Giữa cuộc sống đời thường, họ sống giản dị, gương mẫu. Trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, họ là người tiên phong. Không chỉ lo làm giàu cho mình, họ còn tạo được việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động địa phương… Họ là những cựu chiến binh (CCB) tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 92 doanh nghiệp; 16 hợp tác xã; 178 trang trại và 272 gia trại do hội viên CCB làm chủ. Trong đó có 7 doanh nghiệp do CCB làm chủ đạt doanh thu 50 tỷ đồng trở lên/năm; nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đạt doanh thu 10 tỷ đồng trở lên/năm; hằng trăm gia trại, dịch vụ đạt thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/năm. Từ năm 2011 đến hết năm 2015, Hội CCB tỉnh có gần 350 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; hơn 150 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh; 52 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. |
Có những CCB đã làm giàu từ mức âm, tức là phải đi vay mượn tiền vốn ngân hàng, hoặc của bạn bè để khởi nghiệp thành công. Điển hình như CCB Đào Văn Hiếu, xã Đào Xá (Phú Bình), nhà có gần 5.000m2 đất, nhưng 5 nhân khẩu trong nhà phải sống nghèo. Bạn bè đồng ngũ đến thăm nom, thấy vậy mới bày cách cho ông Hiếu quy hoạch lại vườn ruộng, chuyển đổi đất sang chăn nuôi lợn thịt và sản xuất gạch xây dựng. Sau 9 năm “nuôi chí làm giàu”, ông Hiếu đã gây dựng được một gia trại, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương.
Ông Hiếu cho biết: Từ năm 2011 đến nay, trừ chi phí đầu tư và trả lương nhân công, gia đình tôi còn lãi từ 100 đến 120 triệu đồng/năm. Cũng từ tay không làm nên cơ nghiệp, CCB Phạm Thái Thụy, xã Tân Quang (T.P Sông Công) đã vay mượn tiền của bạn đồng ngũ để đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất mành cọ, huy động thường xuyên 15 lao động là con em CCB. Sau 5 năm đi vào sản xuất, ông Thụy đã trả được hết nợ, bản thân gia đình thoát nghèo và trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.
Nói về chuyện làm giàu của những người lính cũ, ông Nguyễn Bình Nguyên, Chủ tịch Hội CCB tỉnh tâm đắc: Lính tráng chúng tôi, khi dời quân ngũ trở về với mái ấm gia đình đều có nghĩ suy làm giàu. Và bằng nghị lực, nhiều CCB đã làm thay đổi cuộc đời mình ngay trên đồng đất quê hương. CCB Đào Văn Hiếu là một trong hàng trăm điển hình của phong trào CCB vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng của Hội… Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Trong 5 năm gần đây, Hội CCB tỉnh đã gắn phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả từ phong trào đã xuất hiện nhiều CCB có tinh thần khắc phục khó khăn, năng động bươn trải trong dòng chảy của cơ chế thị trường để ổn định, phát triển bền vững.
Ngay trong lòng T.P Thái Nguyên, có những CCB làm kinh tế mỗi năm đạt doanh thu hàng tỷ đồng, như CCB Nguyễn Đức Điểm, thương binh hạng ¼, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải ô tô Tân Phú, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên); CCB Nguyễn Đức Cổn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Cường Thịnh, T.P Thái Nguyên; CCB Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương. Từ sản xuất, kinh doanh có lãi, các chủ doanh nghiệp là CCB còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ hội viên CCB nghèo và người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Mỗi CCB có một con đường riêng đi đến thành công. Nhưng họ có một điểm chung là nghị lực, lòng quyết tâm và không nản lòng trước thất bại. CCB Trần Mạnh Thừa, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi ong mật xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) cho biết: Hơn 5 năm trước, Hợp tác xã được thành lập, do thiếu kinh nghiệm, ong phần chết, phần bỏ tổ. Không nản, chúng tôi tìm đọc một số tài liệu hướng dẫn nuôi ong mật, học hỏi kinh nghiệm. Do nắm chắc được kỹ thuật nên Hợp tác xã dần đi vào phát triển ổn định. Hiện Hợp tác xã có hơn 200 đàn ong, đạt sản lượng mật hơn 1 tấn/năm, trị giá gần 300 triệu đồng.
Trong phong trào làm kinh tế giỏi, các cấp hội cũng luôn động viên hội viên CCB chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy nội lực, kết hợp sử dụng các nguồn lực khác để đầu tư phát triển đa dạng các loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, liên kết trong sản xuất, vươn lên làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tiêu biểu là Câu lạc bộ làm vườn, chăn nuôi, cây cảnh xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên); Câu lạc bộ Cây cảnh phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên); Trại chăn nuôi tổng hợp xã Tân Thành (Phú Bình)… các mô hình của CCB làm chủ đã tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Từ đó, hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do CCB làm chủ đã trụ vững, phát triển bền vững, được các cấp, ngành ghi nhận, khen thưởng, nhân dân tin tưởng.