lợn của gia đình bà Phượng sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa, một con đẻ được 10-12 lợn con, đạt khoảng 4.000 con giống/năm. Sau khi nuôi khoảng 20-25 ngày, mỗi con lợn giống có giá bán dao động từ 1,6-1,7 triệu đồng, trừ mọi chi phí, mỗi năm, gia đình bà Phượng thu lãi trên 2 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 3-4 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Cung, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Thành, cho biết: Mô hình chăn nuôi của gia đình bà Phượng rất đáng để người dân học tập và xã cũng đang khuyến khích nhân rộng. Thực tế những năm gần đây, thị trường lợn giống khá ổn định và có nhiều tiềm năng phát triển. Do vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay từ các ngân hàng thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để mở rộng sản xuất, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện tốt tiêu chí thu nhập trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.